Tấm gương không hám hư danh, không màng tư lợi
Suốt cuộc đời đồng chí Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng không hám hư danh, không màng tư lợi, luôn phấn đấu, hy sinh vì lợi ích của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân, vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Chiều 27/3, dự hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam", mọi người đều xúc động, cảm phục khi nghe những thông tin, câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Phó Chủ tịch nước. Được gần gũi và trực tiếp chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Lương Bằng là người học trò xuất sắc của Người về thực hành đạo đức cách mạng, giản dị, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tham ô, lãng phí.
Trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Lương Bằng, rất khó có thể kể hết những câu chuyện của đồng chí về đức tính cần, kiệm, liêm, chính, thanh cao, trong sáng, không màng địa vị, lợi quyền cá nhân.
Khi mới thành lập nước, chính quyền cách mạng phải đương đầu với nhiều khó khăn, thử thách, cùng một lúc phải đối phó với thù trong, giặc ngoài. Để giữ vững chính quyền cách mạng, tập hợp lực lượng, tăng cường khối đoàn kết toàn dân tộc, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã tự nguyện rút lui khỏi Chính phủ, nhường chỗ cho những nhân sĩ yêu nước ngoài Việt Minh tham gia Chính phủ. Khi giữ nhiều trọng trách được Đảng, Nhà nước giao phó, đều là các lĩnh vực quan trọng, ngày nay cho là “nhạy cảm” như tài chính, thanh tra, kiểm tra, đồng chí Nguyễn Lương Bằng vẫn vẹn nguyên với lý tưởng của Đảng, vì lợi ích của nhân dân, dân tộc, tuyệt nhiên không vì lợi ích bản thân.
Sau khi đồng chí mất, phu nhân Phó Chủ tịch nước lại tình nguyện trả biệt thự to đẹp ở số 5 phố Thiền Quang, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho Nhà nước. Ở quê hương xã Thanh Tùng (Thanh Miện), món quà quý sinh thời đồng chí mang về tặng cán bộ, nhân dân địa phương cũng chỉ là chiếc đài và ống nghe y tế. Tại Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Lương Bằng ở Thanh Tùng, những di vật cũ như bộ quần áo gụ, chiếc mũ cát đã sờn, chiếc khăn mặt cũ… đồng chí vẫn thường dùng cũng chứng minh cho lối sống tiết kiệm, giản dị của Phó Chủ tịch nước.
Những năm qua, đặc biệt là từ sau Đại hội XIII, Đảng ta đã tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị và đạt nhiều kết quả quan trọng. Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phải thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý.
Tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã đánh giá một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, phẩm chất, năng lực chưa ngang tầm nhiệm vụ, vi phạm nguyên tắc và quy chế làm việc, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Những kết quả và thực tế đau lòng trên càng cho chúng ta thấy thấm thía, sáng rõ tấm gương “hiếm có và đặc biệt” của đồng chí Nguyễn Lương Bằng. Như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh "danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất", tấm gương người cộng sản mẫu mực, đạo đức cách mạng của đồng chí Nguyễn Lương Bằng sẽ còn mãi sáng ngời .
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/tam-guong-khong-ham-hu-danh-khong-mang-tu-loi-376730.html