Tấm huy chương 'vàng ròng' của Lamont Marcell Jacobs
Hôm qua 1/8, ngày thi đấu thứ 9 của Olympic Tokyo 2020 đã chứng kiến bất ngờ lớn khi VĐV người Italy Lamont Marcell Jacobs giành huy chương vàng ở đường chạy 100m của nam, lần đầu tiên đưa danh hiệu này về châu Âu kể từ kỳ Olympic Barcelona 1992.
Với thành tích 9''80, Jacobs đã đánh bại VĐV người Mỹ Fred Kerley (9''84) và VĐV người Canada Andre De Grasse (9''89) để giành chiếc huy chương vàng được xem là danh giá nhất tại các kỳ thế vận hội. Điều đáng nói là anh không được đánh giá cao trước vòng thi bán kết, nhưng ngôi sao người Italy gốc Mỹ này đã liên tục vượt qua giới hạn của chính mình để lập nên kỳ tích.
Từ rất lâu rồi, người hâm mộ thể thao toàn cầu gần như đã mặc định trong suy nghĩ là danh hiệu “ông hoàng tốc độ” hay “nữ hoàng tốc độ”, tức người chạy nhanh nhất ở cự ly chạy 100m, là tài sản riêng của châu Mỹ. Thực tế đó càng được khẳng định khi ngày 31/7, ở chung kết chạy 100m nữ, cả 3 VĐV về đầu tiên đều có quốc tịch Jamaica, quốc gia mạnh nhất thế giới ở cự ly chạy này.
Ở 6 kỳ Olympic gần nhất, tấm HCV chạy 100m nam có 3 lần thuộc về Jamaica (Usain Bolt), 2 lần thuộc về Mỹ (Maurice Greene và Justin Gatlin), 1 lần của Canada (Donovan Bailey). Lần gần nhất một chân chạy không thuộc châu Mỹ thắng giải là ở Olympic 1992, nơi HCV thuộc về Linford Christie của đội tuyển Vương quốc Anh.
Lịch sử đó cho thấy ý nghĩa to lớn của tấm huy chương “vàng ròng” mà Lamont Marcell Jacobs vừa giành được, bởi những người về sau anh cũng là các VĐV đến từ châu Mỹ. Nỗ lực phi thường của Jacobs được thể hiện khi anh liên tục phá kỷ lục của châu Âu ở nội dung này tại vòng bán kết (9''84) và chung kết (9''80), vượt qua mọi giới hạn của bản thân. Tuy vậy, cũng phải nhắc lại rằng Jacobs vốn được sinh ra tại Mỹ và chỉ chuyển đến Italy định cư năm 10 tuổi.
Đường đua 100m chạy nam ngày hôm qua cũng chứng kiến những bất ngờ không nhỏ, như việc ứng cử viên số 1 Treyvon Bromell bị loại ở bán kết và VĐV Trung Quốc Su Bingtian trở thành người châu Á đầu tiên lọt vào chung kết nội dung này kể từ trường hợp của Taka Yoshioka ở Olympic 1932. Su Bingtian cũng lập kỷ lục châu Á với thành tích 9''83 ở vòng bán kết.