Tâm huyết bảo tồn nguồn giống lan rừng quý

Tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ, nhưng chị Lê Thị Bích Ngọc đã sớm bén duyên với nghề trồng, chăm sóc và nhân giống hoa lan. Bằng tình yêu và niềm đam mê, chị đã tiếp nối ý nguyện của chồng để phát triển và nâng tầm giá trị của hoa lan rừng Việt Nam, đặc biệt là giống lan đặc chủng của Lâm Đồng. Chị đã và đang tiếp tục nghiên cứu, mơ ước tạo nên giá trị kinh tế thực sự bền vững cho những người nông dân Việt Nam và người yêu chuộng hoa lan, góp phần giữ gìn nguồn tài nguyên quý giá.

Chị Ngọc giới thiệu giống lan quý cho giá trị kinh tế cao

Chị Ngọc giới thiệu giống lan quý cho giá trị kinh tế cao

TỪ VIẾT TIẾP GIẤC MƠ CỦA CHỒNG…

Chị Lê Thị Bích Ngọc (SN: 1986) là chủ cơ sở kinh doanh Thế Phương‘s garden có địa chỉ Chi nhánh tại phường B’Lao, TP Bảo Lộc. Đây là chi nhánh trực thuộc Công ty Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ phát triển Nguyên Đăng (TP Hồ Chí Minh).

Trực tiếp đến thăm cơ sở của Ngọc - một khuôn viên với vườn nghiên cứu khoáng đãng, được bàn tay nghệ nhân chăm chút rất tỷ mẩn theo từng khu vực, phòng nghiên cứu khác nhau.

Nhìn đôi mắt đen huyền đượm buồn và sâu thẳm cho thấy ý chí và quyết tâm mãnh liệt của cô khi thực hiện viết tiếp ước mơ và tâm nguyện sâu sắc của người chồng đã mất. Ngọc tâm sự: Ông xã em là người rất yêu và quý trọng thiên nhiên. Cách đây 7 năm, nhân dịp hai vợ chồng về Đắc Lăk chơi, em đã dắt ông xã đi tham quan một số vườn lan ở đó. Anh ý rất thích và nhận thấy đây thực sự là một ngành nghề có thể phát triển kinh tế khá tốt. Về sau, ông xã em nghiên cứu, tìm hiểu thêm và thấy trên thị trường xuất hiện nhiều loài hoa lan đến từ Thái Lan, Đài Loan. Ghé thăm vườn chuyên về lan rừng, chúng em nhận ra lan rừng Việt Nam thự sự rất đẹp, lại thơm, có nhiều nét vượt trội khác biệt so với nhiều loài hoa lan trên thế giới. Thế nhưng không hiểu tại sao, dân Việt mình vẫn phải nhập về rất nhiều giống lan ngoại với giá thành rất cao. Tìm nguyên nhân thì được biết, do Việt Nam chưa đủ công nghệ để làm ra nên buộc phải nhập lan ngoại với giá thành và chi phí khá cao. Sau đó, ông xã em bắt đầu sưu tầm và mua tất cả các giống lan có trên thị trường - thời điểm đó (cách đây 5-6 năm) với số tiền đầu tư rất lớn. Tiếp đó, ông xã em mày mò, học hỏi, nghiên cứu và bắt tay thử nghiệm lai tạo giống lan. Dự án đang triển khai được hơn 1 năm thì không may ảnh bị tai nạn và mất... Em thấy vô cùng xót xa, mọi việc còn ngổn ngang, và thấy công sức anh bỏ ra rất nhiều mà lại dang dở. Chính vì vậy, em đã chủ động viết tiếp giấc mơ của anh ấy để nhân những giống lan rừng quý hiếm. Từ đó, nhằm lan tỏa tình yêu thiên nhiên, giữ gìn bảo tồn nguồn tài nguyên quý giá của đất nước ta, của Lâm Đồng và nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước. Sau nhiều năm đeo đuổi, nghiên cứu, vượt qua bao khó khăn, thử thách, đến nay, nữ nghệ nhân cùng các cộng sự của mình đã từng bước thành công, ổn định phát triển kinh tế bền vững và tiếp tục hành trình chinh phục ước mơ của người chồng quá cố.

Nữ nghệ nhân Lê Thị Bích Ngọc luôn dành tâm huyết để nghiên cứu, phát triển nguồn gen về lan rừng quý hiếm của Việt Nam, đặc biệt là của Lâm Đồng

Nữ nghệ nhân Lê Thị Bích Ngọc luôn dành tâm huyết để nghiên cứu, phát triển nguồn gen về lan rừng quý hiếm của Việt Nam, đặc biệt là của Lâm Đồng

... ĐẾN "ĐAM MÊ - HIỂU BIẾT - KINH DOANH HOA LAN"

Tốt nghiệp Cử nhân Dược sĩ - Đại học Dược, với niềm đam mê thiên nhiên, yêu thích lan rừng, chị Ngọc đã và đang cần mẫn từng giờ, từng ngày viết tiếp ước mơ của chồng. Biến giấc mơ thành sự thực, trước hết là chính mình phải thành công đã, và nuôi dạy 2 đứa con nên người - đó là 2 tâm nguyện mà Ngọc quyết tâm đeo đuổi làm cho bằng được.

Hiện nay, Ngọc đang nghiên cứu các phương pháp phát triển các ưu điểm của các giống lan rừng, khắc phục các nhược điểm và phương pháp trị các bệnh trên nhiều loại lan khác nhau (chủ yếu nghiên cứu về giả hạc - phi điệp). Lợi dụng vào các ưu nhược điểm mà lai tạo ra nhiều dòng lan mới, có đặc tính siêu hoa để phục vụ thị trường vào dịp tết hoặc dòng cây xổ số để phục vụ người đam mê lan tùy theo sở thích, và ưa chuộng những mặt bông mới. Ngoài ra, Ngọc còn chuyên tâm nghiên cứu khắc phục các tình trạng trên dòng cây giả hạc khi thay đổi vùng miền, thời tiết, khí hậu; cách tạo ra nhiều tiểu khí hậu để phục vụ các công đoạn kỹ thuật như: làm kie, ra hoa,...

Nữ nghệ nhân cho biết, hiện, chị đang triển khai dự án với tiêu chí: Đam mê - hiểu biết - kinh doanh hoa lan cho những người có nhu cầu làm kinh tế từ hoa lan. Với diện tích gần 4.000 m2 gồm: giải trí, trưng bày, thư viện sách về hoa lan và nơi hướng dẫn sử dụng phân, thuốc và cách chăm các giống lan rừng Việt Nam; dự án sẽ mở những buổi trao đổi, hướng dẫn các quy trình chăm sóc hoa lan ở mọi công đoạn đối với hàng mới sưu tập được từ các vùng, miền về, và các công đoạn ra chai từ cây mô.

Mong muốn được sưu tầm nhiều loại sách cung cấp hiểu biết về hoa lan để mọi người có nhu cầu tìm hiểu về các giống lan rừng Việt Nam có đủ tư liệu tham khảo. Vì thế, mô hình vườn của Ngọc thiên hướng đến nghiên cứu nhiều hơn là kinh doanh, dù lợi nhuận của nó mang lại là không hề nhỏ.

Lan giả hạc trắng Di Linh - được phát hiện từ rừng Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, luôn được giới chơi lan hâm mộ

Lan giả hạc trắng Di Linh - được phát hiện từ rừng Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, luôn được giới chơi lan hâm mộ

Nữ nghệ nhân chia sẻ “Hiện, em đang nghiên cứu các hiện tượng đột biến đối với giả hạc - phi điệp”. Hiện tượng đột biến trong thiên nhiên không hiếm gặp nhưng để có được một mặt bông đủ xuất sắc, đẹp về các góc độ khuôn, lưỡi, cánh,... đủ độ quý hiếm và độc lạ, thì không nhiều. Về góc độ sinh học, do tác động của các yếu tố môi trường và do quá trình tái tổ hợp di truyền xảy ra quá trình biến dị sinh học, bao gồm biến dị không di truyền và biến dị di truyền. Về biến dị di truyền lại tạo ra biến dị tái tổ hợp và biến dị đột biến. Như vậy, lan đột biến có thể có cả những cây biến dị di truyền và biến dị không di truyền. Trải qua 6 năm nghiên cứu, em có thể phân định được lan đột biến có 2 dạng: đột biến có cấu trúc gen ổn định cao và đột biến có cấu trúc gen ổn định thấp. Hiện nay, em và các anh em cộng sự tại công ty đang phân định các giống lan VAR (Variation - đột biến) có cấu trúc gen như thế nào, để cung cấp hiểu biết cho người đam mê hoa lan có sự lựa chọn các dòng cây yêu thích. Một cây lan VAR (giả hạc VAR) quý hiếm thì phụ thuộc vào độ đẹp, độc, lạ, và khó có thể sản xuất bằng phương pháp tự nhiên. Để nhận định được một cây lan có cấu trúc gen như thế nào thì cần 3 đến 5 năm. Và rất mong trong tương lai gần, điều này sẽ được đúc kết thành quả khi mọi nghiên cứu của em đi đến thành công.

Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh thành phố Bảo Lộc, anh Trịnh Văn Sĩ cho biết: là một nghệ nhân nữ, tuổi đời còn trẻ nhưng Ngọc đã vượt qua nhiều khó khăn cả trong cuộc sống gia đình và trên thương trường để vươn lên khẳng định thương hiệu lan cho riêng mình. Tin rằng, mong ước và định hướng đúng đắn của Ngọc sẽ góp phần mở ra một ngành nghề có tiềm năng, giá trị kinh tế cao cho không chỉ anh chị em hội viên, nghệ nhân chơi lan mà còn góp phần bảo tồn nguồn gen lan quý hiếm của Bảo Lộc, Lâm Đồng, Việt Nam. Qua đó, góp phần phát huy lợi thế, tiềm năng của Lâm Đồng, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương lên tầm thương hiệu và giá trị mới.

Đúng như Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Tiến sĩ Phạm S từng ghi nhận: Mỗi nghệ nhân sinh vật cảnh đã biết phát huy lợi thế, tiềm năng của Lâm Đồng. Mỗi nghệ nhân khi có tâm hồn yêu thiên nhiên sẽ biết cách tạo sự khác biệt là nên thành công về cho mình, đóng góp lớn cho kinh tế - xã hội địa phương.

NGUYỆT THU

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202205/nu-nghe-nhan-tre-le-thi-bich-ngoc-tam-huyet-bao-ton-nguon-giong-lan-rung-quy-3114183/