Tâm huyết của kiều bào vì một TP.HCM phát triển

Tại Tọa đàm 'Kiều bào hiến kế phát triển TP.HCM', kiều bào đã có những góp ý cho TP.HCM để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trí thức kiều bào.

Ngày 22-4, báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức Tọa đàm “Kiều bào hiến kế phát triển TP.HCM”. Tọa đàm được tổ chức nhằm lắng nghe những hiến kế mang tính chiến lược và hành động góp phần phát triển TP.HCM nói riêng, Việt Nam (VN) nói chung.

Chủ trì tọa đàm có bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về người VN ở nước ngoài TP.HCM; ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên tập thường trực báo Pháp Luật TP.HCM.

 Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: NGUYỆT NHI

Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: NGUYỆT NHI

TP.HCM đang đứng trước thời cơ và vận hội chưa từng có

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Đức Hiển cho biết TP.HCM với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước - đang bước vào giai đoạn mới với nhiều thách thức lẫn kỳ vọng: Từ chuyển đổi số, hạ tầng đô thị, biến đổi khí hậu, môi trường đầu tư đến công nghệ, giáo dục, y tế và thể chế quản trị hiện đại…

Nhưng cũng chính TP.HCM là nơi đang mở ra nhiều cơ hội bứt phá để phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, xanh và bền vững; trở thành trung tâm tài chính, khoa học, đổi mới sáng tạo của khu vực.

“Chúng ta cần nguồn lực trí tuệ; cần những hiến kế sâu sắc, thực tiễn và có tầm nhìn; cần sự trở về, không nhất thiết về địa lý, mà về mặt tri thức, tinh thần và sự kết nối lâu dài. Chúng tôi tin rằng mỗi chuyên gia kiều bào là một hạt nhân lan tỏa tri thức, là nhịp cầu kết nối VN với thế giới.

Đây không chỉ là hiến kế cho TP mà còn khơi gợi một kết nối lâu dài giữa chính quyền - chuyên gia - cộng đồng cùng chung tay tạo nên giá trị mới cho TP.HCM và cả nước” - ông Hiển nói.

 Bà Vũ Thị Huỳnh Mai và ông Nguyễn Đức Hiển chủ trì buổi tọa đàm. Ảnh: NGUYỆT NHI

Bà Vũ Thị Huỳnh Mai và ông Nguyễn Đức Hiển chủ trì buổi tọa đàm. Ảnh: NGUYỆT NHI

Bà Mai cho biết TP.HCM đang đứng trước thời cơ và vận hội chưa từng có khi hợp nhất với hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu tạo thành một siêu đô thị.

“Đây cũng là lúc TP.HCM rất cần hiến kế của trí thức kiều bào, đặc biệt là về đào tạo nguồn nhân lực, cải cách hành chính, cải thiện môi trường cho siêu đô thị TP.HCM” - bà Mai gợi mở.

Theo bà Mai, TP.HCM đã có các chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học quay về với mức lương hấp dẫn và trong bối cảnh sắp tới, TP cũng mong muốn thu hút kiều bào về đóng góp dài hạn, tư vấn cho các dự án trọng điểm của TP.

Luật sư Lâm Quang Quý (Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ kiều bào TP.HCM) cũng cho biết kể từ khi được thành lập vào tháng 1-2009 đến nay, trung tâm đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ mọi điều kiện thuận lợi cho kiều bào trở về quê hương tham quan, du lịch, thăm thân nhân, an cư, an dưỡng tuổi già bên gia đình và đặc biệt là mang những kiến thức khoa học kỹ thuật tiên tiến, về đầu tư kinh doanh lâu dài tại TP.HCM..

Những năm gần đây, chủ trương đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước ngày càng mở rộng với nhiều điều kiện thông thoáng, thuận lợi để thu hút kiều bào trở về quê hương an cư, an dưỡng tuổi già và đầu tư kinh doanh…

Cụ thể, như mở rộng các quy định cho kiều bào được sở hữu nhà, đất, khắc phục được tình trạng nhờ người thân đứng tên giùm như trước đây, dẫn đến các hệ lụy phát sinh tranh chấp, nhiều bà con kiều bào bị chiếm đoạt nhà, đất, mất hết tài sản, đánh mất tình thân trong gia đình. Giờ đây kiều bào có thể an tâm mua nhà và được đứng tên sở hữu nhà ở.

Kiều bào cũng dễ dàng xác nhận nguồn gốc Việt Nam, quốc tịch Việt Nam, nhằm mục đích đăng ký tạm trú, thường trú; đề nghị cấp hộ chiếu Việt Nam. Giấy tờ miễn thị thực nhập cảnh, Thẻ tạm trú dài hạn, tăng thời hạn cư trú khi nhập cảnh về Việt Nam lên đến 90 ngày, kiều bào không lo bị phạt vi phạm thời hạn tạm trú như trước đây. Và kiều bào có đủ điều kiện được đứng tên sở hữu nhà, đất, được thừa hưởng di sản của người thân để lại, đăng ký đầu tư, thành lập công ty khởi nghiệp tại Việt Nam…

Tuy nhiên, cũng theo Luật sư Quý, sau thời gian dài sinh sống tại nước ngoài, nhiều kiều bào gặp khó khăn khi trở lại Việt Nam do chưa kịp bắt nhịp với cuộc sống, thiếu thông tin và kiến thức về pháp luật, không am hiểu thủ tục hành chính, riêng đối với kiều bào trẻ, gặp nhiều trở ngại trong giao tiếp bằng tiếng Việt…

Theo ông Peter Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài, việc phát huy sức mạnh cộng đồng người Việt toàn cầu sẽ là một trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của đất nước.

Cần mô hình hiệu quả thu hút nhân tài chất lượng cao

Góp ý tại buổi tọa đàm, ông Peter Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp VN ở nước ngoài, đánh giá VN đang có bước chuyển mình mạnh mẽ, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao nhờ sự lãnh đạo nhất quán của Đảng. Đây là thời điểm vàng để đất nước định vị lại vị thế trên bản đồ thế giới.

 Ông Peter Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp VN ở nước ngoài, cho rằng 50 năm là thời điểm vàng để đất nước định vị lại vị thế trên bản đồ thế giới. Ảnh: NGUYỆT NHI

Ông Peter Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp VN ở nước ngoài, cho rằng 50 năm là thời điểm vàng để đất nước định vị lại vị thế trên bản đồ thế giới. Ảnh: NGUYỆT NHI

Trong kỷ nguyên mới, ông Peter Hồng khẳng định TP.HCM cần thu hút nhiều hơn nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trí thức kiều bào, chuyên gia đầu ngành…

“VN không thiếu nhân lực chất lượng cao, hàng ngàn người VN đang làm việc tại các tập đoàn hàng đầu thế giới. Vấn đề là làm thế nào để thu hút, kết nối và phát huy năng lực của họ phục vụ cho chiến lược phát triển quốc gia. Về địa chính trị, chúng ta đã có vị thế vững chắc. Giờ là lúc cần hoàn thiện cơ chế, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia xung quanh” - ông Peter Hồng chia sẻ.

Theo ông Peter Hồng, việc phát huy sức mạnh cộng đồng người Việt toàn cầu sẽ là một trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của đất nước.

Báo Pháp Luật TP.HCM ra mắt chuyên mục “Pháp lý cho kiều bào”

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Đức Hiển (Phó Tổng Biên tập thường trực báo Pháp Luật TP.HCM) cho biết báo Pháp Luật TP.HCM là một trong những tờ báo hàng đầu tại VN về các vấn đề pháp lý, chính sách liên quan mật thiết đến đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Trong nhiều lần lãnh đạo TP.HCM tiếp xúc kiều bào, cũng như những lần đại diện báo Pháp Luật TP.HCM tiếp xúc giới chuyên gia, doanh nghiệp, luật sư đều cho thấy có một lượng lớn kiều bào, doanh nghiệp của kiều bào gặp phải những khó khăn, vướng mắc về pháp lý đa lĩnh vực, từ các vấn đề dân sự, hành chính, hình sự đến các hoạt động đầu tư, xúc tiến thương mại…

Từ đó, báo Pháp Luật TP.HCM quyết định xây dựng chuyên mục “Pháp lý cho kiều bào” với các tuyến thông tin uy tín, chất lượng, có chiều sâu nhằm đồng hành, hỗ trợ các vấn đề pháp lý, chính sách dành riêng cho các cá nhân, hội nhóm kiều bào, doanh nghiệp của kiều bào hướng về các hoạt động sinh sống, làm việc, kinh doanh, đầu tư ở VN.

Đồng thời, cung cấp các thông tin hữu ích cho các cá nhân, tổ chức ở VN có nhu cầu đầu tư, du học, du lịch, chữa bệnh, định cư… ở nước ngoài.

Ngoài ra, chuyên mục “Pháp lý cho kiều bào” còn tạo ra các diễn đàn sau mặt báo nhằm hướng tới việc giải quyết các vấn đề quan trọng, cấp thiết mà kiều bào, doanh nghiệp kiều bào quan tâm; từ đó chuyển tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, tiếng nói của kiều bào đến các cơ quan, ban ngành liên quan.

Bên cạnh đó, cung cấp không gian đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ để kiều bào, doanh nghiệp kiều bào có thể truyền thông, quảng bá hình ảnh, thương hiệu, phát triển kinh doanh, đầu tư tại VN.

Ngày 22-4, báo chính thức giới thiệu và cho ra mắt chuyên mục “Pháp lý cho kiều bào”.

Ông Trần Thắng, Chủ tịch Viện Văn hóa và giáo dục VN tại Mỹ, đánh giá dù đã có chính sách thu hút chuyên gia kiều bào, VN vẫn thiếu các phương thức cụ thể phù hợp với từng quốc gia để mời gọi những người VN tài năng ở nước ngoài đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong nước.

 Ông Trần Thắng, Chủ tịch Viện văn hóa & giáo dục Việt Nam tại Hoa Kỳ, góp ý tại tọa đàm. Ảnh: NGUYỆT NHI.

Ông Trần Thắng, Chủ tịch Viện văn hóa & giáo dục Việt Nam tại Hoa Kỳ, góp ý tại tọa đàm. Ảnh: NGUYỆT NHI.

“Nếu trong 20 năm tới vẫn chưa xây dựng được một mô hình hiệu quả để thu hút và sử dụng nhân tài chất lượng cao thì khả năng đóng góp của lực lượng này sẽ tiếp tục bị hạn chế như hai thập niên qua” - ông Thắng nêu thực tế.

Ông Thắng cho biết có hơn 1.000 tiến sĩ VN từng du học tại Mỹ nhưng số lượng tham gia vào hệ thống nhà nước rất ít. Phần lớn trong số họ hiện làm việc tại khu vực công của các quốc gia phát triển, trong khi lại vắng bóng trong bộ máy hành chính TP.HCM cũng như các dự án trọng điểm của TP.

“TP.HCM cần sớm xây dựng một mô hình rõ ràng, cơ chế linh hoạt và môi trường thuận lợi để khuyến khích kiều bào tham gia sâu hơn vào quá trình phát triển TP. Việc tạo điều kiện để đội ngũ chuyên gia Việt kiều đóng góp một cách thực chất sẽ là bước đi chiến lược để tận dụng hiệu quả nguồn lực trí tuệ toàn cầu phục vụ cho sự phát triển bền vững” - ông Thắng nói.

 PGS-TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng việc đầu tư cho TP.HCM cũng chính là đầu tư cho sự phát triển chung của cả nước. Ảnh: NGUYỆT NHI

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng việc đầu tư cho TP.HCM cũng chính là đầu tư cho sự phát triển chung của cả nước. Ảnh: NGUYỆT NHI

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm sáng lập bộ môn Kỹ thuật hàng không Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng việc đầu tư cho TP.HCM cũng chính là đầu tư cho sự phát triển chung của cả nước.

Ông Tống nêu thực tế đến năm 2021, chỉ 10,2% lực lượng lao động đạt trình độ ĐH. Để đạt mục tiêu hơn 15% vào năm 2030, tương đương các quốc gia có nguồn lao động chất lượng cao thì số lượng sinh viên tốt nghiệp ĐH cần tăng mạnh. “Nếu không giải quyết bài toán này, mục tiêu thu nhập trung bình cao và tăng trưởng GDP đầu người sẽ khó khả thi” - ông Tống nhìn nhận.

Trong bối cảnh đó, ông Tống đề nghị hội đồng trường cần sự tham gia của đại diện lãnh đạo TP.HCM để hoạch định chiến lược các trường ĐH theo định hướng của TP. Đồng thời, cần mạnh dạn mời chuyên gia có kinh nghiệm quản lý ĐH vào tham gia điều hành, vì hiện nay việc đào tạo và bồi dưỡng về quản trị ĐH vẫn còn hạn chế.

“TP.HCM cũng nên tận dụng nguồn lực trí thức kiều bào để mời họ làm giảng viên tham gia giảng dạy trực tuyến hoặc các khóa học ngắn hạn, đồng thời đóng góp vào quá trình thiết kế chương trình đào tạo hiện đại, phù hợp” - ông Tống đề xuất.•

GS VÕ HỒNG ĐỨC, giảng viên ĐH Quốc gia Úc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh, kinh tế và tài nguyên (ĐH Mở TP.HCM):

TP.HCM có thể đầu tư vào năng lượng xanh theo hướng thu hút đầu tư gián tiếp, tức là đưa tiền vào TP.HCM đầu tư chứ không xây dựng nhà máy và không sử dụng lao động. Ngoài ra, TP.HCM có thể huy động vốn qua trái phiếu xanh TP.

Tôi tự tin chúng ta có đầy đủ đội ngũ chuyên gia để tư vấn trái phiếu xanh TP có tiếp cận được giới đầu tư nước ngoài. Việc đầu tư vào năng lượng xanh, chưa bao giờ bài toán đơn giản và rẻ tiền, đặc biệt là đối với các quốc gia đang phải cố gắng phát triển về mặt kinh tế. Nhưng TP.HCM nên có những dự án kêu gọi và đầu tư vào công nghệ trong mảng năng lượng xanh để hướng tới phát triển bền vững.

TP.HCM có thể đầu tư vào giáo dục chất lượng cao. Tại Úc, giáo dục đóng góp khoảng 14 % trong tổng số GDP của đất nước này. Nếu hỏi liệu VN có nơi tạo thành một trường ĐH cho ngành công nghiệp không khói này hay không thì câu trả lời của tôi là có và đây là thời điểm rất tốt.

Trên thế giới chúng ta đã bắt đầu xuất hiện nhiều trường ĐH nằm vào trong top 1.000 của thế giới. Việc người nước ngoài quan tâm đến VN và khi chúng ta có một chất lượng ổn định thì rõ ràng sinh viên quốc tế sẽ đến.

................

Ông NGUYỄN PHÚC BÌNH, Chủ nhiệm mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt - Úc:

Trong thời đại toàn cầu hóa và chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng, tôi tin rằng việc phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế là một bước đi chiến lược mang tính tất yếu để đưa kinh tế VN lên một tầm cao mới.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa tham vọng này, TP.HCM không thể chỉ dựa vào định hướng vĩ mô mà cần đi vào chiều sâu, đặc biệt là xây dựng các mô hình và cơ chế linh hoạt, phù hợp với thực tiễn toàn cầu. Theo tôi, việc học hỏi từ những TP thành công như Singapore hay Sydney là cần thiết.

Một mô hình khả thi mà tôi đề xuất là “công ty vốn linh hoạt”, cho phép doanh nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (0%) đối với phần lợi nhuận tái đầu tư vào hạ tầng, công nghệ tài chính và các dự án khởi nghiệp. Đồng thời, cơ chế này cần mở cửa hoàn toàn cho vốn đầu tư nước ngoài, nhằm thu hút các tập đoàn tài chính toàn cầu tham gia sâu hơn vào hệ sinh thái tài chính của TP.

Điểm then chốt của mô hình này là sự linh hoạt trong việc tăng, giảm vốn mà không phải trải qua các thủ tục hành chính rườm rà. Điều đó sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, thích nghi nhanh với thị trường và nâng cao sức cạnh tranh.

............................

Ông HENRY BÙI XUÂN HOÀNG, CEO Công ty CP KHCN Hoàn Vũ - Trung tâm phân tích công nghệ cao:

Tôi trở về VN từ những năm 2007 với mong muốn giải quyết vấn đề nước đục cho TP.HCM.

Sau gần 20 năm, tôi đã có trong tay công nghệ nghiên cứu phân tích nghiên cứu sinh học phân tử mà nhiều nước mong muốn, đã có người đã mời gọi tôi chuyển giao công nghệ tôi đều từ chối vì muốn mở ra nhiều hơn cơ hội phát triển quê hương trong lĩnh vực này.

Tôi cũng như rất nhiều kiều bào khác trở về không phải vì thu nhập hay kiếm tiền mà về với tâm thế muốn làm gì đó đóng góp cho đất nước. Vì vậy, tôi nghĩ TP.HCM không chỉ cần thu hút nhà đầu tư kiều bào lớn mà có thể mời gọi các kiều bào có vốn nhỏ và có khoa học kỹ thuật cao để mời họ đóng góp nhiều hơn.

.........................

TRẦN TUỆ TRI, đồng sáng lập và cố vấn cấp cao Vietnam Brand Purpose:

TP.HCM đang đối mặt với bài toán quá tải dân cư và mật độ đô thị ngày càng dày đặc. Nhưng thay vì coi đó là bất lợi, tôi cho rằng chính sự đông đúc ấy lại có thể trở thành một lợi thế, nếu chúng ta biết quy hoạch lại theo hướng sinh thái.

Cụ thể, tôi đề xuất ý tưởng chuyển hóa “rừng người” thành “rừng xanh” bằng cách biến mỗi điểm đến, mỗi cộng đồng và mỗi gia đình thành một phần trong mạng lưới không gian xanh của TP.

Ý tưởng này được khơi nguồn cảm hứng từ thành công của Singapore. Từng là một quốc đảo ngập trong bê tông và nhựa đường, Singapore đã không chọn lối mòn phát triển công nghiệp đơn thuần mà kiên trì theo đuổi tầm nhìn đô thị xanh. Với chiến lược rõ ràng và chính sách đồng bộ, Singapore đã trở thành biểu tượng toàn cầu của “TP trong vườn”, nơi cây xanh, không khí sạch và không gian công cộng gắn bó hữu cơ với chất lượng sống.

Tại TP.HCM, tôi kỳ vọng sẽ nhận được sự đồng hành của lãnh đạo TP để triển khai dự án “Rừng trong phố”, với ba nhóm không gian xanh chủ đạo gồm: Rừng kết nối - mỗi điểm đến một rừng cây; Rừng tập thể - mỗi cộng đồng một rừng cây; Rừng ban công - mỗi nhà một rừng cây.

Nếu được triển khai đồng bộ, TP.HCM không chỉ giải quyết được vấn đề quá tải hạ tầng mà còn có thể tiên phong trong mô hình đô thị sinh thái của khu vực Đông Nam Á. Việc “trồng rừng giữa phố” dù bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất sẽ tạo ra hiệu ứng lớn về môi trường, sức khỏe cộng đồng và bản sắc sống mới cho một TP năng động, đáng sống.

.............................

TS CAO VŨ MINH, Trưởng bộ môn Luật hành chính - nhà nước Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM:

Làn sóng trở về quê hương cống hiến của người VN ở nước ngoài đang hiện hữu rõ rệt. Họ trở về với tâm thế của người thành đạt, mạnh về tài chính, giàu tinh thần trách nhiệm với đất nước. Tuy nhiên, có một nghịch lý: Họ có lực nhưng lại thiếu danh. Và “danh” ở đây không gì khác chính là quốc tịch VN, yếu tố pháp lý căn bản để được ghi nhận, trao quyền và tham gia hệ thống công.

Luật Quốc tịch VN (năm 2008, sửa đổi năm 2014) vẫn đang tồn tại nhiều rào cản trong vấn đề song tịch.

Hiện luật cho phép song tịch ở ba trường hợp là người thân ruột của công dân VN, có công lao đặc biệt hoặc có lợi cho Nhà nước. Trong đó, hai trường hợp sau lại không có định nghĩa cụ thể, dẫn đến sự lúng túng trong xét duyệt. Có người có tới 10 bằng khen trong nước và quốc tế nhưng vẫn không biết liệu có được công nhận là có công lao đặc biệt hay không, vì không cơ quan nào dám đứng ra khẳng định.

Dự thảo sửa đổi Luật Quốc tịch hiện nay có đề xuất giao Chính phủ quy định chi tiết, tuy nhiên thực tế đã chứng minh có không ít quy định đã bị “treo” vì Chính phủ chưa kịp ban hành hướng dẫn. Tức là ngay cả khi luật được thông qua, vẫn chưa chắc có được lời giải cụ thể và kịp thời cho câu chuyện song tịch.

Tôi kiến nghị cần sửa các quy định liên quan đến Luật Quốc tịch và sửa đổi các quy định về viên chức, mở cánh cửa để định “danh” cho người VN định cư ở nước ngoài.

................

Ông DANNY VÕ THÀNH ĐĂNG, Phó Chủ tịch Hội Liên lạc với người VN ở nước ngoài - TP.HCM:

TP.HCM cũng có thể hướng tới định vị thương hiệu và nâng cao công tác giáo dục. Tôi nghĩ TP.HCM có thể đào tạo kỹ năng mềm, nâng cao kỹ năng học trọn đời cho người dân; VN cũng có nhắc về phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ khởi nghiệp bằng việc kết nối giữa nhà trường, doanh nghiệp và tổ chức ươm mầm.

Ngoài ra, cần đổi mới tư duy từ “đào tạo để làm việc” sang “phát triển năng lực thích ứng trọn đời”. Chuyển trọng tâm từ truyền đạt kiến thức sang phát triển tư duy phản biện, năng lực giải quyết vấn đề, tinh thần sáng tạo và khả năng học tập suốt đời. Thiết kế các chương trình đào tạo theo mô hình học tập linh hoạt, kết hợp giữa học thuật và thực tiễn, giữa nhà trường - doanh nghiệp - cộng đồng.

Đồng thời, xây dựng hệ sinh thái đào tạo - khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo. Hình thành các trung tâm sáng tạo cộng đồng, học viện chuyển đổi số, vườn ươm tài năng trẻ, kết nối các trường ĐH, doanh nghiệp công nghệ và cộng đồng startup.

Có thí điểm mô hình “TP học tập”, nơi mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận kiến thức, nâng cao kỹ năng phù hợp với kỷ nguyên số.

..........................

TS LÊ HOÀNG THẾ, Giám đốc Công ty TNHH Hệ sinh thái The Vos:

Chúng ta đang rất cần trung tâm đào tạo quốc tế tại VN, trong đó có lĩnh vực về kinh tế xanh, chứng chỉ carbon… trong đó tập trung đào tạo nguồn nhân lực tầm trung và bắt đầu đào tạo từ sau bậc THPT. Hiện lĩnh vực này ước tính cần 150.000 người lao động.

Thực tế tại Indonesia đã có thị trường tín chỉ carbon quốc tế, năm 2025 VN dự kiến có sàn giao dịch chứng chỉ carbon quốc tế nhưng bây giờ đã là tháng 4 nhưng chưa xong thủ tục, tuy vậy tôi nghĩ TP.HCM có thể làm bước chuẩn đào tạo nguồn nhân lực này để đi trước, đón đầu.

B.PHƯƠNG - Y.CHÂU - H.THƠ ghi

BẢO PHƯƠNG - HUỲNH THƠ

Nguồn PLO: https://plo.vn/tam-huyet-cua-kieu-bao-vi-mot-tphcm-phat-trien-post845969.html