Tâm huyết của người thẩm phán vì sự công bằng của người dân
20 năm trong vai trò thẩm phán, 'cầm cân nảy mực' nhiều vụ án lớn, nhỏ, Chánh án TAND huyện Thanh Oai Phạm Vũ Phương chia sẻ, ông luôn xét xử dựa trên tinh thần 'thượng tôn pháp luật' nhưng cũng cần lắm sự vận dụng hài hòa tình - lý...
Thưa Chánh án, ông bén duyên với ngành tòa án từ khi nào?
Tôi gốc quê Thanh Oai và thật may mắn là từ khi bước vào nghề đến nay đều gắn bó với TAND huyện Thanh Oai. Năm 1995, tôi bắt đầu với vai trò thư ký TAND huyện Thanh Oai. Sau 3 năm theo học khóa đầu tiên của Học viện Tư pháp, tháng 12-1999, tôi chính thức được bổ nhiệm làm thẩm phán sơ cấp. Với tôi, đó là thời điểm ý nghĩa, đánh dấu sự trưởng thành trong công tác nhưng cũng đầy trách nhiệm. Trải qua quá trình cống hiến, tháng 1-2019, tôi được bổ nhiệm là Chánh án TAND huyện Thanh Oai. Từ đó đến nay, tôi đảm đương vai trò của người "đầu tàu" và luôn không ngừng trau dồi để công tác chuyên môn và quản lý đạt hiệu quả cao.
Ông có thể chia sẻ ngắn gọn về kết quả công tác năm qua của TAND huyện Thanh Oai?
Sau khi sáp nhập, địa bàn gồm hơn 200 nghìn dân. TAND huyện hiện có 6 thẩm phán, 11 thư ký. Năm 2018, TAND huyện Thanh Oai thụ lý 508 vụ án các loại và đã giải quyết 479 vụ việc. Dù nhân sự mỏng, các thẩm phán đã nỗ lực rất nhiều và kết quả là không có án xử oan sai; tỷ lệ vụ án bị trả lại để điều tra bổ sung chỉ chiếm 1%.
20 năm trong vai trò thẩm phán, điều ông trăn trở nhất là gì?
Trong các loại án thì xét xử án dân sự là "đau đầu" nhất. Không ít vụ anh chị em ruột, thậm chí là bố con kiện nhau ra tòa chỉ vì tranh chấp đất đai. Khi giải quyết những vụ án này, tôi và các thẩm phán của tòa luôn đặt tinh thần hòa giải lên trên hết. Không hòa giải được mới tiến hành xét xử. Thanh Oai là vùng ven đô, bà con nặng tình hàng xóm, máu mủ. Là người dân địa phương, tôi hiểu nếp nghĩ, nếp sống nơi đây nên sẽ lựa chọn hướng tiếp cận để có thể hài hòa xung đột giữa họ. Ví như, ở xã Tam Hưng, từng có vụ án tranh chấp đất đai giữa các anh chị em cùng cha khác mẹ. Ông bố có hai đời vợ (vợ hai được công nhận hôn nhân thực tế). Với người vợ hai, họ có ba người con, trong đó cô con gái đầu bị hạn chế nhận thức. Người anh trai (con bà vợ cả) đã chiếm toàn bộ tài sản và đuổi ba người em (con của bà vợ hai) rời khỏi nhà. Hai người con gái của người vợ hai đã có đơn gửi tòa xem xét cho trường hợp của người chị gái vì chị này khó khăn về chỗ ở lại không được bình thường. Người anh con của bà cả không những không chia sẻ còn xúc phạm họ vì là phận làm lẽ. Quá trình xét xử, tôi đã phân tích để người anh thấy được sự thiếu sót của mình và tuyên, chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn, chia thừa kế cho người em gái (chia kỷ phần bằng tiền). Người anh sau đó tâm phục bản án và không kháng cáo khiến tôi cũng cảm thấy nhẹ lòng.
Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp, là người trực tiếp tham gia vào công tác xét xử, ông đánh giá như thế nào về chiến lược này?
Theo yêu cầu Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong bộ máy Nhà nước ta, TAND có vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Nghị quyết số 49-NQ/TW đã xác định tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm.
Việc tranh tụng tại phiên tòa tiếp tục được chú trọng theo hướng thực chất, hiệu quả. Các tòa án không hạn chế thời gian dành cho tranh tụng, tôn trọng và đảm bảo cho các bên tham gia tố tụng đưa ra chứng cứ và trình bày hết các ý kiến của mình. Trên cơ sở kết quả tranh tụng, HĐXX đưa ra các phán quyết đúng pháp luật, được dư luận xã hội ủng hộ. Có thế thấy, cải cách tư pháp còn giúp người dân tiếp cận gần hơn, nhanh hơn, thuận lợi hơn với việc xây dựng khung hành chính tư pháp. Bên cạnh đó là việc tập trung nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ xét xử, giải quyết các loại án; thực hiện việc công khai các bản án nhằm nâng cao năng lực, trách nhiệm của các thẩm phán, bảo đảm thống nhất trong việc áp dụng pháp luật cũng như tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát hoạt động xét xử của tòa án.
Thời gian qua, ngành tòa án thí điểm thành lập Trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án với mục đích giảm tải áp lực cho ngành tòa án, quan điểm của ông về vấn đề này?
Việc thành lập Trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án tạo ra một cơ chế mới hữu hiệu giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện và thực tiễn áp dụng cho thấy đây là mô hình cơ bản phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam. Như vậy, sự ra đời của các Trung tâm hòa giải là rất tốt. Nếu hòa giải thành công sẽ giảm chi phí cho người dân. Các thẩm phán của đơn vị cũng thực hiện trách nhiệm hòa giải với các vụ án. Từ đó, tỷ lệ hòa giải thành đạt hơn 50% các vụ án xét xử, giảm án phí thi hành án.
Theo ông, thẩm phán phải hội tụ những phẩm chất gì?
Người thẩm phán trước hết phải có trình độ, nắm chắc nghiệp vụ và phải công tâm. Người “cầm cân nảy mực” phải có kiến thức cả về tâm lý con người, tâm lý tội phạm và hiểu tập quán, tập tục để giải quyết những vụ án, nhất là các vụ án dân sự nhằm xét xử "hợp lý - hợp tình". Để điều hành phiên tòa chuẩn mực, đòi hỏi thẩm phán phải có kiến thức tổng hợp, cùng với đó là phong thái đĩnh đạc, ăn nói khúc chiết. Thẩm phán hội tụ đủ điều kiện mới đáp ứng được yêu cầu của cải cách tư pháp.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Với những nỗ lực và thành tích trong công tác, Chánh án TAND huyện Thanh Oai Phạm Vũ Phương nhiều năm liền là Chiến sĩ thi đua cơ sở và Chiến sĩ thi đua ngành Tòa án. Được UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen các năm: 2015, 2016, Chánh án TAND TC tặng Bằng khen các năm: 2016, 2017, 2018.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chia-se-chuyen-nghe-cam-can-nay-muc-177244.html