Tâm huyết của nữ giám đốc HTX môi trường ở Hà Tĩnh
Trước khi trở thành Giám đốc HTX Môi trường Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh), chị Đào Thị Thanh (SN 1960) từng là giáo viên 13 năm và 25 năm làm việc thôn.
Đến thôn Hoa Tân, xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh), hỏi nhà chị Đào Thị Thanh (SN 1960) - Giám đốc HTX Môi trường Kỳ Hoa, ai ai cũng biết, bởi dẫu nắng hay mưa, hình bóng quen thuộc của chị luôn in đậm trên mỗi con đường trong thôn, trong xã...
Tiếp xúc với chị Thanh, điều khiến chúng tôi khá bất ngờ là trước khi trở thành bà Giám đốc HTX môi trường, chị từng là giáo viên dạy mầm non trong 13 năm (từ 1978 đến 1990), 10 năm làm cán bộ chuyên trách về chăm sóc, bảo vệ trẻ em và 25 năm gắn bó với chức chi hội phó, chi hội trưởng phụ nữ thôn.
Chị Thanh vui vẻ khoe thành tích cùng chị em phụ nữ trong thôn cải tạo 14 sào đất 24 năm để hoang hóa tại thôn Hoa Tân...
Kể về cơ duyên trở thành Giám đốc HTX môi trường, chị Thanh cười hiền: “Thời điểm trước khi quyết định thành lập HTX môi trường, bản thân mình cũng đắn đo rất nhiều, vì lúc đó đang “ôm” mấy sào ruộng, đang mở cơ sở xay xát gạo, lại còn “kiêm” chức làm Chi hội trưởng phụ nữ thôn... nên việc hết sức bề bộn. Tuy nhiên, tận mắt thấy rác chất từng đống không có ai thu gom, vừa ô nhiễm môi trường, vừa mất mĩ quan thì lại không đành....
Mới đầu thì tự mình đi dọn rác, kêu gọi bà con hàng xóm tham gia, tuy nhiên xã có 1.400 hộ với hơn 5.000 nhân khẩu, lượng rác thải ra vô cùng lớn, nếu làm việc đơn lẻ chẳng khác nào “muối bỏ biển” nên 2014, mình quyết tâm kêu gọi, kết nối các Chi hội trưởng phụ nữ thôn trong xã thành lập HTX Môi trường Kỳ Hoa với 8 thành viên”.
... Để bây giờ thành những đồng lúa xanh mướt
“Thời gian đầu, mấy chị em rất vất vả, vì chỉ có 2 chiếc xe đẩy rác bằng sắt rất nặng, mà đường ở xã có những nơi dốc núi, chưa kể những ngày nắng nóng, mưa dài. Đến năm 2015, HTX mới bắt đầu đầu tư thêm 5 chiếc xe kéo cho đỡ vất vả hơn”- chị Thanh kể.
Được biết, HTX Môi trường Kỳ Hoa mỗi tháng trung bình thu gom hơn 120 tấn rác thải trên địa bàn, tạo việc làm cho 7 lao động (với mức thu nhập trung bình từ 4-4,5 triệu đồng/tháng). Cũng nhờ đó, tiêu chí về môi trường trong xây dựng NTM của xã Kỳ Hoa được hoàn thành, giúp xã về đích NTM vào năm 2017.
Chị Thanh còn được đánh giá là một người khá năng động trong phát triển kinh tế hộ gia đình từ việc mở cơ sở xay xát...
Chị Thanh còn được biết đến là người tích cực vận động chị em, người dân trong thôn thực hiện tốt phong trào xây dựng NTM, phát triển kinh tế.
Năm 2019, chị Thanh vận động chị em trong thôn tham gia cải tạo 14 sào ruộng đã để hoang hóa 24 năm, tiền bán lúa sau đó được hơn 10 triệu đồng được “sung” vào quỹ hoạt động của chi hội phụ nữ thôn.
“Thành công này thực sự ngoài mong đợi, không ai tin việc chúng tôi cải tạo thành công khu ruộng bỏ hoang mấy chục năm, nhưng mừng hơn hết là đã giúp cho chị em có thêm nguồn thu nhập và đoàn kết hơn trong mọi hoạt động”, chị Thanh chia sẻ.
...đến trồng cây ăn quả và chăn nuôi.
Nhiệt tình, lăn xả với công việc, sống có trách nhiệm với cộng đồng, đó là nhận xét của nhiều người dân dành cho chị Thanh.
Bản thân chị nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương và gần đây nhất năm 2020, chị được vinh danh một trong 17 cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020 của TX Kỳ Anh.
Ông Đặng Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Kỳ Hoa cho biết: “Nỗ lực, tâm huyết của chị Đào Thị Thanh không chỉ đóng góp giúp thôn Hoa Tân đạt khu dân cư kiểu mẫu mà còn giúp xã nhà hoàn thành đạt chuẩn NTM. Đây thực sự là một trong những tấm gương phụ nữ điển hình của xã Kỳ Hoa “vừa giỏi việc nước, vừa đảm việc nhà”...