Tâm huyết và kỳ vọng
'Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, tôi, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam; nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó', lời tuyên thệ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trang trọng vang lên từ hội trường Diên Hồng (Hà Nội) sáng 31-3, đánh dấu thời điểm chuyển giao một nhiệm kỳ mới của cơ quan quyền lực cao nhất đất nước, với sự kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước.
“Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, tôi, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam; nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó”, lời tuyên thệ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trang trọng vang lên từ hội trường Diên Hồng (Hà Nội) sáng 31-3, đánh dấu thời điểm chuyển giao một nhiệm kỳ mới của cơ quan quyền lực cao nhất đất nước, với sự kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước.
Quốc hội đã dành gần hai ngày để thảo luận tại hội trường về các báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội và Chính phủ. Không ít đại biểu quốc hội (ĐBQH), trong nội dung phát biểu của mình đã nhắc lại những đòi hỏi, kỳ vọng, băn khoăn của cử tri, và cả những lời hứa, cam kết của các bộ trưởng, trưởng ngành trong các kỳ họp trước. Đáng chú ý, có hai trong số năm nhóm vấn đề được Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước. Đó là, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sớm ban hành chương trình cụ thể đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống, kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo Nhà nước bảo đảm dân chủ, khách quan, chặt chẽ, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân. Và, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, thực hiện hiệu quả hơn công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm các cơ quan trong bộ máy nhà nước tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường.Ảnh: Quang Khánh
Từ trăn trở mang tính cốt lõi ấy, đại biểu Bùi Văn Phương (Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) thẳng thắn đề nghị Chính phủ khóa mới khi giải thích về những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm “không đổ lỗi cho chính sách, pháp luật không thống nhất, không đồng bộ, bất cập”. Nhiều đại biểu khác cũng cho rằng, vấn đề nằm ở khâu thực thi, trong đó vai trò của các cơ quan tư pháp là rất quan trọng.
Bên cạnh đánh giá cao các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ, các ĐBQH cũng chia sẻ với những khó khăn, áp lực của công tác tư pháp trong thời gian qua. Trước yêu cầu cải cách tư pháp, triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, nhất là các luật, bộ luật mới về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, các tòa án nhân dân (TAND), viện kiểm sát nhân dân (VKSND) đã nỗ lực, cố gắng đề ra nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ, đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Công tác xét xử, thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đạt và vượt nhiều chỉ tiêu của Quốc hội giao, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của nước ta.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá những kết quả đạt được cũng như hạn chế, tồn tại, các ĐBQH tán thành với các giải pháp kiến nghị được nêu trong các báo cáo của TAND tối cao, VKSND tối cao và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. Đồng thời nhấn mạnh, đề nghị VKSND tối cao, TAND tối cao tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp về hoàn thiện pháp luật, tổ chức cán bộ, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, trong đó có việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của ngành trong nhiệm kỳ tới.
Tiếp tục thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp trong chương trình cải cách tư pháp để xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, pháp quyền, nghiêm minh - là kiến nghị của nhiều ĐBQH bày tỏ sự trăn trở với công tác xây dựng pháp luật. Theo ông Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), hiện việc xây dựng, soạn thảo các đạo luật Quốc hội đang giao cho Chính phủ và các bộ, ngành chuẩn bị. Tuy nhiên, để bảo đảm tiến độ, chất lượng các đạo luật, không để nhiều dự thảo luật khi trình còn thiếu sót, gây bức xúc trong xã hội, hoặc vừa ban hành đã phải dừng lại để sửa đổi, thì cần phải có “một quy trình minh bạch hơn”. “Luật Khám bệnh gần đây có trong chương trình nghị sự nhưng lại bị đưa ra vào phút chót”, ông Hiếu dẫn chứng và bày tỏ mong muốn, luật này sẽ có trong danh sách được đưa vào sửa đổi đầu tiên ở nhiệm kỳ Quốc hội tới đây.
Chung mối quan tâm về việc nâng cao chất lượng xây dựng, sửa đổi các dự án luật, đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận) nhắc lại thành tựu của nhiệm kỳ khóa XIV, Quốc hội đã thông qua 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết. Trên cơ sở đó, đại biểu Việt đề xuất thêm, “để Chính phủ thật sự kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, theo tôi, trong nhiệm kỳ tới, Chính phủ cần quan tâm xây dựng hai dự án luật gồm Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Luật Tự phê bình và phê bình”. Ý kiến này được ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cử tri quận Tây Hồ (Hà Nội) lấy làm tâm đắc, “chúng ta còn nhớ tác phẩm Tự chỉ trích của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, hay nhiều bài viết về tự phê bình và phê bình, tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của Hồ Chủ tịch đều được nhiều người nằm lòng, song những vấn đề ấy cho đến nay chưa được pháp điển hóa, luật hóa”.
Rõ ràng, chỉ khi có hệ thống tư pháp, hành pháp thật sự hoàn thiện, hoạt động hiệu quả, cơ chế dân chủ được bảo đảm, một hệ thống pháp luật hiện đại, khoa học được xây dựng và đi vào cuộc sống, mới bảo đảm một chính quyền thật sự là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân vận hành hiệu quả. Không chỉ tin tưởng vào vị tân Chủ tịch Quốc hội được bầu với tỷ lệ tán thành cao, nhân dân cả nước cũng kỳ vọng những ý kiến tâm huyết, những trăn trở của nhiều ĐBQH khóa XIV này sớm trở thành hiện thực trong nhiệm kỳ mới.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/thoi-su-chinh-tri/tam-huyet-va-ky-vong-640697/