Tâm huyết với công tác dân tộc

5 năm gắn bó với công tác dân tộc của tỉnh, anh Nông Đức Ngọc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh đưa ra nhiều sáng kiến có giá trị khoa học và thực tiễn trong công tác xóa đói, giảm nghèo, cải tạo phong tục, tập quán lạc hậu trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.

Anh Nông Đức Ngọc có nhiều đóng góp trong công tác dân tộc của tỉnh.

Anh Nông Đức Ngọc có nhiều đóng góp trong công tác dân tộc của tỉnh.

Gặp mặt thầy mo, thầy cúng

Ngày cuối tháng 10/2018, các bản làng và trung tâm huyện vùng cao Si Ma Cai chìm trong sương mù và rét tái tê, nhưng trong hội trường UBND huyện Si Ma Cai, bầu không khí như được hâm nóng bởi sự kiện đặc biệt chưa từng có. Bất chấp mưa gió, sương mù, hơn 200 đại biểu là thầy mo, thầy cúng có uy tín trên địa bàn 3 huyện: Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai đã vượt hàng chục km để tham gia hội nghị bàn giải pháp cải tạo tập quán lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Ở huyện Si Ma Cai và trên địa bàn tỉnh, có lẽ chưa bao giờ có một diễn đàn nào thu hút đông thầy mo, thầy cúng đến tham gia bàn về nội dung quan trọng như vậy trong đời sống người dân tộc thiểu số ở vùng cao. Cũng có lẽ chưa bao giờ các thầy mo, thầy cúng có dịp thoải mái trao đổi, thảo luận, nói ra tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong công việc của mình với cộng đồng. Thi thoảng, hội trường lại rộ lên tràng cười khi một thầy mo, thầy cúng lên phát biểu vô tư quan điểm của mình về chuyện “bắt ma, trừ tà” hay cách phòng, chống tảo hôn. Một thầy mo người Mông ở huyện Mường Khương còn trách ban tổ chức hội nghị không mời mình, nên đã chủ động thông báo cho cả một số thầy mo, thầy cúng uy tín khác trong xã sang tận Si Ma Cai dự hội nghị. Cuối hội nghị, các thầy mo, thầy cúng 3 huyện cùng ký cam kết giữ gìn bản sắc dân tộc, cải tạo tập quán lạc hậu ở địa phương mình.

Là Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cũng là người tâm huyết với sáng kiến tổ chức hội nghị này, anh Nông Đức Ngọc chia sẻ: Trước đây, nhiều người hiểu sai về các thầy mo, thầy cúng. Đây chính là lực lượng giữ gìn tri thức trong cộng đồng người dân tộc thiểu số, có tiếng nói và vai trò quan trọng trong cải tạo hủ tục ở vùng cao. Việc tổ chức hội nghị gặp mặt các thầy mo, thầy cúng bàn giải pháp cải tạo tập quán lạc hậu là sáng kiến của Ban Dân tộc tỉnh, được tổ chức lần đầu tiên năm 2017 ở huyện Bảo Yên, sau đó được triển khai theo các cụm huyện: Si Ma Cai - Bắc Hà - Mường Khương; Bảo Thắng - Bảo Yên - Văn Bàn; Bát Xát - thành phố Lào Cai - Sa Pa.

Nói thêm về vai trò của các thầy mo, thầy cúng có uy tín, anh Ngọc còn kể chuyện từng chứng kiến trường hợp cặp đôi trẻ ở một xã của huyện Mường Khương định tảo hôn, chính vì thầy cúng kiên quyết không xem ngày nên hai gia đình đã không tổ chức đám cưới cho con. Hoặc trường hợp khi triển khai làm tuyến đường tránh qua địa bàn xã Sa Pả (thị xã Sa Pa) gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, chỉ cần có tiếng nói của một thầy cúng trong dòng họ đã giải tỏa tâm lý, tạo sự đồng thuận và vướng mắc được giải quyết ổn thỏa. Đó chỉ là hai ví dụ nhỏ cho thấy hiệu quả của sáng kiến tổ chức gặp mặt các thầy mo, thầy cúng uy tín khi triển khai công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh những năm qua.

Xây dựng Bộ dữ liệu các dân tộc thiểu số Lào Cai

Tiếp xúc với anh Nông Đức Ngọc một số lần, cảm nhận của tôi về vị Trưởng Ban Dân tộc tỉnh là người khá điềm đạm, ít khi nói về mình, nhưng khi bàn về công việc, đặc biệt là công tác dân tộc, anh có thể say sưa nói cả buổi không hết chuyện. Từng công tác ở nhiều đơn vị quan trọng của tỉnh, đảm nhiệm vai trò Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Lào Cai, rồi Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, từ cuối năm 2015 đến nay, anh là Trưởng Ban Dân tộc tỉnh.

Anh Ngọc bộc bạch: Ngay từ khi tiếp nhận công việc tại Ban Dân tộc tỉnh, với nền tảng có được khi học khoa Lịch sử, chuyên ngành Dân tộc học tại Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi đã nghiên cứu về công tác dân tộc và nhận thấy những thông tin, số liệu về các dân tộc nằm rải rác ở nhiều sở, ngành, địa phương; thậm chí một số dữ liệu có sự mâu thuẫn, không thống nhất. Vì thế gây khó khăn trong việc thống kê, tập hợp số liệu phục vụ công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn bản sắc dân tộc trên địa bàn tỉnh. Khi tôi trình bày ý tưởng xây dựng bộ dữ liệu về 25 nhóm, ngành dân tộc thiểu số ở Lào Cai, UBND tỉnh đã đồng ý và chỉ đạo các đơn vị liên quan, UBND các huyện, xã, thôn, bản phối hợp thực hiện.

Khác nhiều so với những dự tính ban đầu của anh Ngọc, việc xây dựng bộ dữ liệu về 25 nhóm, ngành dân tộc Lào Cai gặp phải không ít khó khăn. Nguyên nhân vì đội ngũ cán bộ ở một số thôn, bản chưa nắm chắc cách thống kê số liệu. Ở khu vực vùng cao, biên giới nhiều người đi Trung Quốc, đi làm thuê lâu ngày mới về địa phương nên việc thống kê không dễ. Có những thông tin, số liệu cần phải khảo sát nhiều lần vì ở các cấp không trùng khớp với nhau.

“Phải mất 3 năm ròng, từ năm 2016 đến tháng 9/2018, Bộ dữ liệu các dân tộc Lào Cai mới cơ bản hoàn thành. Lào Cai là tỉnh đầu tiên trên cả nước số hóa được bộ dữ liệu các dân tộc khá đầy đủ hình ảnh, số liệu thống kê về thành phần dân tộc, địa bàn cư trú, dân số, đặc điểm kinh tế, văn hóa truyền thống. Đây là cơ sở cung cấp số liệu cho các sở, ban, ngành của tỉnh và các địa phương xây dựng các báo cáo liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, nhiều tỉnh đã đến Ban Dân tộc tỉnh học hỏi kinh nghiệm xây dựng bộ dữ liệu dân tộc cho địa phương”, anh Ngọc cho biết.

- Vậy người dân làm thế nào để tiếp cận được Bộ dữ liệu các dân tộc Lào Cai để tìm hiểu các thông tin cần thiết? - Tôi hỏi.

- Chúng tôi vẫn đang tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp phần mềm bộ dữ liệu này để có thể đăng tải lên website, Cổng thông tin điện tử của tỉnh và của ngành để người dân, các cơ quan, đơn vị khi cần có thể tiếp cận nhanh và chính xác nhất.

Trăn trở vì sự tiến bộ của đồng bào dân tộc thiểu số

Nhiều năm gắn bó với công tác tuyên truyền của tỉnh, rồi miệt mài với công tác dân tộc, nỗi trăn trở của anh Nông Đức Ngọc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh là làm thế nào để thay đổi tư duy của lãnh đạo các địa phương và nhận thức của người dân về công tác dân tộc. Từ đó, xây dựng các chính sách dân tộc phù hợp, giúp người dân nhận ra mình phải là chủ thể trong các chính sách xóa đói, giảm nghèo, cải tạo tập tục lạc hậu, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Được biết, từ năm 2015 đến nay, cùng với hoàn thành Bộ dữ liệu các dân tộc Lào Cai, anh Nông Đức Ngọc còn chỉ đạo hoàn thiện cuốn Lịch sử ngành công tác dân tộc tỉnh. Đây cũng là công trình anh dành nhiều tâm huyết. Theo chia sẻ của anh Ngọc, trong quá trình khảo sát các dân tộc trên địa bàn, Ban Dân tộc tỉnh cũng phát hiện cần điều chỉnh một số thông tin về các dân tộc thiểu số. Đơn cử như trong danh mục các dân tộc thiểu số của Chính phủ thống kê từ năm 1979, một số dân tộc không cùng tiếng nói, tập quán, khác nhau về trang phục, đặc điểm cư trú nhưng được xếp cùng một dân tộc và đồng bào còn nhiều thắc mắc, do đó ban đã tham mưu cho tỉnh báo cáo các bộ, ngành Trung ương, đồng thời phối hợp các cơ quan chuyên môn giải thích để tạo được sự đồng thuận…

Được hỏi về những kế hoạch, dự định trong thời gian tới, anh Nông Đức Ngọc cho biết: Trong giai đoạn hiện nay, công tác dân tộc ngày càng có vai trò, vị trí quan trọng trong đời sống xã hội. Là cơ quan tham mưu cho tỉnh về thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc, tôi cùng tập thể ban tham mưu cho tỉnh xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết 88 của Quốc hội và Nghị quyết 12 của Chính phủ. Những vấn đề thực tiễn vùng đồng bào các dân tộc đang đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn như sự ổn định trong tư tưởng, cảnh giác và làm thất bại mục tiêu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ, gây mất đoàn kết giữa các dân tộc; công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống… “Công việc bộn bề, khó khăn còn không ít, nhưng tôi tin với sự nỗ lực của bản thân và sự đồng lòng, quyết tâm của tập thể, Ban Dân tộc tỉnh sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao” - anh Ngọc nói.

Vân Sam

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/nguoi-tot-viec-tot/tam-huyet-voi-cong-tac-dan-toc-z38n20201006144738867.htm