Tâm huyết với nghề của một điều tra viên

'Đối với người cán bộ điều tra như chúng tôi, một trong những điều quan trọng nhất là phải yêu nghề và có niềm tin vào công lý thì mới vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Có những giai đoạn vụ án đang điều tra gặp khó khăn tưởng chừng như rơi vào bế tắc, nhưng tôi vẫn không từ bỏ và quyết tâm đi đến cùng sự thật. Chỉ đến khi các đối tượng khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội, vụ án kết thúc, chúng tôi mới thực sự nhẹ nhõm'. Đó là tâm sự của trung tá Phùng Văn Ngọc, Đội trưởng Đội Điều tra, Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Trị, một trong những người có nhiều kinh nghiệm trong điều tra các vụ án trọng điểm thời gian qua.

 Trung tá Phùng Văn Ngọc đọc quyết định khởi tố bị can đối với đối tượng Nguyễn Văn Hoành. Ảnh: KH

Trung tá Phùng Văn Ngọc đọc quyết định khởi tố bị can đối với đối tượng Nguyễn Văn Hoành. Ảnh: KH

Vụ án “Nguyễn Văn Thúy (còn gọi là cậu Thủy) cùng đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản và xâm phạm mồ mả, hài cốt” đã được Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị đưa ra xét xử vào hồi tháng 10/2016. Các bị cáo trong vụ án đã chịu sự phán quyết nghiêm minh của pháp luật, trong đó Nguyễn Văn Thúy bị kết án tù chung thân.

Lật giở các trang hồ sơ, trung tá Phùng Văn Ngọc chia sẻ: “Thành công lớn nhất của vụ án chính là việc vạch trần bản chất cũng như âm mưu, thủ đoạn lợi dụng lĩnh vực “tâm linh”, “ngoại cảm” của các đối tượng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Qua đó cũng cảnh tỉnh cho nhiều người khi quá kỳ vọng vào việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ bằng con đường ngoại cảm, nhập vong”.

Rồi trung tá Phùng Văn Ngọc kể cho chúng tôi nghe về quá trình “đấu trí” với “cậu Thủy”. Từng câu từng chữ rành rẽ, tỉ mỉ tưởng như vụ việc vừa mới xảy ra. Anh cho biết: Khi được cấp trên giao nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh lấy lời khai Nguyễn Văn Thúy, Mẫn Thị Duyên - các bị can chủ mưu trong vụ án, anh đã đối mặt rất nhiều khó khăn và áp lực. Bởi đây là vụ án đang gây chấn động dư luận thời điểm đó, có tác động tiêu cực trong xã hội đòi hỏi phải nhanh chóng điều tra làm rõ; đối tượng Nguyễn Văn Thúy đã từng có tiền án nên rất tinh ranh, xảo quyệt, luôn ngoan cố trong khai báo. Sau khi khởi tố và bắt giữ vợ chồng Nguyễn Văn Thúy, cơ quan điều tra lại nắm rất ít thông tin, tài liệu phục vụ việc đấu tranh. Trong quá trình lấy lời khai, Thúy và Duyên một mực kêu oan và khẳng định việc làm của Thúy là do “Thánh mẫu vô hình” chỉ dẫn nên “nếu có đưa tôi (Thúy) ra xử bắn thì cũng thế thôi vì tôi không biết gì cả!”.

Sự ngoan cố đầy thách thức của vợ chồng Nguyễn Văn Thúy và Mẫn Thị Duyên càng khiến trung tá Phùng Văn Ngọc quyết tâm “đấu trí” đến cùng để vạch trần bộ mặt thật của các đối tượng. Anh cùng các điều tra viên thường xuyên hội ý, những chi tiết, chứng cứ dù là nhỏ nhất cũng được các anh nghiên cứu kỹ càng, để thảo luận và đưa ra phương án tối ưu nhất. Được sự đồng ý của lãnh đạo cấp trên, trung tá Phùng Văn Ngọc thường xuyên thay đổi chiến thuật hỏi cung, kết hợp với việc tác động vào tâm lý, tình cảm của đối tượng. Bằng sự kiên quyết, khôn khéo, sau gần 4 tháng kiên trì đấu tranh, “cậu Thủy” đã bắt đầu khai về sự thật vụ làm giả hiện trường hố chôn hài cốt tập thể tại thôn Lâm Xuân, xã Gio Mai, huyện Gio Linh có sự tham gia của Mẫn Đức Phương (em vợ Thúy). Từ lời khai của Phương, cơ quan điều tra đã tiến hành bắt giữ đối tượng có liên quan là Nguyễn Văn Hoành (em ruột của Thúy). Mặc dù các đối tượng dần lộ diện, nhưng bản thân Nguyễn Văn Thúy, Mẫn Thị Duyên vẫn chỉ khai báo nhỏ giọt và tìm cách lẩn tránh, không thừa nhận toàn bộ hành vi sai trái của mình.

Với sự nhạy bén của một cán bộ điều tra, trung tá Phùng Văn Ngọc nhận định Nguyễn Văn Hoành chính là “mắt xích” quan trọng để vén “bức màn bí mật” của vụ án. Anh vừa sử dụng các biện pháp tập trung đấu tranh với Hoành, vừa khôn khéo tìm cách tác động đến tâm lý để thuyết phục đối tượng. Sau một thời gian kiên trì, cuối cùng Nguyễn Văn Hoành đã khai nhận toàn bộ sự thật về quá trình trộm hài cốt và làm mộ giả tại nhiều địa phương. Trong đó có những tình tiết là chứng cứ quan trọng để đấu tranh với Nguyễn Văn Thúy; đồng thời giúp cơ quan điều tra củng cố, mở rộng điều tra, lần lượt khởi tố và bắt giữ thêm các đối tượng khác gồm Nguyễn Trường Sơn, Nguyễn Anh Chiều (đều là con rể của Nguyễn Văn Thúy), Vũ Đức Chung (cán bộ quản trang Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đắc Tô, tỉnh Kon Tum).

Vụ án kết thúc thành công. Bản chất lừa đảo của Nguyễn Văn Thúy cùng đồng bọn bị vạch trần, chấm dứt những ảo tưởng vào quá trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ bằng con đường ngoại cảm, nhập vong. Kết thúc vụ án, trung tá Phùng Văn Ngọc vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Tháng 7/2017, trung tá Phùng Văn Ngọc được phân công phối hợp với trinh sát Phòng An ninh xã hội Công an tỉnh tổ chức xác minh, truy tìm và đấu tranh bóc gỡ một đối tượng người Quảng Trị vào sinh sống tại các tỉnh phía Nam có hành vi viết đơn xin tham gia tổ chức phản động lưu vong “Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời”. Tài liệu ban đầu làm căn cứ xác định hành vi vi phạm của đối tượng hầu như không có, bản thân đối tượng có nhiều năm công tác trong ngành Công an, sau đó chuyển sang làm kinh doanh nên khá am hiểu pháp luật, có nhiều kinh nghiệm đối phó với cơ quan công an. Xác định những khó khăn khi làm việc với đối tượng, trung tá Phùng Văn Ngọc đã nghiên cứu kỹ về nhân thân đối tượng để xây dựng cụ thể phương án, kế hoạch đấu tranh hiệu quả; đồng thời phối hợp với trinh sát đơn vị liên quan tiến hành rà soát, xác minh, truy tìm đối tượng. Bằng biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra đã truy tìm ra đối tượng đang ở tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong quá trình làm việc lấy lời khai đối tượng, trung tá Phùng Văn Ngọc đã vận dụng khôn khéo các biện pháp, liên tục đưa ra những chứng cứ vừa đấu tranh vừa thuyết phục, giáo dục. Những lập luận chặt chẽ mà anh đưa ra trong mỗi cuộc hỏi cung như “mưa dầm” đã tác động đến tâm lý của đối tượng. Sau hai ngày đấu tranh kiên trì, đối tượng đã khai nhận toàn bộ hành vi sai trái của mình.

Đó chỉ là hai trong số hàng chục vụ án mà trung tá Phùng Văn Ngọc đã trực tiếp thụ lý và tham gia. Mỗi vụ án đều để lại cho anh những bài học kinh nghiệm quý để anh nghiên cứu, học tập, nâng cao hơn năng lực trong công tác điều tra. Hơn 22 năm công tác cũng là thời gian anh dồn tất cả công sức, tâm huyết để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Chỉ khi nào sự thật của vụ án được điều tra làm rõ, các đối tượng phạm tội bị bắt giữ và bị xử lý, thì nhiệm vụ của anh mới thực sự hoàn thành. Trong quá trình nỗ lực ấy, trung tá Phùng Văn Ngọc luôn thầm cảm ơn sự động viên, tin tưởng của cấp trên và đồng đội đã giúp anh vượt qua nhiều áp lực, khó khăn. Anh vinh dự được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của Thủ tướng Chính phủ, của lãnh đạo Công an và chính quyền các cấp, nhưng sâu thẳm trong anh vẫn luôn chất chứa nỗi niềm trăn trở. Những đối tượng cố tình bất chấp đạo lý, coi thường luật pháp sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật nhưng gia đình của họ cũng sẽ gánh chịu hệ lụy. Những giọt nước mắt hối lỗi, những lời nói muộn màng cũng không thể xoa dịu nỗi đau mà họ đã gây ra với chính người thân của mình…

Trung tá Phùng Văn Ngọc loay hoay rồi đưa chúng tôi xem một chiếc túi nhỏ, bên trong là hai con tôm nhiều màu được đan bằng chất liệu nilon rất đẹp có khắc tên Huyền và Bảo. Anh nói đây là món quà mà Nguyễn Văn Thúy đã tự tay làm và tặng cho anh vào buổi lấy lời khai cuối cùng trước khi kết thúc điều tra vụ án. Huyền và Bảo là tên của các con anh. Món quà này khiến anh rất bất ngờ bởi nó được trao từ tay một đối tượng mà anh đã mất rất nhiều công sức để đấu tranh vạch trần hành vi phạm tội. Vậy mà vào thời khắc ấy, con người đầy ngoan cố, xảo quyệt đến mức có quyền “gọi vong” như Nguyễn Văn Thúy vẫn có những khoảng lặng để suy ngẫm, ăn năn về việc làm sai trái của mình. Điều này phải chăng được tác động bởi sự tận tâm, trách nhiệm, đầy thấu cảm của những người cán bộ điều tra như trung tá Phùng Văn Ngọc?

Kiều Hảo

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=148550