'Tấm khiên' bảo vệ tinh thần đột phá
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: 'Cán bộ là cái gốc của mọi công việc'; 'Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém'; 'Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng'. Quán triệt sâu sắc lời dạy của Người, trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn chú trọng công tác cán bộ; xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ có đức, có tài, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân. Đặc biệt, tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta một lần nữa đã tiếp tục khẳng định: Có cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung...
Bảo vệ cán bộ dám đột phá vì lợi ích chung
Với tinh thần ấy, ngày 28-7-2021, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 22-QĐ/TW về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Quy định này thay thế Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26-7-2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Một trong những nội dung quan trọng của quy định này là: “Công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung”. Đây là một bước cụ thể hóa quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII. Đồng thời, đây cũng là quy định rất đúng, rất trúng và rất kịp thời. Vì thực tế nhiều năm qua cho thấy, từ phong trào hành động cách mạng ở các cấp, ngành, nhất là ở cơ sở đã xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá và dám hy sinh vì lợi ích chung. Tuy nhiên, không ít cán bộ, nhất là cán bộ trẻ ở cơ sở vẫn gặp không ít rào cản. Nhất là trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ, không ít cán bộ gặp những vướng mắc về nguyên tắc và pháp luật.
đây là vấn đề đang được các cấp ủy đảng, chính quyền và dư luận đặc biệt quan tâm. Vì vậy, ngay sau khi ban hành, quy định này đã nhận được sự đồng thuận cao của đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong cả nước. Hơn nữa, hệ thống các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước hiện nay ở nhiều ngành, lĩnh vực cụ thể chưa hoàn thiện, thậm chí có những điểm chồng chéo, thiếu thống nhất hoặc không phù hợp. Đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý đất đai, vì Luật Đất đai ra đời năm 2013 và cho đến nay đã có 17 nghị định, cùng với 51 thông tư hướng dẫn thi hành nhưng vẫn chưa hết “rối”, vẫn còn không ít kẽ hở. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất thoát tài nguyên, ngân sách nhà nước. Kéo theo đó là hàng loạt cán bộ từ cơ sở đến cao cấp bị kỷ luật, thậm chí phải vào tù vì tiêu cực, tham nhũng. Vì thế, không ít cán bộ đã từng tâm tư rằng: Làm lãnh đạo nhiều lúc như đi trên dây, bởi ranh giới giữa đúng và sai rất mong manh. Có những lĩnh vực, công việc có cơ chế chưa rõ ràng, nên đặt cán bộ vào tình huống khó xử, không làm thì không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ mà làm thì rất dễ bị suy diễn, quy chụp là vi phạm nguyên tắc, trái pháp luật...
Đối tượng kiểm tra, giám sát - không có ngoại lệ
Để công tác kiểm tra, giám sát thực sự là “đòn bẩy”, nhưng đồng thời là “tấm khiên” vững chắc bảo vệ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung của cán bộ thì vấn đề quan trọng nhất là phải hoàn thiện hệ thống nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, bảo đảm chặt chẽ, thống nhất, tránh chồng chéo và thiếu rõ ràng. Vì chỉ khi có thống nhất nguyên tắc và pháp luật đồng bộ sẽ bảo đảm được tính nghiêm minh của kỷ luật, pháp luật; vừa khuyến khích, động viên, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Nói tóm lại, để thực hiện được vần đề nêu trên, trước hết và trên hết đòi hỏi cơ quan kiểm tra và cán bộ kiểm tra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải đảm bảo sự bình đẳng. Đồng thời, công tác kiểm tra, giám sát phải bảo đảm đúng quy trình, quy phạm, dân chủ, công khai, khách quan, thận trọng, đi đúng đường lối và thật sự nhân văn.
Chính vì vậy Quy định số 22 đã nêu rõ, trong công tác kiểm tra, giám sát thì mọi tổ chức đảng và đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng và đều phải chịu sự kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, không có ngoại lệ. Đồng thời, Quy định số 22 cũng đề ra yêu cầu các cấp ủy đảng, ủy ban kiểm tra các cấp phải chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên ngay từ khi còn mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng. Và khi các vụ việc vi phạm được phát hiện, phải cương quyết xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời để răn đe và giáo dục. Đặc biệt, Quy định số 22 còn yêu cầu, các đối tượng kiểm tra, giám sát không để lộ nội dung cho tổ chức, cá nhân không có trách nhiệm biết; không được sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình, thu phát sóng khi làm việc với chủ thể kiểm tra, giám sát.
Đặc biệt, Quy định số 22 đã dành một điều để quy định rõ nguyên tắc thi hành kỷ luật đảng. Trong đó nêu rõ, đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết, không được xử lý nội bộ. Nếu đảng viên sai phạm làm thất thoát tài chính, tài sản của Đảng, Nhà nước, tổ chức, cá nhân thì phải xem xét trách nhiệm và bồi hoàn. Khi kỷ luật một tổ chức đảng phải xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với những đảng viên vi phạm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu tổ chức đảng… Đồng thời, Quy định số 22 cũng nêu rõ, đối với đảng viên bị khởi tố, truy tố, bị tạm giam hoặc do cơ quan thanh tra, kiểm toán cung cấp nội dung vi phạm pháp luật thì tổ chức đảng có thẩm quyền chủ động, kịp thời kiểm tra, kết luận và xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên có vi phạm đến mức phải xử lý, không chờ kết luận hoặc tuyên án của tòa án hoặc kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán; không cần quyết định cho đảng viên, cấp ủy viên trở lại sinh hoạt mới xem xét, xử lý kỷ luật.
Đối với “đảng viên có vi phạm bị truy nã hoặc bị tòa án tuyên phạt tử hình, phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì tổ chức đảng có thẩm quyền quyết định khai trừ hoặc xóa tên trong danh sách đảng viên (đối với đảng viên dự bị), không phải theo quy trình thi hành kỷ luật”. Sau khi có bản án hoặc quyết định của tòa án hoặc kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán, nếu thấy cần thiết, tổ chức đảng có thẩm quyền kỷ luật xem xét lại việc kỷ luật đảng đối với đảng viên đó. Như vậy, thực tế cuộc sống cho chúng ta nhiều bài học quý giá trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng. Đó là kỷ luật thì phải nghiêm minh, chính xác, cụ thể, đúng người, đúng việc, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Tuy nhiên, kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng còn có mục đích quan trọng nữa là phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy và đặc biệt là không làm “thui chột” tư duy sáng tạo, đổi mới, hành động của cán bộ và nhân dân vì lợi ích chung của đất nước. Vì thế, Quy định số 22 ra đời đã thực sự “cởi trói” cho những cán bộ “dám đột phá” vì lợi ích chung.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/127118/tam-khien-bao-ve-tinh-than-dot-pha