Tấm lòng của những 'người dưng'
Với mong muốn sẻ chia cùng những mảnh đời kém may mắn, nhiều năm qua, chị Võ Hồng Diễm và bà Trần Thị Nga không ngại dậy sớm, góp công, góp sức tham gia hỗ trợ các bếp ăn '0 đồng'.
Đầu bếp bất đắc dĩ
Mỗi tháng, bếp ăn nghĩa tình tại gia đình chị Võ Hồng Diễm (SN 1973, phường 3, TP.Tân An, tỉnh Long An) lại trao tặng hàng ngàn suất ăn chay miễn phí cho người nghèo, người dân có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài địa bàn. Đến nay, chị đã duy trì hoạt động được 7 năm.
Thực đơn hàng tháng được thay đổi đa dạng, tùy vào món ăn mà bếp sẽ nấu số lượng khác nhau. Nếu là bánh mì, chị tặng khoảng 2.000 ổ bánh/ngày; còn đối với các món ăn khác như cháo, bún xào, bánh canh, canh kiểm,... chị chuẩn bị từ 700-800 suất/ngày.
Kể về duyên nợ với bếp ăn “0 đồng”, chị Diễm tâm sự, sau khoảng thời gian dài ở TP.HCM, chị quyết định trở về quê nhà sinh sống để tiện việc chăm sóc cha mẹ già. Lúc còn sống, cha chị vẫn thường chuẩn bị những suất ăn miễn phí đặt ở trước nhà để ai cần thì đến nhận. Từ ngày cha qua đời, chị tiếp tục duy trì hoạt động ý nghĩa này.
Được biết, ban đầu, chị chỉ nấu vào 3 tháng rằm lớn (tháng Giêng, tháng 7 và tháng 10). 5 năm trở lại đây, chị bắt đầu thực hiện 2 lần/tháng. Bếp thường hoạt động cố định vào mùng 01 và ngày 15 Âm lịch, thỉnh thoảng do công việc đột xuất, chị chuyển sang ngày 30 và 14 Âm lịch.
Chị Diễm chia sẻ: “Để những suất ăn ngon, đầy đủ dinh dưỡng đến tay người nghèo, từ hôm trước, nhóm đã đi chợ và sơ chế một số nguyên liệu. Nhóm có trên 10 thành viên cố định, khoảng 3-4 giờ ngày hôm sau, mọi người tập trung thực hiện các công đoạn còn lại. Nấu hàng ngàn suất ăn cũng vất vả nhưng cứ nghĩ đến niềm vui của người dân có hoàn cảnh khó khăn thì mọi người lại có thêm động lực để làm”.
Các món chay của chị được nhiều người đánh giá là ngon miệng. Ông Nguyễn Văn Minh (phường 1, TP.Tân An) cho biết: “Món chay ở đây rất ngon và hợp vệ sinh. Tôi làm nghề mua ve chai, hiện ở trọ. Mỗi tháng 2 lần, tôi đến đây nhận bữa sáng miễn phí. Mọi người tốt lắm, nếu thật sự khó khăn thì chúng tôi có thể xin thêm vài suất. Đối với những người lao động nghèo như tôi thì suất ăn miễn phí thật sự đáng quý”.
Bên cạnh việc duy trì hoạt động tại nhà, thời gian qua, chị còn tham gia hỗ trợ bếp ăn ở tịnh xá Ngọc Tâm (phường 3, TP.Tân An) vào sáng thứ hai hàng tuần. Theo lời chị Diễm, khi còn nhỏ, chị đã theo mẹ đến đây hỗ trợ bếp ăn. Từ ngày trở về quê, chị lại tiếp tục tham gia hoạt động. Hiện trung bình mỗi lần nhóm chị nấu khoảng 500 suất, sau đó, các suất ăn sẽ được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Long An và Bệnh viện Tâm thần để tặng bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Chưa từng trải qua bất kỳ trường lớp nào về nấu ăn, chị Diễm trở thành “đầu bếp bất đắc dĩ” ở 2 bếp ăn. Có lẽ vì xuất thân trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên chị hiểu được những vất vả của người dân nghèo. Giờ đây, khi cuộc sống dần ổn định, chị Diễm muốn chia sẻ cùng cộng đồng. Dẫu biết giá trị của bữa ăn không lớn nhưng chính cái tâm, cái tình mà chị gửi vào từng suất ăn miễn phí là thật sự quý giá.
Ngoài ra, chị còn thường xuyên hỗ trợ các hoạt động thiện nguyện tại tỉnh Tiền Giang. 2 năm liền (năm 2020 và 2021), chị được nhận giấy khen của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Tiền Giang vì đã có thành tích tích cực đóng góp cho công tác xã hội, từ thiện.
Tấm lòng của một “người dưng”
Ở tuổi ngoài 50, bà Trần Thị Nga (thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc) dành nhiều thời gian để tham gia nấu ăn và chăm lo dinh dưỡng cho những người tại chùa Giác Nguyên.
Nhà cách chùa không xa, khoảng 4-5 năm nay, mỗi ngày, bà Nga thường đến đây để nấu ăn. Được biết, chùa cưu mang hơn 20 trẻ em, trong đó có trẻ mồ côi, trẻ cơ nhỡ và chú tiểu. Tại chùa, các em được nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo, đến tuổi thì được đi học. Hàng ngày, bà Nga thường thức dậy vào lúc 4 giờ, sau khi hoàn thành xong việc nhà, bà tranh thủ đến chùa để nấu bữa sáng cho mọi người.
Bà Nga tâm sự: “Tôi phụ trách công việc nấu ăn, mỗi ngày nấu 3 bữa chính (sáng - trưa - chiều), tuy không cầu kỳ nhưng các món phải bảo đảm đủ dinh dưỡng cho khoảng 30 người. Ngoài nấu các món chay, tôi còn hỗ trợ các chị nấu thêm món mặn vì các bé nhỏ rất cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng. Tôi tận dụng đất trong khuôn viên chùa để trồng thêm rau xanh vừa bảo đảm an toàn, vừa tiết kiệm được chi phí. Song song đó, những lúc rảnh, tôi còn hỗ trợ mọi người tắm, chăm sóc các bé”.
Được biết, trước đây, bà Nga làm nghề buôn bán ở chợ. Bà lập gia đình và có 2 con. Đến nay, khi các con đã trưởng thành và có việc làm ổn định, bà dành toàn bộ thời gian cho các hoạt động thiện nguyện. Xuất phát từ tình thương, bà Nga tình nguyện hỗ trợ nhà chùa chăm lo dinh dưỡng cho các em.
“Tôi coi những đứa trẻ ở đây như con cháu trong nhà, luôn yêu thương, chăm sóc. Mỗi bé một hoàn cảnh nhưng tất cả đều thiếu thốn tình cảm gia đình. Tôi mong mỗi em trưởng thành sẽ trở thành người có ích cho xã hội” - bà Nga trải lòng./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tam-long-cua-nhung-nguoi-dung-a132686.html