Tấm lòng của nữ kỹ thuật viên nông nghiệp
Học tập Bác ở tấm lòng nhân ái, biết rộng mở, yêu thương và sẻ chia với người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, chị Ngô Huyền Trang (Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo xã Lê Trì, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, cán bộ kỹ thuật viên nông nghiệp) luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, dành thời gian sẻ chia với người khó khăn.
Trước khi làm cán bộ kỹ thuật viên khuyến nông tăng cường tại xã Lê Trì, chị Trang nhiều năm công tác tại trạm y tế xã, phụ trách mảng dân số. Có lẽ quá trình công tác gần gũi, sát sao với người dân, chị Trang hiểu và rất yêu thương người nghèo khó, bất hạnh xung quanh mình. Khi chuyển về làm kỹ thuật viên nông nghiệp (năm 2013), chị Trang vẫn giữ tấm lòng yêu thương, sẻ chia từng túi gạo cho mọi người.
Trong mùa dịch COVID-19, chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, chị mạnh dạn phát động “Cửa hàng 0 đồng”, vận động và tổ chức nơi tập kết rau, củ, quả để hỗ trợ cho bà con cách ly, giải cứu nông sản, vận động nhu yếu phẩm tặng gia đình khó khăn, tổng số tiền trên 200 triệu đồng.
“Từ uy tín cá nhân, nỗ lực kết nối, vận động tấm lòng nhân ái giúp đỡ người khó khăn ở địa phương, tôi được Đảng ủy, UBND xã tin tưởng, phân công thêm nhiệm vụ Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo. Từ đó, tôi càng ý thức hơn vai trò, trách nhiệm của mình.
Bên cạnh công việc chuyên môn, tôi luôn đi thực tế, sát sao từng hoàn cảnh người già neo đơn, trẻ em khuyết tật, bệnh nhân nghèo không tiền chữa trị, lên kế hoạch vận động. Từ năm 2022 đến nay, tôi vận động cất 3 căn nhà Tình thương, tặng quà cho 25 trẻ mồ côi, khuyết tật (trị giá 5 triệu đồng), kết nối nhà hảo tâm tặng 540 phần quà cho bà con nghèo, khó khăn (trị giá 140 triệu đồng), vận động tặng quà Tết Trung thu cho thiếu nhi khó khăn (52 triệu đồng), trao quà “Tiếp bước đến trường” cho học sinh nghèo…” - chị Trang chia sẻ.
Là cán bộ năng nổ và nhiệt huyết, chị Trang rất tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Để rồi, không chỉ vun bồi tấm lòng yêu thương, chia sẻ với người nghèo, chị còn học tập Bác đức tính “cần, kiệm, liêm, chính”, cách sống gần gũi, gắn bó với Nhân dân, lắng nghe ý kiến người dân. Vận dụng những bài học quý báu của Bác vào thực tiễn, nhiều năm nay, chị Trang cố gắng hướng dẫn, tập huấn nông dân kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc vườn cây ăn trái để các gia đình cải thiện kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Sắp tới, khuyến nông xã tiếp tục mở 1 lớp dạy nghề cho Tổ hợp tác núi Ô Vàng, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây ăn trái cho bà con, chia sẻ cho người dân tìm hiểu, trồng thử hoa đa lộc công nghệ cao, gắn với hợp đồng bao tiêu sản xuất cùng doanh nghiệp, hỗ trợ tổ trồng hoa kiểng của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lê Trì nâng cao kỹ thuật trong mùa vụ Tết. Với công tác hỗ trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo, chị Trang tiếp tục vận động, trao quà cho dịp lễ Vu Lan báo hiếu, Tết Trung thu, năm học mới.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lê Trì Neáng Quynh trân quý tấm lòng sẻ chia của chị Trang: “Bằng nghĩa cử cao đẹp, trợ giúp vật chất lẫn tinh thần cho những trường hợp hoạn nạn, ốm đau, người nghèo, tàn tật, người già neo đơn, chị Trang thắp lên niềm tin, hy vọng trong cuộc sống cho họ. Dù tận tâm, bận rộn với với công tác thiện nguyện, nhưng chị vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ kỹ thuật viên khuyến nông. Chị thường xuyên hướng dẫn chị em cách trồng trọt, chăn nuôi, kỹ thuật, quản lý, kinh doanh...
Ngoài ra, chị còn nhận dự án, mô hình cho người dân thực hiện trên địa bàn xã, qua đó vừa trao đổi công việc vừa vận động từ thiện giúp đỡ mảnh đời bất hạnh xung quanh. Chị Trang thật sự là tấm gương phụ nữ năng động, cán bộ gương mẫu cho phụ nữ noi theo”.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tam-long-cua-nu-ky-thuat-vien-nong-nghiep-a372788.html