Tấm lòng thơm thảo của vợ chồng bác sĩ
25 năm qua, vợ chồng bác sĩ Đỗ Huỳnh Văn Huy và Lê Thanh Nga không chỉ tận tụy với nghề mà còn ra sức giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo
Ai thường xuyên đi qua đường Man Thiện, phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức, TP HCM hẳn sẽ biết đến số nhà 63. Đây là nhà của vợ chồng bác sĩ Đỗ Huỳnh Văn Huy - Lê Thanh Nga và cũng là "đại bản doanh" của Nhóm Y bác sĩ thiện nguyện vì người nghèo mà bác sĩ Nga là trưởng nhóm.
Dốc tiền tỉ tham gia chống dịch
Bà Lê Thanh Nga, sinh năm 1978, nguyên là bác sĩ Bệnh viện Quân y 175. Thuở ấu thơ, bác sĩ Nga sống trong bệnh viện còn nhiều hơn thời gian ở nhà. Bà bị hở van tim 2 lá và bị viêm họng mãn tính, một năm phải vài lần vào bệnh viện cấp cứu.
Vì vậy, cha bà Nga đã khuyên con sau này hãy theo học nghề y, trước tiên để tự chăm sóc bản thân rồi sau đó chữa bệnh giúp người, đặc biệt những người có hoàn cảnh khó khăn.
Từ khi theo đuổi ngành y, bác sĩ Nga đã ấp ủ xây một nhà lưu trú 0 đồng cho bệnh nhân nghèo. Tuy nhiên, dịch COVID-19 ập đến làm kế hoạch xây nhà bị đảo lộn, kinh phí dự trù phải dùng vào mục tiêu chống dịch hàng đầu.
Quãng thời gian chống dịch, bác sĩ Nga tham gia lực lượng y tế tuyến đầu và phụ trách chăm sóc những sản phụ. Tuy nhiên, một số sản phụ đã không may qua khỏi và bác sĩ Nga phải chứng kiến họ ra đi ngay trước mắt, khiến bà mất một thời gian bị sốc.
Vượt lên đau thương, bác sĩ Nga đã kêu gọi anh em, bạn bè tổ chức bếp ăn phục vụ hơn 2.000 suất/một ngày cho tuyến đầu chống dịch. Hai vợ chồng đã hỗ trợ máy thở ô-xy, máy lọc nước uống cho một số bệnh viện dã chiến. Thời gian dịch lắng xuống thì số tiền hai vợ chồng dành xây nhà lưu trú 0 đồng với khoảng 4 tỉ đồng đã được sử dụng hết.
Vay tiền xây "khách sạn" cho bệnh nhân nghèo
Bác sĩ Đỗ Huỳnh Văn Huy (công tác tại Bệnh viện Đa khoa An Phước Sài Gòn) cho biết: "Việc hình thành nhà lưu trú 0 đồng, tôi đã ấp ủ từ khá lâu rồi. Tôi chỉ chờ một cơ hội nào đó để thực hiện. Khi vợ tôi nói "chúng mình làm nhà lưu trú 0 đồng cho bệnh nhân nghèo nơi xa đến" giống như "bật đèn xanh" nên tôi đồng ý ngay".
Dù cạn tiền nhưng vợ chồng bác sĩ Huy - Nga không từ bỏ ý định xây nhà lưu trú nên đã quyết định vay tiền ngân hàng, khởi công xây dựng vào tháng 12-2021 trên mảnh đất gia đình rộng 300 m2 tại phường Long Phước, TP Thủ Đức.
Sau 8 tháng thi công, nhà lưu trú 0 đồng đã khánh thành ngày 17-12-2022 với tổng kinh phí khoảng 10 tỉ đồng, hoàn toàn bằng tiền túi của vợ chồng bác sĩ Huy - Nga tại địa chỉ 340/14 Long Phước với công suất lưu trú khoảng trên 50 người. Hiện tại, mỗi ngày vợ chồng bác sĩ Nga đón 30 - 40 bệnh nhân. Họ luôn cảm thấy rất thoải mái và vui vẻ khi sinh hoạt ở đây.
"Con người khi đã bị bệnh sẽ rất đau đớn về thể xác và suy sụp về tinh thần nên vợ chồng tôi thiết kế một không gian xanh thực sự, để bệnh nhân không chỉ tạm trú mà còn thư giãn và nghỉ ngơi. Lúc họ đau buồn thì có thể ra vườn ngắm hoa, cá, chim... Không gian xanh sẽ làm cho tinh thần người bệnh thoải mái hơn" – bác sĩ Nga tâm sự.
Bác sĩ Nga cho biết tuy nhà lưu trú này miễn phí nhưng không thể làm tạm bợ được. "Tôi trang bị đầy đủ giường, nệm, quạt hơi nước, tivi, bếp điện. Thực phẩm đều mua ở siêu thị để đảm bảo, vì người bệnh cần ưu tiên sức khỏe" - bà Nga nói.
Nhà lưu trú như một "khách sạn" của niềm vui và tình người. Người hết bệnh vẫn thường lui tới động viên người đang bệnh kiên cường chiến đấu. Đối với người có kinh tế, họ cũng được miễn phí điều trị hoàn toàn.
"Nếu họ có tấm lòng thì hãy giúp những hoàn cảnh khó khăn mà họ biết. Đó chính là cách họ trả nghĩa cho cuộc đời" – bác sĩ Nga bày tỏ.
"Đã giúp người thì giúp cho trót"
Xây được nhà lưu trú cho bệnh nhân, Nhóm Y bác sĩ thiện nguyện vì người nghèo của bác sĩ Nga còn tiếp tục cho ra đời mô hình đội cứu thương không cước phí để di chuyển bệnh nhân cấp cứu hoặc trở về quê.
Đây là 1 trong 6 mục tiêu mà nhóm đã hoàn thành trước dự kiến, gồm: Cơm 0 đồng, cháo 0 đồng, ở miễn phí, khám bệnh, phát thuốc không thu tiền và xe đưa đón người bệnh không bán vé.
Hằng ngày, cứ sau giờ làm việc tại bệnh viện, vợ chồng bác sĩ Nga lại vội vã trở về "đại bản doanh" để khám và điều trị miễn phí cho bệnh nhân bằng phương pháp y học cổ truyền.
Bây giờ cũng là thời điểm cận Tết Nguyên đán, công việc quen thuộc của bác sĩ Nga và Nhóm Y bác sĩ thiện nguyện vì người nghèo là khảo sát địa bàn và vận động quà Tết cho người nghèo. Mỗi năm, nhóm vận động được khoảng 400 – 500 suất quà.
Đúng giờ phút giao thừa thiêng liêng, họ lại tỏa đi 4 hướng trao tặng yêu thương đến những người vô gia cư, lao động nghèo khó. Rồi đến sáng mùng 2 Tết, mọi người lại tất bật đi trao quà tại các vùng khó khăn mà không chọn ở nhà sum vầy bên gia đình... theo đúng tôn chỉ của nhóm: "Đã giúp người thì giúp cho trót".
Cứ đều đặn vào trưa thứ 3 - 5 - 7 hằng tuần, tại nhà 63 Man Thiện lại đông đúc bệnh nhân, người bán vé số dạo, sinh viên nghèo đến nhận cơm miễn phí. Bếp lửa ấm tình này đã được duy trì suốt hơn 20 năm qua và hiện tặng 500 suất cơm mỗi ngày.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tam-long-thom-thao-cua-vo-chong-bac-si-196240104110124323.htm