Tâm lý chủ quan gây ra những cái chết thương tâm vì bệnh dại

Mùa hè thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi để bệnh dại bùng phát mạnh nhất. Bệnh dại hoàn toàn có thể phòng tránh nhưng nhiều người chủ quan không đi tiêm phòng sau khi bị chó cắn dẫn đến tử vong. Trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm đến nay số người tử vong vì bệnh dại tăng mạnh.

Mùa hè thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi để bệnh dại bùng phát mạnh nhất. Bệnh dại hoàn toàn có thể phòng tránh nhưng nhiều người chủ quan không đi tiêm phòng sau khi bị chó cắn dẫn đến tử vong. Trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm đến nay số người tử vong vì bệnh dại tăng mạnh.

Người dân tiêm vắc xin phòng dại tại phòng tiêm dịch vụ trên địa bàn thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy).

Người dân tiêm vắc xin phòng dại tại phòng tiêm dịch vụ trên địa bàn thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy).

Mới đây nhất là ca bệnh bà Bùi Thị D., sinh năm 1952, xóm Đồng Lạc, xã Đoàn Kết (Yên Thủy). Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, tháng 3/2024, bệnh nhân bị chó cắn vào chân phải, vết thương nhỏ, nông, chảy máu ít. Sau khi bị chó cắn, bệnh nhân không xử trí vết thương, không đến cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm phòng dại mà tự đi khám thầy lang đắp thuốc. Con chó cắn bà D. là chó lạ, đi lạc đến gia đình được gia đình giữ lại nuôi. Sau khi cắn bệnh nhân, con chó có biểu hiện khác thường, hay gầm gừ muốn cắn người và đuổi bắt gà. Khoảng 5 ngày sau khi cắn bệnh nhân, con chó đuổi bắt gà nên chồng bệnh nhân dùng gậy đập chết và gọi anh em hàng xóm đến làm thịt ăn.

Ngày 9/6/2024, bệnh nhân có biểu hiện người mệt, chóng mặt, ăn uống kém, tự mua thuốc điều trị. Ngày 10/6, bệnh nhân thấy mệt nhiều, tăng tiết nước bọt liên tục, xuất hiện triệu chứng sợ lạnh (điều hòa), được người nhà đưa lên Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Yên Thủy khám nhưng không tìm ra nguyên nhân, gia đình xin chuyển bệnh nhân xuống Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình khám cũng không tìm ra nguyên nhân. Do bệnh nhân sợ điều hòa không ở được nên xin xuất viện về nhà. Ngày 12/6, bệnh nhân lên cơn co giật, hoảng loạn, nôn, được đưa đến TTYT huyện Yên Thủy. Bệnh nhân nôn ra máu đỏ thẫm, được chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa trên mức độ nặng. Sau khi sơ cứu, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, bệnh viện chẩn đoán áp xe gan, cao huyết áp. Ngày 14/6, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, xét nghiệm nước bọt và dịch não tủy có kết quả dương tính với virus dại. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương giải thích cho gia đình về tình trạng của bệnh nhân, gia đình ký hồ sơ xin cho bệnh nhân về chăm sóc tại nhà. Ít ngày sau đó bệnh nhân tử vong…

Ngay sau khi nhận được báo cáo về trường hợp tử vong do bệnh dại tại xã Đoàn Kết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (KSBT) tỉnh phối hợp, chỉ đạo TTYT huyện Yên Thủy xác minh, điều tra trường hợp tử vong. Điều tra, lập danh sách người nhà tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, người làm thịt chó… Tư vấn cho người nhà tiếp xúc có vết thương hở hoặc niêm mạc bị phơi nhiễm với nước bọt của bệnh nhân, những người tham gia giết mổ con chó cắn bệnh nhân điều trị dự phòng bệnh dại. Hướng dẫn trạm y tế phối hợp các ban, ngành xã thực hiện sát trùng tại gia đình bệnh nhân và truyền thông cho người dân về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các biện pháp phòng, chống...

Đây là 1 trong 3 trường hợp tử vong do bệnh dại trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024. Trước đó, trên địa bàn xã Ngọc Lâu (Lạc Sơn), cháu Quách Công Ch., 10 tuổi, bị chó cắn, sau đó một thời gian thì khởi phát bệnh dại và tử vong.

Cũng trên địa bàn huyện Lạc Sơn, ông Trương Đức L., 74 tuổi, xã Yên Nghiệp, bị chó cắn, sau khoảng 2 tháng thì khởi phát bệnh dại và tử vong. Tất cả các trường hợp trên bị chó cắn đều không đến cơ sở y tế để khám, tư vấn điều trị dự phòng dại, không tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Thời gian từ lúc bị chó nghi dại cắn đến lúc lên cơn dại tử vong từ 2 - 3 tháng.

Theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, 6 tháng đầu năm 2024, trên cả nước ghi nhận 46 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 24/63 tỉnh, thành phố, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2023 (35 ca). Tỉnh Hòa Bình được xác định là một trong những địa phương có số ca mắc và tử vong nhiều.

Ngay từ đầu năm 2024, Trung tâm KSBT tỉnh đã tham mưu Sở Y tế ban hành kế hoạch phòng, chống bệnh dại trên người năm 2024. Chỉ đạo TTYT các huyện, thành phố tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh dại trên người. Trung tâm KSBT tỉnh đã thành lập đoàn giám sát liên ngành phối hợp TTYT huyện Lạc Sơn, Yên Thủy điều tra, xác minh, xử lý ổ dịch dại tại các xã: Ngọc Lâu, Yên Nghiệp, Đoàn Kết. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Chi cục Chăn nuôi và Thú y trong chia sẻ thông tin liên quan đến các trường hợp tử vong do bệnh dại, báo cáo kết quả điều trị dự phòng bệnh dại theo quy định.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 34 điểm tiêm vắc xin dại, trong đó có 9 điểm tiêm công lập (8 điểm tiêm tại các TTYT huyện, thành phố và 1 điểm tiêm tại Trung tâm KSBT tỉnh), 25 điểm tiêm tư nhân. Tính đến hết tháng 5/2024 đã điều trị dự phòng bệnh dại cho 2.276 người, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023 (711 người).

Bác sỹ Bùi Văn Phón, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm KSBT tỉnh) cho biết: Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh. Người mắc bệnh dại do bị lây truyền virus dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo). Người đã bị bệnh dại gần như tử vong 100%.

Để chủ động phòng, chống bệnh dại, ngành Y tế khuyến cáo: Cách phòng bệnh tốt nhất là phải tiêm phòng đầy đủ cho 100% chó, mèo nuôi và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm. Diệt chó chạy rông, chó vô chủ. Không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi. Khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại. Vết thương cần được rửa sạch với cồn 70%, cồn iod hoặc povidone-iodine (nếu có). Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương. Đến ngay cơ sở y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa.

Hương Lan

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/219/190876/tam-ly-chu-quan-gay-ra-nhung-cai-chet-thuong-tam-vi-benh-dai.htm