Tâm lý đám đông trong đầu tư chứng khoán

Bất kỳ một mức giá nào cũng có thể được đặt ra, miễn là có người khác sẵn lòng trả cao hơn. Chẳng có lý do nào cả, đó chỉ là tâm lý đám đông.

Trong thế giới này, cứ mỗi phút lại có một gã khờ sinh ra để mua khoản đầu tư của bạn với mức giá cao hơn giá bạn đã trả. Bất kỳ một mức giá nào cũng có thể được đặt ra, miễn là có người khác sẵn lòng trả cao hơn. Chẳng có lý do nào cả, đó chỉ là tâm lý đám đông.

Tất cả những gì một nhà đầu tư khôn ngoan cần phải làm là đi đầu trong mọi vụ mua bán. Thuyết này có thể bị mỉa mai là thuyết của những kẻ đại ngốc. Thật sự là rất đúng khi trả giá cao gấp ba cho một thứ gì đó đáng giá, miễn là sau đó bạn có thể tìm được một kẻ khờ khạo trả với mức giá cao gấp năm lần.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Webu Help.

Ảnh minh họa. Nguồn: Webu Help.

Thuyết lâu đài trên cát được rất nhiều người ủng hộ, kể cả trong giới tài chính lẫn giới học thuật. Trong cuốn sách bán chạy có tựa đề Irrational Exuberance (Sự tăng trưởng phi lý), Robert Shiller đã lập luận rằng cơn cuồng Internet và cổ phiếu công nghệ cao suốt giai đoạn cuối thập niên 1990 chỉ có thể được giải thích bằng thuật ngữ “tâm lý đám đông”.

Tại các trường đại học, thuyết hành vi thị trường chứng khoán nhấn mạnh vào tâm lý đám đông đã nhận được sự ủng hộ trong những năm đầu thập niên 2000 từ các khoa kinh tế và trường kinh doanh hàng đầu ở khắp các nước phát triển. Chuyên gia tâm lý Daniel Kahneman đã được trao giải Nobel Kinh tế năm 2002 cho những cống hiến có ảnh hưởng sâu sắc đến lĩnh vực “tài chính hành vi”.

Trước đó, Oskar Morgenstern luôn là người đi đầu. Morgenstern cho rằng cuộc tìm kiếm giá trị nội tại của cổ phiếu chính là cuộc tìm kiếm ma trơi. Trong một nền kinh tế trao đổi, giá trị của bất kỳ tài sản nào cũng phụ thuộc vào giao dịch thực tế hoặc trong tương lai. Ông tin rằng mỗi nhà đầu tư nên khắc ghi câu châm ngôn Latinh dưới đây:

Res tantum valet quantum vendi potest.

(Một thứ chỉ đáng giá với những gì mà người khác trả cho nó).

Làm thế nào để thực hiện bước đi ngẫu nhiên

Hãy cùng tôi thực hiện bước đi ngẫu nhiên qua khu rừng đầu tư, với chuyến dạo chơi đến Phố Wall. Nhiệm vụ đầu tiên của tôi là giúp bạn làm quen với các mô hình định giá trong lịch sử và cách thức chúng gắn kết với hai thuyết đánh giá đầu tư.

Chính Santayana đã cảnh báo rằng nếu không chịu rút ra các bài học từ quá khứ, thì chúng ta sẽ phải trả giá cho những sai lầm giống nhau. Vì vậy, ở chương sau tôi xin kể lại một số cơn sốt đầu cơ - xảy ra đã lâu cũng như rất gần đây.

Một vài bạn đọc có thể xem thường sự vội vã của công chúng khi điên rồ đâm đầu mua củ hoa tulip ở Hà Lan vào thế kỷ XVII và bong bóng South Sea ở Anh vào thế kỷ XVIII. Thế nhưng không ai có thể xem thường cơn điên loạn về các cổ phiếu mới phát hành đầu thập niên 1960, hay chứng cuồng “Nifty Fifty” (1) xảy ra trong thập niên 1970.

Giá đất đai và cổ phiếu ở Nhật bùng nổ với tốc độ chóng mặt, rồi hiện tượng sụt giá kinh hoàng đầu thập niên 1990 cũng như “cơn điên cuồng cổ phiếu các công ty Internet” trong năm 1999 và đầu năm 2000 đã liên tiếp gióng lên những lời cảnh báo rằng cả các nhà đầu tư cá nhân lẫn các nhà đầu tư chuyên nghiệp đều không thể miễn dịch với những sai lầm trong quá khứ.

(1). Nifty Fifty: Thuật ngữ không chính thức chỉ cố phiếu của 50 công ty lớn được nhiều người ưu chuộng và xem là cổ phiếu tăng trưởng vững chắc trên Sở Giao dịch Chứng khoán New York vào thập niên 1960 và 1970.

Burton G. Malkiel/Alphabooks – NXB Lao Động

Nguồn Znews: https://znews.vn/tam-ly-dam-dong-trong-dau-tu-chung-khoan-post1520111.html