Tâm lý & đời sống: Rối loạn hoảng sợ

Người đàn ông tên D., 58 tuổi, dáng người cao to đến thăm khám với vẻ mặt lo âu, mệt mỏi, căng thẳng. Ông mất ngủ cách đây 5-6 năm, từng đi khám và điều trị nhiều bác sĩ cả chuyên khoa tâm thần và nội khoa thần kinh ở các bệnh viện lớn nhưng không khỏi, các triệu chứng cứ cải thiện một thời gian xong lại tái phát. Qua câu chuyện ông mô tả cho nhà trị liệu, trước đây ông làm nghề lái xe đường dài, có vợ và 1 con trai (năm nay 24 tuổi), hai vợ chồng không hòa thuận nên đã ly dị cách đây hơn 10 năm. Hiện vợ ông sống với con trai, còn ông về sống với cha mẹ già.

Tuy nhiên, từ 5-6 năm nay, do tình trạng bệnh tật, ông đã nghỉ nghề lái xe, chỉ ở nhà quanh quẩn và sống nhờ vào việc cho thuê phòng trọ. Ông cho biết, từ cách đây 5-6 năm ông thường xuyên mất ngủ, phải đến 1-2h mới ngủ được, nhưng 4-5h đã thức giấc, không ngủ lại được. Buổi sáng dậy, ông cảm thấy cực kỳ mệt mỏi, không còn năng lượng, không muốn làm việc gì cả. Ông mô tả, ngoài việc mất ngủ, ông luôn cảm thấy hoảng sợ và lo lắng một cách thái quá theo từng cơn trong ngày. Ông sợ rằng mình sẽ có cơn đau tim, nghĩ đến việc mình đột tử mà không có ai ở bên cạnh, và mỗi lần như thế ông lại cảm thấy nhịp tim tăng lên, hồi hộp và bồn chồn không thể kiểm soát. Nỗi sợ luôn bao trùm và chi phối mọi hoạt động, làm ông không thể tập trung vào bất cứ việc gì.

Sau khi thăm khám, các bác sĩ và nhà tâm lý lâm sàng kết luận ông bị rối loạn giấc ngủ và rối loạn hoảng sợ. Việc điều trị cho ông cần có sự hợp tác chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa tâm thần và nhà tâm lý lâm sàng cùng với việc dùng thuốc. Bởi, bác sĩ sẽ giúp ông cải thiện triệu chứng một cách tích cực, còn trị liệu tâm lý sẽ giúp ông giải quyết “bệnh sinh” về tình trạng hoảng sợ và học thêm được một mô hình ứng phó khủng hoảng mới trong tương lai.

Tiến sĩ Lê Minh Công

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202406/tam-ly-doi-song-roi-loan-hoang-so-359446f/