Tâm lý ham sách rẻ ảnh hưởng nặng nề đến sản phẩm trí tuệ
Hiện nay, vẫn chưa có quy định xử lý người tiêu dùng cố tình sử dụng sách giáo khoa giả/lậu, điều này vô tình tiếp tay cho những hành vi vi phạm pháp luật.
Thời gian qua, cơ quan chức năng liên tục phát hiện, triệt phát đường dây sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả/lậu. Mặc dù đã có nhiều chế tài răn đe, tuy nhiên, các đối tượng vẫn bất chấp, dùng mọi thủ đoạn tinh vi thể thực hiện in ấn và đưa ra thị trường những cuốn sách kém chất lượng.
Theo Luật sư Nguyễn Minh Thúy – Văn phòng Luật sư Vạn Bảo, Đoàn Luật sư Hà Nội để các quy định thực sự có hiệu quả, rất cần sự tham gia, bài trừ sách giả, sách lậu của người tiêu dùng.
Chưa có chế tài xử lý người tiêu dùng sách giáo khoa giả
Người Đưa Tin (NĐT): Thưa bà, hành vi in ấn, phát hành, buôn bán sách giáo khoa giả/lậu hiện nay được quy định và được xử lý ra sao?
Luật sư Nguyễn Minh Thúy: Đối với người in sách lậu không có sự cho phép của chủ sở hữu thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP, khoản 2 Điều 3 Nghị định 28/2017/NĐ-CP.
Các hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 35 triệu đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
Cùng với đó, buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.
Đối với cùng một hành vi vi phạm, khung phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần khung phạt tiền đối với cá nhân từ 30 triệu đồng đến 70 triệu đồng. Ngoài ra, các nhóm tổ chức buộc phải bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật đối với hành vi vi phạm trên.
Đặc biệt,hành vi này cũng có thế phải chịu trách nhiệm hình sự nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm. Theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì tội buôn bán hàng giả đối với cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 15 năm tùy mức độ, tính chất nguy hiểm cho xã hội.
Có thể bị bổ sung các hình phạt như cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Đối với pháp nhân thương mại, bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 9 tỷ đồng và có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài ra, bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.
NĐT: Vậy đối với người tiêu dùng, khi biết mặt hàng là sách giáo khoa giả/lậu nhưng vẫn thực hiện mua, sử dụng thì có vi phạm pháp luật không, thưa bà?
Luật sư Nguyễn Minh Thúy: Hiện nay, pháp luật Việt Nam vẫn chưa có quy định xử phạt những người tiêu dùng có hành vi sử dụng sách giả/sách lậu.
Đây được coi là một lỗ hổng trong quy định của pháp luật. Vì một trong những nguyên nhân vẫn còn tình trạng sách giả/sách lậu tràn lan trên thị trường là do yếu tố "có cầu ắt có cung", một số cá nhân có tính ham rẻ, muốn tiết kiệm chi phí, không coi trọng ý nghĩa của giá trị mà tác phẩm cũng như là tác giả của cuốn sách mang lại.
Đến thời điểm này, Nhà nước ta mới chỉ dừng lại ở việc khuyến khích người tiêu dùng hãy là người tiêu dùng thông minh, sử dụng, mua bán sách thật của các nhà xuất bản uy tín để cùng chung tay đẩy lùi sách giả, sách lậu.
NĐT: Theo bà, đâu là những khó khăn trong việc xử lý, phát hiện các hành vi in ấn, phát hành, buôn bán sách giáo khoa giả/lậu?
Luật sư Nguyễn Minh Thúy: Trong bối cảnh hiện nay, hành vi in ấn, phát hành, buôn bán sách giáo khoa giả/lậu hết sức phức tạp và biến đổi liên tục.
Trước sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ làm sách giáo khoa giả/lậu ngày càng tinh vi và gần như là giống với sách thật. Mọi công đoạn của việc in lậu, phát hành sách được tiến hành nhanh gọn, trong một quy trình khép kín.
Ngoài ra, địa điểm hoạt động của các cơ sở in lậu sách là những nơi hẻo lánh, ít dân cư qua nhằm tránh sự kiểm tra, phát hiện của các cơ quan chức năng, thậm chí trong nhà dân. Thời gian hoạt động của những nhóm đối tượng in ấn và phát hành sách lậu, sách giả là ngoài giờ hành chính, vào ban đêm hoặc vào những giờ các lực lượng chức năng nghỉ trưa, nhất là vào những dịp cuối tuần, ngày nghỉ lễ.
Cùng với đó, việc chuyên chở, giao nhận sách lậu thường được giao cho người thân, các đối tượng in lậu tự thực hiện hoặc thuê bao trọn gói. Khi lực lượng chuyên chở sách in lậu bị phát hiện, bắt giữ, họ chỉ nhận vai trò là người chở thuê và không hiểu rõ quy định và mức độ nghiêm trọng của hành vi.
Hiện nay, mạng lưới tiếp thị, tiêu thụ sách lậu có mặt ở khắp nơi, phổ biến là các nhà sách, cửa hàng sách, điểm bán sách, quầy sách, chiếu sách trên vỉa hè, trong công viên, trước cổng các trường đại học, các quán ăn. Sách lậu còn được đưa vào các cơ quan, các nhà sách tại các thành phố, thị trấn dưới hình thức ký gửi trừ chiết khấu cao.
Sử dụng sách giáo khoa tại địa chỉ uy tín
NĐT: Dưới góc độ pháp luật, cần có những biện pháp gì để bảo vệ bản quyền, chống sách giáo khoa giả/lậu?
Luật sư Nguyễn Minh Thúy: Theo tôi, chúng ta cần hoàn thiện khung pháp lý đầy đủ hơn theo hướng bổ sung những hành vi vi phạm quyền sở hữu đối với tác phẩm, hành vi in ấn sách giáo khoa giả, sách giáo khoa lậu mà chưa có sự đồng ý của tác giả.
Ở đây, cần định nghĩa rõ trong luật thế nào là sách giáo khoa giả, thế nào là sách giáo khoa lậu? Các hành vi như thế nào được coi là in ấn, phát hành, buôn bán sách giáo khoa giả, sách giáo khoa lậu?
Đặc biệt, với sự phát triển của công nghệ và mạng Internet như hiện nay thì hành vi "xuất bản sách trên không gian mạng" có được coi là hành vi xuất bản sách giả, sách lậu không? Tương ứng với những hành vi vi phạm nêu trên, cần có những chế tài xử lý cả về hành chính và trách nhiệm hình sự mang tính răn đe hơn hiện nay.
Bổ sung thêm quy định về người tiêu dùng, dù biết là sách giáo khoa giả/lậu nhưng vì ham rẻ, vô tình tiếp tay cho những đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, thì xử lý như thế nào?
Song song với đó, cần áp dụng các công nghệ mới để ngăn ngừa sách giáo dục giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ như mã vạch, QR code, tem chống giả đặc thù, tem công nghệ mới dán trên xuất bản phẩm để có quyền truy cập vào tài nguyên, dữ liệu online, ứng dụng nhận diện sách thật, sách giả.
NĐT: Về phía người tiêu dùng, chúng ta cần làm gì để nâng cao ý thức của họ trong việc sử dụng sách giáo khoa có bản quyền?
Luật sư Nguyễn Minh Thúy: Việc chú trọng tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về tác hại của sách giáo khoa giả, sách giáo khoa lậu thông qua các hội thảo, các triển lãm trưng bày, nhận diện sách thật, sách giả vẫn là những kênh vô cùng hữu hiệu.
Cũng cần khuyến cáo giáo viên, phụ huynh và học sinh tìm mua sách tại hệ thống phân phối chính thức của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, các công ty Sách - Thiết bị trường học địa phương, không mua sách từ các nguồn trôi nổi trên thị trường để tránh mua phải sách in lậu, sách giả.
Ở đây, không thể thiếu sự vào cuộc, hỗ trợ và đẩy mạnh truyền thông từ phía các cơ quan thông tấn, báo chí để nâng cao ý thức người tiêu dùng.
NĐT: Xin trân trọng cảm ơn sự chia sẻ của bà!
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là một trong những đơn vị bị chịu thiệt hại nặng nề bởi vấn nạn sách giả/lậu.
Theo nhà xuất bản từ năm 2010 đến nay đã có trên 41 triệu bản sách giáo dục và hơn 18 tấn bán thành phẩm sách giáo dục (in lậu dở dang) đã bị phát hiện và xử lý tại hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước.
Từ đầu năm 2024 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt giữ 15 vụ với 4,5 triệu cuốn sách các loại giả sản phẩm của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.