Tâm lý hoảng loạn bao trùm thị trường, VN-Index 'bốc hơi' gần 60 điểm
VN-Index thiếu vắng lực đỡ lao dốc không phanh và mất 59,64 điểm, rơi về ngưỡng 1.269 điểm, HNX-Index để tuột 20,07 điểm và về 323,39 điểm đồng thời UpCoM-Index giảm 5,38 điểm, xuống mức 96,5 điểm.
Phiên ngày 9/5, lực cung giá rẻ áp đảo thị trường ngay trong thời điểm mở cửa. Tâm lý bi quan bao trùm trong suốt thời gian giao dịch, VN-Index thiếu vắng lực đỡ lao dốc không phanh, mất 59,64 điểm và rơi về ngưỡng 1.269 điểm.
Bên cạnh đó, HNX-Index để tuột 20,07 điểm và về 323,39 điểm, UpCoM-Index giảm 5,38 điểm, xuống mức 96,5 điểm.
Sau đà giảm điểm từ đợt giao dịch buổi sáng, thị trường bước vào đợt giao dịch buổi chiều trong không khí ảm đạm. Trên bảng điện tử, lực cung giá sàn chất bán trên hàng trăm mã cổ phiếu.
Tất cả các nhóm ngành đều chìm trong sắc đỏ, trong đó nhóm tài chính giảm sâu nhất và mất 8,7% giá trị vốn hóa. Cùng với đó, các nhóm ngành khai khoáng, xây dựng, chứng khoán cũng rất thê thảm với mức giá trị vốn hóa đều bị triết khấu trên 7%.
Nhóm cổ phiếu trụ cột - ngành ngân hàng, ghi nhận 9 mã nện sàn với các đại diện như VPB, CTG, TCB, BID, STB, OCB… Chốt phiên, cả nhóm đã “bốc hơi” hơn 4,76% giá trị vốn hóa.
Diễn biến thị trường theo ngành trong phiên ngày 9/5:
Kết thúc ngày giao dịch, toàn thị trường ghi nhận 865 mã cổ phiếu giảm giá (trong đó 356 mã giảm sàn), 642 mã đứng giá tham chiếu và 98 tăng giá. Giá trị giao dịch trên 3 sàn đạt 24.694 tỷ đồng, khối lượng tương ứng 882 triệu chứng khoán.
Theo báo cáo cập nhật diễn biến dòng vốn đầu tư trong tháng Tư của Công ty chứng khoán SSI, dòng vốn ETF vào thị trường đã khởi sắc trở lại sau 2 tháng bị rút ròng, trong bối cảnh định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang trở nên hấp dẫn hơn sau khi giảm tới 9,9% tại tháng Tư.
Cụ thể, lực mua chủ yếu đến từ quỹ VFM VNDiamond (nhờ dòng vốn từ các nhà đầu tư Thái Lan) và quỹ Fubon với giá trị ròng lần lượt đạt 886 tỷ đồng và 953 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Quỹ VFM VN30 cũng đảo chiều mua ròng với giá trị 223 tỷ đồng. Tuy nhiên, các quỹ ETF ngoại, bao gồm VanEck và FTSE vẫn duy trì hoạt động rút vốn, bán ròng tương ứng 146 tỷ đồng và 308 tỷ đồng.
Như vậy, dòng vốn ETF đã bơm ròng vào thị trường trong tháng Tư lên tới 1.690 tỷ đồng và đây mức cao nhất trong vòng 9 tháng gần đây.
Ngoài ra, báo cáo của SSI cũng chỉ ra dòng tiền từ các quỹ chủ động cũng được cải thiện từ nửa cuối tháng Tư. Theo đó, các quỹ chủ động ghi nhận mức bán ròng 136 tỷ đồng trong tháng (chủ yếu trong nửa đầu tháng) và giá trị này thấp hơn nhiều so với tháng Ba (giá trị rút ròng 594 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng chuyển vị thế mua ròng trên thị trường chứng khoán trong tháng Tư với tổng giá trị là 4.020 tỷ đồng. Cụ thể, các nhà đầu tư nước ngoài tập trung giải ngân vào nhóm ngành cổ phiếu nhạy cảm với lãi suất (như ngân hàng) và hoặc ngành có lợi thế về dài hạn (như bán lẻ và bất động sản khu công nghiệp.)
Trên cơ sở đó, nhóm phân tích của SSI kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ quay trở lại Việt Nam trong năm 2022 với sự ổn định của tỷ giá cũng như định giá thị trường chứng khoán đã tương đối hấp dẫn cho đầu tư dài hạn (P/E ước tính năm 2022 hiện đạt chỉ ở mức 13 lần).
“Trên thực tế, nhờ sự ổn định của tỷ giá, Việt Nam đã thu hút nhiều sự chú ý từ các nhà đầu tư trong khu vực như Thái Lan, Đài Loan và Singapore,” báo cáo chỉ ra./.
Diễn biến VN-Index trong phiên ngày 9/5: