Tạm ngừng miễn thị thực công dân Hàn Quốc
Chính phủ quyết định tạm dừng áp dụng chính sách miễn thị thực đối với công dân Hàn Quốc từ 0 giờ ngày 29-2
Sáng 28-2, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã họp bàn giải pháp liên quan công tác kiểm soát người nhập cảnh, đặc biệt là công dân các nước có dịch đang lây lan mạnh trong cộng đồng đến Việt Nam và người Việt Nam từ các quốc gia có dịch về nước.
Cách ly y tế công dân Iran, Ý nhập cảnh Việt Nam
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cho biết chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, diễn biến trên thế giới rất phức tạp. Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan vào Việt Nam, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp.
Cuộc họp cũng đi đến thống nhất các địa phương tổ chức cách ly y tế 14 ngày đối với công dân Iran và Ý nhập cảnh vào Việt Nam. Đối với những chuyến bay từ vùng có dịch về nước cần tổ chức tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ ngay chân cầu thang máy bay, đưa về nơi cách ly; sau đó sàng lọc, phân loại để cách ly y tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tiếp tục kiểm soát chặt đường biên giới, người nhập cảnh; thực hiện các biện pháp ngăn chặn quyết liệt nhằm phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng dập dịch triệt để. Việc cách ly tập trung bảo đảm 2 nguyên tắc: Tuyệt đối an toàn về vệ sinh dịch tễ tại các khu cách ly tập trung; phân loại các trường hợp cách ly theo nguy cơ lây nhiễm khác nhau để có biện pháp phù hợp, không cứng nhắc.
Bộ Công an thông báo ngay cho các địa phương thông tin các trường hợp công dân Việt Nam về nước; đồng thời phối hợp các gia đình để xác định thông tin thân nhân, trên cơ sở đó có giải pháp sàng lọc, giám sát, thực hiện nghiêm các cam kết trong việc cách ly y tế, ngăn ngừa dịch bệnh. Đối với công dân Hàn Quốc vào Việt Nam làm việc, phải có doanh nghiệp, tổ chức xác nhận thông tin, ràng buộc trách nhiệm.
Cùng ngày, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 21/2020 về việc điều chỉnh tạm thời chính sách miễn thị thực, nhập cảnh đối với người nước ngoài đến từ nước có dịch bệnh Covid-19. Theo đó, tạm dừng chính sách miễn thị thực đơn phương, trước mắt đối với công dân Hàn Quốc áp dụng từ 00 giờ 00 phút ngày 29-2-2020. Đây là giải pháp Việt Nam áp dụng tạm thời để ngăn chặn dịch bệnh.
Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 vào ngày 27-2, nêu rõ: Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm giải pháp cách ly tập trung các hành khách đi từ vùng dịch vào Việt Nam.
Kết luận cũng nêu rõ: Công tác phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm nhưng nhiệm vụ thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh cũng cần phải được quan tâm chỉ đạo.
Muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm
Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (US CDC) về công tác phòng chống dịch.
Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam đã ra quyết định triển khai khai báo y tế đối với những người đến từ vùng có dịch, cao hơn khuyến nghị của WHO. Đây là dịch bệnh mới, nhiều diễn biến khó lường nên Việt Nam vừa làm vừa rút kinh nghiệm, điều chỉnh những điểm chưa hợp lý. Đến hiện tại, diễn biến dịch bệnh trên thế giới đã bước sang giai đoạn mới. Việt Nam đã dự tính một số biện pháp mới nên muốn nghe, tham khảo ý kiến của WHO, US CDC trước khi quyết định.
Chia sẻ các giải pháp kiểm soát ngăn chặn triệt để nguồn dịch từ bên ngoài vào, GS-TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết Việt Nam đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân trong phòng chống dịch bệnh (khác với trước đây việc phòng chống dịch bệnh do ngành y tế là chủ lực). Tất cả các bộ, ngành, địa phương đều quyết liệt vào cuộc theo sự chỉ đạo thống nhất từ trung ương. Việt Nam cũng thực hiện phát hiện, cách ly, điều trị theo phương châm "4 tại chỗ" và khoanh vùng dập dịch. Qua đó, tổ chức cách ly theo các vành đai chặt chẽ (cách ly tập trung, cách ly tại nhà…) để tránh lây nhiễm.
Ông Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, cho rằng việc kiểm soát Covid-19 lây lan trên toàn cầu là khó khăn, đồng thời bày tỏ cộng đồng quốc tế mong Việt Nam chia sẻ các bài học kinh nghiệm về tổ chức cách ly, ngăn ngừa, điều trị dịch bệnh.
"Việt Nam đã chuẩn bị tốt công tác này, các kịch bản ứng phó với mọi tình huống. Đồng thời chia sẻ thông tin một cách minh bạch, đặc biệt là công tác cách ly, khoanh vùng, điều trị, để phối hợp cùng với các nước trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên quy mô toàn cầu" - đại diện WHO ghi nhận.
Đại diện US CDC nhìn nhận Chính phủ Việt Nam đã hành động rất nhanh, rất kiên quyết, hiệu quả; mong muốn Việt Nam tiếp tục chia sẻ thông tin, kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh Covid-19 với quốc tế; chia sẻ thông tin về bản đồ gien của virus gây bệnh ở Việt Nam. Đồng thời, đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện mạnh mẽ các biện pháp để kiểm soát rủi ro và khẳng định sẽ tiếp tục cộng tác chặt chẽ với Việt Nam trong ứng phó dịch bệnh.
Không chủ quan
Nói về việc US CDC quyết định đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các điểm đến có khả năng lây lan virus gây bệnh Covid-19 ra cộng đồng, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế), cho rằng CDC Mỹ đánh giá Việt Nam minh bạch thông tin trong phòng chống dịch Covid-19, đồng thời đánh giá cao công tác đáp ứng liên ngành của Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh.
Cùng ngày, cơ quan chức năng cho biết ông Đường Hồng, Giám đốc dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (tổng thầu Trung Quốc), vừa sang Việt Nam và đang được cách ly 14 ngày để phòng dịch Covid-19. Hiện phía tổng thầu Trung Quốc mới chỉ ông Hồng có mặt tại Việt Nam vì có hộ chiếu công vụ nên được cấp visa vào Việt Nam. Những chuyên gia khác chỉ có hộ chiếu phổ thông nên chưa thể trở lại làm việc. Đến ngày 9-3, ông Hồng hết thời hạn cách ly và có thể làm việc.
Công an TP Đà Nẵng cũng cho biết 12 cán bộ, chiến sĩ Công an phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cùng 2 cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Đà Nẵng đang được theo dõi sức khỏe, cách ly và hiện sức khỏe của các cán bộ này hoàn toàn bình thường. Trước đó, Công an phường Nại Hiên Đông cử 2 cán bộ xuống một cơ sở spa nắm thông tin về khách Hàn Quốc đến đây. Khi làm việc với chủ cơ sở spa, 2 cán bộ công an có "kéo khẩu trang xuống" sau đó thì về ăn trưa cùng 10 đồng nghiệp trong đơn vị. Trong 2 vị khách Hàn Quốc, 1 người đã xuất cảnh về Seoul, người còn lại sức khỏe bình thường. Sở dĩ đưa hai cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự đi cách ly là do thời gian trên có làm việc trực tiếp tại Công an phường Nại Hiên Đông.
Theo Sở Y tế Khánh Hòa, từ ngày 9-1 đến ngày 28-2, Khánh Hòa cách ly 130 trường hợp, chỉ có 1 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính (đã ra viện từ ngày 4-2), 99 trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính.
80% ca bệnh ở thể nhẹ
Bộ Y tế cho biết theo báo cáo tổng quan về bệnh Covid-19 của WHO ngày 28-2, trong tổng số hơn 83.000 ca mắc Covid-19 trên thế giới đến nay, diễn biến lâm sàng điển hình có đến 80% là ca bệnh nhẹ, hồi phục sau 7 ngày khởi phát. Các ca nặng dẫn đến viêm phổi thì sau 7 ngày khởi phát thường dẫn đến khó thở phải điều trị tại cơ sở y tế. Một số ca phục hồi nhưng một số ca cần phải hồi sức tích cực. Về lứa tuổi mắc, nhóm chiếm tỉ lệ mắc cao nhất là 60-69 tuổi (chiếm 26,5%); 50-59 tuổi (22%); 40-49 tuổi (15,6%)…; nhóm 0-19 tuổi chỉ chiếm 0,4%. WHO cũng khuyến cáo các nước cần tiếp tục nỗ lực ngăn chặn sự lây lan cũng như cần chuẩn bị cho khả năng dịch lây lan rộng hơn. Ngoài sự lây truyền rõ ràng, theo WHO, đã có các hình thức chưa rõ ràng về chuỗi lây truyền có thể đã xảy ra. Đây là thách thức lớn.
Hà Nội và nhiều địa phương cho học sinh từ tiểu học đến THCS nghỉ đến ngày 8-3
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chiều 28-2 quyết định cho học sinh Hà Nội từ mầm non đến THPT tiếp tục nghỉ học đến hết 8-3. Cùng ngày, UBND tỉnh Quảng Trị có văn bản về việc cho học sinh trở lại trường tiếp tục học tập sau thời gian nghỉ học để ứng phó với dịch Covid-19. Theo đó, học sinh THPT và học viên các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên đi học trở lại vào ngày 3-3. Riêng trẻ mầm non, học sinh tiểu học và THCS tiếp tục nghỉ học đến hết ngày 8-3. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp Sở Y tế tỉnh căn cứ tình hình dịch bệnh báo cáo chủ tịch UBND tỉnh và chủ động quyết định thời gian cho học sinh mầm non, tiểu học và THCS đi học trở lại.
UBND TP Đà Nẵng cũng thống nhất cho trẻ mầm non, học sinh từ lớp 1 tới lớp 11 tiếp tục nghỉ học đến ngày 8-3. Riêng học sinh lớp 12 đi học lại từ ngày 2-3. ĐH Đà Nẵng cũng thông báo cho sinh viên, học viên của các trường thành viên tiếp tục nghỉ học đến ngày 8-3.
UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép học sinh THPT đi học trở lại từ ngày 3-3, các cấp học còn lại tiếp tục nghỉ học đến ngày 15-3. Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa thông báo cho học sinh THPT, học viên giáo dục thường xuyên đi học trở lại từ ngày 2-3. Trẻ em mầm non, học sinh tiểu học, học sinh THCS tiếp tục nghỉ học cho đến khi có thông báo tiếp.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/tam-ngung-mien-thi-thuc-cong-dan-han-quoc-20200228223747431.htm