Tâm nguyện ngày khai trường
PTĐT - Hôm nay, mùng 5-9, học sinh cả nước náo nức trong niềm vui khai giảng năm học mới 2019-2020. Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi thư cho các thầy giáo, cô giáo, các cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục, các bậc phụ huynh, các em học sinh, sinh viên.
Trong thư, người đứng đầu Đảng, Nhà nước nhấn mạnh: “Tôi mong các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tâm huyết với nghề, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp “trồng người”, mong các em học sinh, sinh viên tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học “tôn sư trọng đạo” của dân tộc, noi theo các thế hệ cha anh đi trước, phấn đấu học tập tốt, rèn luyện tốt để sau này trở thành những người vừa “hồng” vừa “chuyên” như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.Mùa khai trường năm nay đúng vào dịp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2-9 và 50 năm thực hiện Di chúc của Hồ Chủ tịch. Các thế hệ học sinh Việt Nam luôn khắc sâu trong tâm khảm những lời nhắn nhủ sâu nặng ân tình của Bác trong thư gửi học sinh nhân ngày khai giảng đầu tiên (5-9-1945) khi nước nhà giành được độc lập, tự do sau bao năm trường nô lệ: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.Giáo dục đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với một quốc gia, dân tộc. Chúng ta tự hào với những thành tích quan trọng mà ngành giáo dục đạt được trong thời gian qua nhưng cũng băn khoăn, nghi ngại với những tiêu cực trong thi cử, những hành vi “lệch chuẩn”, “phản giáo dục” của không ít “con sâu” trong ngành xuất hiện tại một số địa phương, đơn vị. Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI của Đảng đã chỉ rõ: “Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp”. Đặc biệt gần đây một số ít nhà giáo đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức, làm ảnh hưởng không nhỏ đến danh dự và uy tín của nghề dạy học, gây ảnh hưởng đến dư luận xã hội, giảm sút niềm tin của nhân dân đối với đội ngũ nhà giáo. Do vậy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả sự nghiệp “trồng người”, đào tạo cho xã hội những người vừa “hồng” vừa “chuyên” như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và mong muốn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, việc cốt yếu đầu tiên là những nhà lãnh đạo, quản lý, cán bộ, đảng viên trong ngành giáo dục cần nêu cao vai trò, trách nhiệm, đạo đức cách mạng trong thực hiện trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; tâm huyết, yêu nghề, yêu người, tích cực xây dựng lập trường, bản lĩnh, định hướng chính trị; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Chất lượng giáo dục là kết quả của công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Vậy nên để có những người vừa “hồng” vừa “chuyên”, kế tục sự nghiệp cách mạng thì cùng với ngành giáo dục, mỗi cá nhân, gia đình, địa phương, cơ quan, đơn vị đều phải chung vai góp sức, cộng đồng trách nhiệm. Trong đó, vai trò tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức cơ sở Đảng phải được khẳng định, tăng cường...
Vũ Thanh