Tầm nhìn đối ngoại của bà Harris nếu đắc cử: Sẽ là 'nhiệm kỳ Biden thứ 2'?

Với việc chính trường Mỹ và trật tự quốc tế đã có nhiều xáo động trong những năm qua, một nước Mỹ của Phó Tổng thống Kamala Harris nếu bà đắc cử sẽ mong muốn hạn chế làm phức tạp thêm tình hình.

Sau khi Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden quyết định dừng tranh cử, Phó Tổng thống Kamala Harris đang trở thành cái tên thay thế sáng giá của đảng Dân chủ. Vẫn còn sớm để bình luận về khả năng đắc cử của bà Harris vào tháng 11 tới, nhưng nếu kịch bản trên diễn ra, chính sách đối ngoại Mỹ nhiều khả năng sẽ không có quá nhiều biến động.

Lựa chọn khả thi nhất của Dân chủ

Một viễn cảnh lịch sử đang chờ đợi đương kim Phó Tổng thống Harris, khi bà có thể là phụ nữ da màu, gốc Nam Á đầu tiên trở thành ứng cử viên tổng thống. Trái ngược với ông Biden, bà Harris (59 tuổi) thể hiện hình ảnh một chính trị gia trẻ trung, đầy năng lượng và nhận được nhiều ủng hộ từ người dân, nhất là các cử tri trẻ tuổi.

Sau khi tuyên bố ra tranh cử, bà Harris nhanh chóng giành được ủng hộ từ giới lãnh đạo các tổ chức chính trị đại diện cho các nhóm cử tri da màu, gốc Á, gốc Latinh và gốc Tây Ban Nha.

 Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Ảnh: REUTERS

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Ảnh: REUTERS

Bà Harris tỏ ra là một đối thủ mang lại nhiều “cân bằng” hơn trong cuộc tranh cử. Nữ phó tổng thống trẻ hơn cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump gần 20 tuổi, và là một cựu công tố viên có hiểu biết về luật, cũng như có kỹ năng tranh luận sắc bén để nhắm vào những bê bối pháp lý đã và đang đeo bám cựu tổng thống.

Tối 30-7 (giờ địa phương), Ủy ban toàn quốc đảng Dân chủ thông báo bà Harris là ứng cử viên duy nhất đủ điều kiện cho cuộc bỏ phiếu trực tuyến để đề cử ứng viên tổng thống của đảng, theo tờ Politico. Cuộc bỏ phiếu sẽ bắt đầu vào ngày 1-8 và kết thúc vào ngày 5-8.

Để nhận được đề cử của đảng, Phó Tổng thống Harris cần giành được số phiếu của ít nhất 1.968 đại biểu/4000 đại biểu. Phó Tổng thống Harris đã giành được sự ủng hộ từ 3.923 đại biểu, và gần như chắc suất đại diện đảng ra tranh cử tổng thống.

Trước mắt, vẫn còn sớm để đoán định bất kỳ điều gì bởi đặc tính khó lường của chính trị Mỹ. Nhưng trong bối cảnh thời gian đến cuộc bầu cử chính thức vào tháng 11 chỉ còn được tính bằng ngày, đảng Dân chủ chắc chắn không muốn có thêm bất kỳ hỗn loạn nào.

Nhà báo kỳ cựu Edward Luce đã viết trên tờ Financial Times rằng các ứng viên tiềm năng khác của đảng Dân sẽ gặp nhiều rủi ro nếu “ngáng đường” Phó Tổng thống Harris, và sẽ ủng hộ bà để tránh gây thêm chia rẽ. Theo Politico, 3 ứng viên khác đã nộp hồ sơ lên Ủy ban toàn quốc đảng Dân chủ nhưng họ không thu thập được 300 chữ ký của đại biểu cần thiết để bước vào cuộc bỏ phiếu trực tuyến.

Cố vấn cấp cao nhóm ông Trump - ông Tony Fabrizio cho biết chiến dịch tranh cử “đã sẵn sàng 100%” để đối đầu với bà Harris. Việc “thay đổi tầm ngắm” nhanh chóng của đảng Cộng hòa càng củng cố thêm cho kịch bản bà Harris trở thành đối thủ chính thức của ông Trump.

Bình cũ rượu mới

Theo nhiều chuyên gia, nếu đắc cử, chính quyền của bà Harris về cơ bản có thể là một “nhiệm kỳ thứ hai của ông Biden” trên lĩnh vực đối ngoại. Theo đó, Phó Tổng thống Harris có thể sẽ tiếp tục duy trì chính sách của Tổng thống Biden về các vấn đề quan trọng như cuộc chiến ở Ukraine, quan hệ với Trung Quốc và có thể cứng rắn hơn với Israel nếu cuộc chiến ở Gaza kéo dài.

 Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Mỹ hôm 25-7. Ảnh: REUTERS

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Mỹ hôm 25-7. Ảnh: REUTERS

So với ông Biden, người có sự nghiệp chính trị kéo dài năm thập niên và mạng lưới các mối quan hệ cá nhân sâu rộng với nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài, bà Harris dành phần lớn sự nghiệp làm viên chức thực thi pháp luật, có ít kinh nghiệm về chính sách đối ngoại hơn nhiều so với đương kim tổng thống.

Theo ông Jim Townsend - cựu quan chức Lầu Năm Góc, thực tế này khiến bà sẽ phụ thuộc vào các cố vấn của mình, phần lớn là những người có lối tiếp cận truyền thống. Cùng quan điểm, ông Aaron David Miller - cựu chuyên gia đàm phán Trung Đông - cho biết nếu bà Harris đắc cử, khó có bất kỳ sự thay đổi lớn nào ngay lập tức về bản chất chính sách đối ngoại của ông Biden.

Cứng rắn với Israel

Đối với vấn đề Israel, với tư cách là phó tổng thống, bà Harris đã bày tỏ rằng chính quyền ông Biden cần phải có lập trường cứng rắn hơn đối với Thủ tướng Israel. Bà Harris từng nhiều lần chỉ trích “cách thức tự vệ” của Israel sau cuộc tấn công của Hamas vào tháng 10-2023. Vào tháng 3, bà Harris tuyên bố rằng Tel Aviv đã không làm đủ để giảm bớt “thảm họa nhân đạo” trong cuộc tấn công trên bộ vào Dải Gaza.

Các nhà phân tích cho biết ngôn ngữ như vậy làm dấy lên khả năng bà Harris, nếu đắc cử, có thể sẽ có lập trường cứng rắn hơn với Israel so với người tiền nhiệm Biden. Trong khi Tổng thống Biden có mối quan hệ lâu dài với các nhà lãnh đạo Israel thì bà Harris lại không có nhiều mối liên hệ cá nhân sâu sắc với đất nước này.

Theo ông Josh Paul - cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, chính sách đối với Israel có thể là thứ giúp bà Harris phân biệt mình với Tổng thống Biden. Trong khi đó, một số học giả khác ít lạc quan hơn, như GS Abdullah al-Arian tại ĐH Georgetown (Mỹ), khi ông cho biết cách tiếp cận của bà Harris đối với Israel và cuộc chiến ở Gaza sẽ có ít thay đổi so với ông Biden.

Những chỉ dấu trên cho thấy giới quan sát còn phải chờ thêm các phiên tranh biện tổng thống sắp tới để nắm được chính sách với Israel của bà Harris sẽ mang hình hài như thế nào.

Vững vàng với Ukraine

Hợp tác xuyên Đại Tây Dương trong việc hỗ trợ Ukraine có thể sẽ là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của chính quyền bà Harris (nếu bà đắc cử), vốn sẽ không thay đổi nhiều so với ông Biden. Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich vào tháng 2 năm nay, Phó Tổng thống Harris cho biết Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đóng vai trò trung tâm trong cách tiếp cận của Mỹ đối với an ninh toàn cầu và Mỹ sẽ không bao giờ lùi bước trong các cam kết của mình với liên minh này.

“NATO là liên minh quân sự vĩ đại nhất mà thế giới từng biết. [...] Và tôi tin chắc rằng cam kết của chúng ta trong việc xây dựng và duy trì các liên minh đã giúp nước Mỹ trở thành quốc gia hùng mạnh và thịnh vượng nhất thế giới" - bà Harris nhấn mạnh.

 Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 6 tại Thụy Sỹ. Ảnh: REUTERS

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 6 tại Thụy Sỹ. Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, giống như ông Biden, bà Harris cũng ủng hộ mạnh mẽ cuộc chiến của Ukraine chống lại “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga. Phó Tổng thống Harris cho biết rằng Ukraine có thể tiếp tục trông cậy vào sự hỗ trợ từ Mỹ khi cuộc chiến kéo dài, và cũng trong Hội nghị Munich, bà Harris đã nhắc lại lời cam kết của chính quyền Biden về việc hỗ trợ Ukraine “cho đến chừng nào còn cần thiết”.

Đối với châu Á

Ở châu Á, lập trường cứng rắn với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, nhất là ở những điểm nóng như Đài Loan hay Biển Đông, được dự đoán vẫn sẽ không đổi. Phó Tổng thống Harris có nhiều khả năng sẽ duy trì sự tham gia lâu dài của Mỹ tại châu Á, nhấn mạnh việc đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương “tự do và rộng mở” và “tự do hàng hải” ở Biển Đông.

Theo Murray Hiebert, cộng sự cấp cao của Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS - Mỹ), cho biết: “Bà Harris đã chứng minh với khu vực rằng bà rất quyết tâm thúc đẩy trọng tâm chính sách của ông Biden ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”

Nhìn chung, còn sớm để khẳng định cương lĩnh tranh cử của Phó Tổng thống Harris sẽ là gì nếu bà giành được vị trí ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, nhất là trên phương diện chính sách đối ngoại. Nhưng với việc chính trường Mỹ và trật tự quốc tế đã có nhiều xáo động trong những năm qua, một nước Mỹ của bà Harris sẽ mong muốn hạn chế làm phức tạp thêm tình hình.

TS. NGUYỄN TĂNG NGHỊ & QUỐC ANH (Nhóm Nghiên cứu Khoa QHQT, trường ĐHKHXH&NV TPHCM)

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/tam-nhin-doi-ngoai-cua-ba-harris-neu-dac-cu-se-la-nhiem-ky-biden-thu-2-post803110.html