Tầm nhìn Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi kinh tế xanh bền vững
Ngày 22/11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo 'Tầm nhìn xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình' do Café F thuộc Công ty Cổ phần VCCorp tổ chức, với sự góp mặt đại diện Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, lãnh đạo các ngân hàng thương mại, chuyên gia cùng các tập đoàn trong và ngoài nước.
Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết hướng tới phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Bên cạnh đó, để có thể hoàn thành nhanh hơn mục tiêu dài hạn về phát triển bền vững và trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước có thu nhập cao vào năm 2045, đảm bảo mọi người có cuộc sống chất lượng cả về vật chất và tinh thần, lựa chọn phục hồi xanh là sự tất yếu.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Công Thịnh – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng chia sẻ về Hiện trạng phát triển công trình xanh, tiêu thụ năng lượng và phát thải khí nhà kính trong ngành Xây dựng, Ngành Xây dựng là ngành kinh tế có đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia. Theo báo cáo, đóng góp trung bình của ngành Xây dựng và bất động sản vào GDP các năm gần đây chiếm khoảng 11% tổng thu ngân sách. Mặc dù tốc độ tăng trưởng lĩnh vực xây dựng và bất động sản có chậm lại trong năm 2022 và đầu năm 2023 nhưng xây dựng và bất động sản vẫn là ngành kinh tế quan trọng đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng giá trị của nền kinh tế. Về tỷ lệ đô thị hóa, đến cuối năm 2022, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đạt 41,7%, tăng 1,2% so với năm 2021 và cả nước hiện đã có khoảng 890 đô thị.
Quá trình tăng trưởng nhanh của lĩnh vực xây dựng, bất động sản và phát triển đô thị làm thay đổi bộ mặt đô thị và nông thôn, góp phần đáp ứng nhu cầu nhà ở, phát triển kinh tế xã hội, phát triển các ngành du lịch, dịch vụ, kích cầu tiêu dùng của xã hội. Cùng với các kết quả mang lại về tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa, chúng ta cũng đang gặp phải những rào cản, những áp lực và mặt trái của quá trình phát triển. Đó là các áp lực về gia tăng dân số, về suy thoái, ô nhiễm môi trường, về cạn kiệt tài nguyên, về thiếu hụt nguồn cung năng lượng.
Theo tài liệu nghiên cứu, các công trình xây dựng trên thế giới phát thải khoảng gần 40% tổng lượng khí thải các bon, trong đó lượng các bon vận hành công trình chiếm khoảng 28% và hơn 11% phát thải đến từ các bon hàm chứa từ quá trình sản xuất vật liệu xây dựng và quá trình thi công xây dựng công trình. Ở Việt Nam, theo số liệu báo cáo của chuyên gia Eurocham tại Diễn đàn kinh tế xanh 2023, các công trình xây dựng chiếm 39% năng lượng tiêu thụ, 12% lượng nước tiêu thụ, phát thải khoảng 38% lượng khí thải các bon.
Hiện có 4 hệ thống đánh giá, chứng nhận công trình xanh phổ biến ở Việt Nam đó là Lotus (của Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam), Edge (của Tổ chức Tài chính quốc tế thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới, IFC-WB), LEED (của Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ) và Greenmark (của Singapore). Theo số liệu báo cáo, tính đến hết quý III năm 2023, số lượng công trình xanh ở Việt Nam là 305 công trình với tổng diện tích sàn xây dựng được chứng nhận gần 7,5 triệu mét vuông.
Nếu so sánh con số hàng năm trên 100 triệu m2 sàn cho diện ích nhà ở và văn phòng, số lượng công trình xanh trong 15 năm qua quá nhỏ. Tiềm năng phát triển trong lĩnh vực này còn rất lớn. Câu chuyện xanh hay không xanh cần dựa vào các chỉ số tiêu chí, đơn cử như phát thải bao nhiêu trên một sản phẩm, tổng tiêu thụ năng lượng,…
Trong phần trình bày tham luận với chủ đề “Chuyển đổi xanh ngành Xây dựng, nhìn từ góc độ thúc đẩy phát triển công trình xanh”, ông Nguyễn Công Thịnh cho biết, thực tế, ngành Xây dựng có nhiều khâu bao gồm cả hỗ trợ sản xuất vật liệu xây dựng, từ đó tạo nên các công trình xây dựng, chúng tôi quan điểm không đánh đổi môi trường trong xây dựng".
Trong nền kinh tế tuần hoàn, chất thải của lĩnh vực này có thể đưa vào đầu vào lĩnh vực khác. Chất thải của ngành Xây dựng có thể chất cao như núi, sau khi có Đề án 452 của Thủ tướng, ngành Xây dựng là ngành ngốn nhiều chất thải của ngành khác, ví dụ ngành Xi măng dùng tới 50-60% chất thải của lĩnh vực khác, đó là 1 trong những câu chuyện của chuyển đổi xanh.
"Nếu chúng ta cứ để tự nhiên thì tác động môi trường rất ít, chúng ta phải phát triển kinh tế đi kèm với bảo vệ môi trường. Theo đó, thứ nhất, chúng ta phải cân bằng phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Thứ hai, tăng đầu vào sử dụng chất thải công nghiệp, giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên. Thứ ba, sử dụng các nguồn tài nguyên hiệu quả" - Ông Thịnh nói.
Ở khía cạnh cấp giấy phép công trình, Bộ Xây dựng đưa ra tiêu chuẩn thiết bị công trình theo tiêu chuẩn xanh. Trong các công trình, các thiết bị có vai trò rất quan trọng. Trong năm 2022, Bộ Xây dựng đã ban hành tiêu chuẩn chất lượng thi công nhà.
Hiện nay, Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các công trình xanh cần kiểm soát các tiêu chuẩn chất lượng thi công nhà. Tiếp cận một công trình không chỉ là mảng xanh mà còn là nhiều câu chuyện khác như câu chuyện tái sử dụng, đồng thời nhiều công nghệ trong xây dựng sẽ được áp dụng nhiều hơn. Một công trình sẽ là một tế bào của xây dựng, Bộ Xây dựng cũng đang xây dựng Bộ tiêu chí về đô thị tăng trưởng xanh, bộ tiêu chí này sẽ có các con số cụ thể để mỗi họ gia đình hay mỗi tòa nhà đều tuân thủ tăng trưởng xanh.
Theo ông Hùng, NET ZERO là thách thức rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế. Theo kịch bản thông thường, tổng phát thải của Việt Nam đến năm 2030 dự kiến là 932 triệu tấn, trong đó ngành Năng lượng chiếm 680 triệu tấn. Do đó, để đạt được mục tiêu Net Zero là thách thức rất lớn. Theo Quy hoạch điện 8 được công bố vừa qua, lượng phát thải đến năm 2030 còn có thể 250 triệu tấn.
Song hành với thách thức vẫn có cơ hội, trong quá trình chuyển đổi có hai cách chuyển dịch cơ cấu tăng cường năng lượng tái tạo, sử dụng nguyên liệu sạch hơn, thay thế dần các nguyên liệu cho tầm nhìn 2025. Tầm nhìn năm 2030, tỷ lệ năng lượng tái tạo cao, điều này vừa là thách thức và cơ hội.
Lĩnh vực điện gió, mặt trời có thể thu hút nhà đầu tư tiềm năng, tạo điều kiện ngân hàng tài trợ vốn khi xu hướng vốn xanh rất quan trọng trong ngành Tài chính. Hiện tại, thế giới rất ưa chuộng nguồn vốn xanh, tài chính xanh và đây sẽ là tiêu chí cạnh tranh giữa các ngân hàng trong thời gian tới.
Về giải pháp về phía người sử dụng và doanh nghiệp, điều quan trọng là giảm bớt nhu cầu và đảm bảo tiêu chí xanh. Hiện, một số nước đã sản xuất và sử dụng nguồn nguyên liệu xanh và thương mại hóa không còn xa. Đây là tín hiệu cho thấy Net zero khả thi.
Phát biểu tại Hội thảo trong lĩnh vực ngân hàng, ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc HDBank cho rằng, tầm nhìn xanh đang là mối quan tâm của toàn cộng đồng. Nhưng phát triển xanh ở Việt Nam đang có hai thách thức lớn.
Với HDBank, chúng tôi đã sớm xây dựng và triển khai chiến lược chuyển đổi xanh toàn diện và phát triển bền vững. HDBank là một trong những ngân hàng thương mại tiên phong tích hợp, thực thi ESG trong hoạt động kinh doanh.
Chúng tôi đã làm việc với IFC, Proparco, ADB để thúc đẩy nguồn vốn tín dụng xanh và đạt kết quả tích cực. Chúng tôi cũng xây dựng quy trình quy chế ESG vào quy trình rủi ro tín dụng, thành lập bộ phận chuyên trách về ESG và tổ chức thi đua về xanh hóa để nhân viên HDBank hiểu và tham gia.
Riêng HDBank đã tài trợ nhiều dự án năng lượng tái tạo. Trong đó, đã dành hạn mức gần 8.000 tỷ đồng cho các dự án điện mặt trời (Solar farm), hơn 6.100 tỷ đồng cho các dự án điện mặt trời trên mái nhà, ngoài ra còn có 750 tỷ đồng cho dự án điện gió. Tổng số lượng dự án năng lượng tái tạo mà HDBank đã tài trợ lên tới 625 dự án.
Hành động thiết thực trong việc chuyển đổi xanh được thể hiện qua phần trình bày của ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc GSM, GSM đã mang đến việc làm và cơ hội phát triển, chuyển đổi xanh cho hơn 20.000 tài xế taxi và xe máy điện. Chúng tôi đã có mặt tại 2 quốc gia, Việt Nam và Lào. Theo tính toán dự theo nghiên cứu của EPA, với 70 triệu km xanh di chuyển trong vòng 7 tháng, sẽ tương đương với giảm thải 13,4 triệu kg C02, tương đương hơn 600.000 cây xanh được trồng.
Sau 7 tháng thành lập, chúng tôi đã hợp tác với nhiều tổ chức đang vận hành cho thuê xe điện. Họ đang từng bước chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện. Chúng tôi cũng hợp tác với ngân hàng để chuyển đổi không chỉ cho GSM mà còn đối tác của GSM. Bài toán của GSM không chỉ ở Việt Nam mà còn ra khu vực. Chúng tôi dự kiến năm sau vận hành 1.000 xe điện tại Lào. Năm sau mở rộng ra 5 khu vực trên thế giới.
Ông Nguyễn Đăng Ngọc, Phó Tổng Giám đốc VCCORP cho biết: NET ZERO đã trở thành một mục tiêu truyền cảm hứng rất lớn, khi tham vấn TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng về mục tiêu xanh mà cả nền kinh tế đang hướng tới, chúng tôi cũng đặt những câu hỏi về tính khó khả thi của mục tiêu cùng những thách thức, nhưng TS. Trần Đình Thiên khẳng định: “Đất nước cần những thách thức như NET ZERO 2050 để huy động trí tuệ của cả dân tộc cùng vào cuộc!”.
Đó cũng là lý do mà Café F – một thành viên của VCCorp, tổ chức Hội thảo “Tầm nhìn xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình”. Chúng tôi mong muốn các quý vị tới tham dự Hội thảo ngày hôm nay có thể tìm thấy một thông tin, bài học nào đó hữu ích cho cá nhân hoặc tổ chức mà mình đang làm việc từ các bài tham luận, phần thảo luận của các diễn giả. Chúng tôi cũng mong muốn những bài học, điển hình được chia sẻ ở hội thảo này có thể được lan tỏa, phát triển, góp một phần nhỏ vào việc thực hiện mục tiêu NET ZERO 2050.