Tầm nhìn xa cho phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Bắc
Phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ luôn là mục tiêu được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm và quán triệt thực hiện trong suốt thời gian dài qua. Đã có nhiều chuyển biến tích cực trong triển khai chính sách phát triển ở khu vực này nhưng cũng vẫn còn không ít tồn tại cần khắc phục để những vùng đất 'phên dậu' của Tổ quốc thu hẹp khoảng cách phát triển với các tỉnh, thành trên cả nước trong thời kỳ hội nhập.
Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận 26-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2022 là “kim chỉ nam” cho quá trình triển khai những chính sách về kinh tế - xã hội đối với khu vực này.
Những điểm sáng tăng trưởng
Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết, các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của vùng. Một số địa phương đã có sự phát triển bứt phá, tạo nên những điểm sáng trong vùng và cả nước về tăng trưởng; về phát triển ngành công nghiệp, nhất là những ngành công nghiệp mới như điện, điện tử; về phát triển nông nghiệp, nhất là trồng cây ăn quả và lâm nghiệp; về thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài.
Chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Quy mô của nền kinh tế được mở rộng; GRDP bình quân đầu người đạt mức vượt mục tiêu đặt ra.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó thủy điện, kinh tế cửa khẩu và du lịch đang trở thành những ngành kinh tế quan trọng; cơ cấu lao động chuyển dịch tương đối nhanh. Hầu hết các dự án công nghiệp trọng điểm theo Nghị quyết 37-NQ/TW và Chương trình hành động của Chính phủ đã được triển khai, đi vào hoạt động. Nông nghiệp vùng phát triển khá toàn diện và đang chuyển dịch theo hướng thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; chương trình nông thôn mới đạt nhiều kết quả. Các ngành dịch vụ phát triển nhanh; xuất khẩu tăng mạnh, vượt xa mục tiêu Nghị quyết.
Bên cạnh đó, thu ngân sách tăng nhanh; tỷ lệ hỗ trợ cân đối ngân sách địa phương giảm dần. Các khu vực kinh tế phát triển đa dạng. Các chỉ số về quản trị địa phương có nhiều cải thiện.
Phát triển văn hóa, xã hội; giáo dục và đào tạo; công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số đạt được nhiều tiến bộ; hoạt động nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh, từng bước ứng dụng cho phát triển vùng. Bố trí ổn định dân cư các xã biên giới được quan tâm. Công tác tôn giáo, dân tộc và chính sách xã hội, chính sách đối với người có công được thực hiện tốt.
Phát triển kinh tế - xã hội được kết hợp chặt chẽ với tăng cường quốc phòng, an ninh..
Có thể khẳng định, những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng trong 17 năm qua đã cho thấy Nghị quyết 37-NQ/TW thực sự đi vào cuộc sống.
Nút thắt chưa được hóa giải
Dù vậy, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, tiềm năng, lợi thế của vùng vẫn chưa được khai thác hợp lý, phát huy hiệu quả để trở thành nguồn nội lực quan trọng trong quá trình phát triển. Trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là “vũng trũng” trong phát triển và là “lõi nghèo” của cả nước.
Dễ dàng nhận thấy, phát triển kinh tế vùng vẫn còn là “phép cộng cơ học của các địa phương, chưa mang dấu ấn vùng”. Quy mô kinh tế còn khá nhỏ, đứng thứ 5 trong số các vùng kinh tế; Tăng trưởng chưa thực sự bền vững, chất lượng tăng trưởng chưa cao; Phát triển của các địa phương trong vùng có xu hướng phân hóa mạnh. Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch chậm, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các sản phẩm chưa cao.
Bên cạnh đó, có một số dự án công nghiệp chậm tiến độ, hiệu quả kém, thậm chí thua lỗ. Tỷ lệ lấp đầy ở nhiều khu công nghiệp và cụm công nghiệp còn thấp. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp và đổi mới mô hình sản xuất còn chậm, hiệu quả thấp. Du lịch phát triển chưa bền vững.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng khá nhưng chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước. Số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trong vùng thấp; đa phần là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Kết quả hợp tác, liên kết nội vùng, với các địa phương ngoài vùng và với các tỉnh của Lào và Trung Quốc còn khá khiêm tốn.
Phát triển văn hóa - xã hội còn nhiều bất cập. Chất lượng giáo dục, đào tạo ở một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc ứng dụng khoa học và công nghệ cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng còn nhiều hạn chế. Thu nhập bình quân đầu người thấp. Ở một số địa phương, tỷ lệ số hộ dân được được sử dụng điện còn thấp hơn mức trung bình cả nước. Tỷ lệ khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Cần có những chính sách đột phá
Trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ lại là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội; môi trường sinh thái; quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, vì vậy để đáp ứng yêu cầu và phù hợp với tình hình trong nước và thực tiễn khách quan, việc cần có những chủ trương, chính sách và tầm nhìn xa hơn để phát triển nhanh và bền vững vùng; từng bước thu hẹp trình độ phát triển và mức sống của người dân trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ so với các vùng khác trong cả nước là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa không chỉ về kinh tế - xã hội mà trước hết là về chính trị; quốc phòng, an ninh và đối ngoại của các địa phương trong vùng và cả nước.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Chính trị giao cho Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan Thường trực tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW. Quá trình Tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị được thực hiện trong 02 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, thực hiện nhiệm vụ tổng kết theo Chương trình làm việc số 106-CTr/TW ngày 22/12/2018 của Bộ Chính trị khóa XII, Ban Kinh tế Trung ương được giao chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai Đề án “Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020”; giai đoạn thứ hai, thực hiện nhiệm vụ tổng kết theo Chương trình làm việc số 05-CTr/TW ngày 16/3/2021 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021 và theo sự phân công của Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã ban hành Quyết định số 98-QĐ/BKTTW ngày 25/05/2021 thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW và tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới số 11-NQ/TW vào ngày 10/02/2022.
Dự kiến, ngày 15/4/2022, hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ chính trị sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Đây là lần đầu tiên Trung ương tổ chức một hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Thùy Linh