Tắm ở vùng nước cấm hạ lưu sông Đà (TP Hòa Bình): Dân bất chấp nguy hiểm, chính quyền bất lực

Mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn, từ tuyên truyền, vận động đến dựng hàng rào kẽm gai, đẩy đuổi, nhưng hàng ngày, nhất là vào các buổi chiều vẫn có hàng trăm người dân trên địa bàn TP Hòa Bình bất chấp nguy hiểm đến tắm tại

Mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn, từ tuyên truyền, vận động đến dựng hàng rào kẽm gai, đẩy đuổi, nhưng hàng ngày, nhất là vào các buổi chiều vẫn có hàng trăm người dân trên địa bàn TP Hòa Bình bất chấp nguy hiểm đến tắm tại "vùng nước cấm” thuộc hạ lưu sông Đà, ngay dưới chân đập thủy điện Hòa Bình.

Mặc dù Nhà máy thủy điện Hòa Bình đang xả lũ nhưng nhiều người dân vẫn xuống tắm sông Đà (ảnh chụp chiều 20/7/2024 tại địa phận phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình).

Mặc dù Nhà máy thủy điện Hòa Bình đang xả lũ nhưng nhiều người dân vẫn xuống tắm sông Đà (ảnh chụp chiều 20/7/2024 tại địa phận phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình).

Cán bộ nói, dân không nghe

Là địa bàn có khu vực vùng nước cấm thuộc công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia - Nhà máy thủy điện (NMTĐ) Hòa Bình, để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và bảo vệ vùng nước cấm, ngay khi bước vào mùa nắng nóng, UBND phường Tân Thịnh thường xuyên bố trí lực lượng dân quân, Công an phường và cán bộ đến các điểm "nóng” để tuyên truyền, vận động người dân không tắm sông tại khu vực vùng nước cấm, nguy hiểm. Tuy nhiên, đồng chí Phan Văn Trọng, Chủ tịch UBND phường Tân Thịnh cho biết: Chúng tôi đã thực hiện mọi phương cách, thậm chí gửi công văn thông báo, cảnh báo đến 19/19 tổ dân phố đề nghị người dân chấp hành nghiêm các quy định; không được tắm sông ở vùng nước cấm của NMTĐ Hòa Bình. Mặc dù vậy, số người tuân thủ, thực hiện các thông báo, cảnh báo không đáng kể.

Quá trình tìm hiểu, tại khu vực vùng nước cấm thuộc tổ 6, phường Tân Thịnh hàng ngày có nhiều người đến tắm, cả già trẻ, lớn bé, nhiều trường hợp là trẻ em. Đến thời điểm này NMTĐ Hòa Bình đang mở một số cửa xả đáy, mực nước sông dâng cao, dòng sông chảy xiết, có nhiều vũng cuộn, xoáy nguy hiểm nhưng vẫn có nhiều người, thậm chí là trẻ em bất chấp nguy hiểm xuống sông bơi lội. Đáng nói hơn, nhiều người còn liều lĩnh bơi về phía chân đập khi dòng nước cuồn cuộn đổ về. Đây không chỉ là coi thường sự nguy hiểm đến bản thân mà còn là hành vi vi phạm nghiêm trọng quy định tại Quyết định số 99/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Theo quyết định cấm tuyệt đối các hoạt động, kể cả việc tắm sông trong vùng nước cấm của NMTĐ Hòa Bình tính từ phao cảnh báo giới hạn màu vàng và các biển cấm, cảnh báo đặt dọc 2 bên bờ sông. "Khu vực người dân thường tắm là khu vực rất nguy hiểm. Có dòng chảy ngầm, xoáy nước mạnh, nhiều vũng sâu. Chính tại nơi này đã từng xảy ra tai nạn đuối nước thương tâm cách đây hơn 1 năm. Vào ngày 5/5/2023, trong khi tắm sông, 2 cháu Đ.N.L (SN 2011) và Tr.T.B (SN 2010) cùng trú tại tổ 17, phường Tân Thịnh đã bị đuối nước tử vong”, đồng chí Phan Văn Trọng cho biết thêm.

Cũng như phường Tân Thịnh, thời gian qua, UBND phường Phương Lâm đã thường xuyên tuyên truyền, vận động, bố trí lực lượng, cán bộ tại các điểm lên xuống bờ sông để tuyên truyền, vận động người dân không được tắm ở vùng nước cấm và trong thời điểm NMTĐ Hòa Bình xả lũ. Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) phường, dù đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng khu dân cư, thậm chí đến từng người dân nhưng hiệu quả đạt được không như mong muốn. Người dân vẫn xuống sông tắm ở vùng nước cấm và vùng nguy hiểm...

Cơ quan chức năng... thờ ơ

Quá trình tìm hiểu, tại "bãi tắm” thuộc tổ 6, phường Tân Thịnh chúng tôi nhận thấy có một điều khá bất ngờ, đó là ngay tại khu vực tập trung đông người dân đến tắm có sự hiện diện của nhiều cơ quan, đơn vị có chức năng quản lý, bảo vệ khu vực vùng nước cấm của NMTĐ Hòa Bình như: Công ty thủy điện Hòa Bình; Trạm Bảo vệ - quản lý vận hành vùng nước cấm hạ lưu NMTĐ Hòa Bình; đại diện Công ty cổ phần quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 9... nhưng không có cơ quan, đơn vị nào thực hiện việc tuyên truyền, cảnh báo người dân về vùng nước cấm, nguy hiểm. Trên sông chỉ có lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường thủy, Phòng CSGT (Công an tỉnh) tích cực tuyên truyền, vận động, đẩy đuổi người dân ra khỏi khu vực vùng nước cấm và cảnh báo nguy hiểm không cho người dân tắm sông trong khu vực này. Theo Thượng tá Nguyễn Quang Huy, Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh, việc này nếu chỉ riêng lực lượng CSGT thì không thể làm nổi. Do vậy rất cần sự tham gia, vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng.

Về phía địa phương, đồng chí Phan Văn Trọng, Chủ tịch UBND phường Tân Thịnh chia sẻ: Địa phương không có phương tiện nên khi người dân ở trên bờ thì còn tuyên truyền, nhắc nhở, khi họ xuống nước thì đành chịu...

Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN phường Phương Lâm cho biết: Khi NMTĐ Hòa Bình xả lũ, UBND phường đã có công văn gửi Công ty cổ phần quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 9 phối hợp để tuyên truyền, nhắc nhở người dân không tắm sông ở vùng nước cấm, nguy hiểm nhưng không thấy có phản hồi. Do không có phương tiện và cũng không thể bố trí cán bộ để tuyên truyền, nhắc nhở cả ngày được, nên nhiều khi chúng tôi bất lực nhìn người dân xuống tắm ở vùng nước cấm, nguy hiểm.

Mạnh Hùng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/191557/tam-o-vung-nuoc-cam-ha-luu-song-da-tp-hoa-binh-dan-bat-chap-nguy-hiem,-chinh-quyen-bat-luc.htm