Tâm phản trắc và bài học nhân quả
Tâm phản trắc và bài học nhân quả
Đất nước ta đang bước vào giai đoạn chuyển động sâu sắc, sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với thanh lọc, tinh gọn đội ngũ, tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Với tinh thần lấy “xây” để “chống”, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng tiếp tục đặt ra yêu cầu mới về đấu tranh ngăn chặn các biểu hiện suy thoái, trong đó có mối nguy hại từ phản trắc nội sinh...
Từ bất mãn đến phản trắc, phản bội
Những ngày gần đây, nhiều người dùng mạng xã hội chia sẻ lá đơn của một nạn nhân, tố giác tội phạm lừa đảo qua mạng, gửi Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk. Nạn nhân là một phụ nữ, đã bị các đối tượng tội phạm công nghệ cao lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn. Việc công dân tố giác tội phạm sẽ được các cơ quan chức năng tiếp nhận, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật. Điều khiến dư luận bàn tán chính là nhân thân của người này. Theo đó, cách đây 4 năm, người này từng bị xử lý hình sự về tội “Xúc phạm Quốc kỳ”. Trước đó, đối tượng cũng từng bị xử phạt hành chính về hành vi “Cung cấp, trao đổi, tuyên truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số để chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”. Bài học được nhiều người dùng mạng xã hội rút ra từ câu chuyện này là, đừng bao giờ có tư tưởng quay lưng, phản bội Tổ quốc, bởi đến lúc “sa cơ lỡ vận”, người đứng ra che chở, bao dung cho mình không ai khác chính là đất nước, quê hương. Thứ mà những thế lực thù địch bên ngoài mang đến chỉ là hào quang giả tạo. Họ lừa phỉnh, dụ dỗ, biến mình thành con rối, lợi dụng “vắt chanh bỏ vỏ”, khi không còn giá trị lợi dụng, lập tức bị đẩy ra rìa, rơi xuống vực thẳm tối tăm không lối thoát...
Ảnh minh họa / tuyengiao.vn " loading="lazy" src="https://file3.qdnd.vn/data/images/0/2025/07/02/upload_2201/phan%20dong.jpg?dpi=150&quality=100&w=870">
Ảnh minh họa / tuyengiao.vn
Trong đời sống xã hội, không thiếu những kẻ từng được giáo dục, bồi dưỡng, được tổ chức tin tưởng, kỳ vọng... nhưng lại mang tâm phản trắc rồi sa vào con đường lầm lỗi, phản bội Tổ quốc. Họ không phản bội một cách tức thời mà trượt dài từ những bất mãn, dần biến tướng thành hành vi chống đối. Những đối tượng như: Thái Văn Đường, Nguyễn Văn Đài, Trương Quốc Huy, Lê Trung Khoa, Lý Thái Hùng... là điển hình cho kiểu người có học thức, có vị trí xã hội, trưởng thành từ môi trường giáo dục của đất nước, nhưng mang tâm phản trắc. Khi bất mãn với tổ chức vì không đạt được mục đích cá nhân, họ thực hiện sự quay lưng có chủ đích, có phương pháp, có tổ chức và thậm chí là có tài trợ. Đó là sự tha hóa không phải từ bên ngoài mà từ nội sinh. Không có ai phản bội lý tưởng chỉ sau một đêm. Nhưng sự phản bội ấy, một khi đã hình thành, thì không chỉ là hành vi mang tính cá nhân mà nó lập tức trở thành miếng mồi ngon cho các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo thực hiện các hành động phản Đảng, phản dân, hại nước. Khi kẻ suy thoái, phản trắc là người có học thức, địa vị, mối nguy cho Đảng càng lớn. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng đã chỉ rõ: “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc...”.
Cái kết cho hành vi phản trắc, phản bội không bao giờ tốt đẹp. Đó là quy luật nhân quả. Những kẻ phản trắc không thể có chỗ đứng chính danh trong cộng đồng, dù ở trong nước hay nước ngoài. Khi họ phản bội lý tưởng, phản bội Đảng thì cũng chính là phản bội tình nghĩa, đạo lý. Đó là lý do vì sao họ không thể xây dựng uy tín cá nhân, dù xuất hiện nhiều trên truyền thông hải ngoại. Khi còn giá trị lợi dụng, họ có thể được một vài tổ chức nước ngoài sử dụng như công cụ chính trị. Nhưng khi không còn hữu ích, họ sẽ bị ném đi như cái vỏ chanh đã vắt hết nước.
Xây dựng tinh thần đoàn kết, ngăn ngừa phản trắc nội sinh
Nhắc lại những câu chuyện trên đây để chúng ta lấy đó làm bài học tự răn đe, tự giáo dục, rèn luyện, nhất là khi gặp khó khăn, thử thách. Cả đất nước đang bước vào giai đoạn chuyển hóa quan trọng, sắp xếp, tinh gọn bộ máy, vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp gắn với đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Một trong những nhiệm vụ quan trọng, then chốt trước mắt là tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV. Trong công cuộc sàng lọc nhân sự, tinh gọn tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ, rất dễ bộc lộ các hành vi tiêu cực, là kẽ hở cho tư tưởng bất mãn, cá nhân chủ nghĩa nảy sinh. Đó chính là mầm mống của suy thoái, phản trắc nội sinh.
Từ những bài học nhãn tiền, tổ chức đảng và hệ thống chính trị các cấp cần chủ động các phương thức, giải pháp, chế tài hữu hiệu để ngăn ngừa các biểu hiện suy thoái, không để các thành phần “lươn chạch” tìm kẽ hở chui sâu, leo cao vào bộ máy. Trong văn hóa của người Việt, loại người "lừa thầy phản bạn", phản bội lý tưởng bị xếp vào hạng tiểu nhân. Không ít trường hợp “năng lực có hạn, thủ đoạn có thừa”, được tổ chức tin tưởng, được đồng chí, đồng đội tín nhiệm bảo vệ, đề bạt, nhưng khi đã “chui sâu”, “trèo cao” thì quay lưng phản trắc. Khi cái tâm phản trắc được ngụy trang, che đậy bằng vẻ ngoài học thức, đạo đức giả, hệ lụy đối với tổ chức bộ máy và tương lai của Đảng là rất khó lường. Những đối tượng mang tâm phản trắc, khi còn lợi ích cá nhân thì lên giọng, vơ vét, nhưng khi gặp khó khăn, thách thức thì sẵn sàng “quay xe”. Sự suy thoái có thể bắt đầu từ những dao động nhỏ. Từ việc ngồi sinh hoạt Đảng không còn thấy cần thiết, ngại viết kiểm điểm, lười học nghị quyết, không chịu nghiên cứu... đến việc bàng quan với các vấn đề chính trị, né tránh phê bình, tự phê bình, bộc lộ tâm lý hoài nghi, dao động... và cuối cùng là bất mãn, phản trắc. Cũng giống như vết xe đổ của những đối tượng phản bội Tổ quốc đang hằng ngày ra rả những luận điệu xuyên tạc, chống phá đất nước trên không gian mạng, họ không phản bội ngay, nhưng tâm của họ đã rời khỏi Đảng. Và khi tâm đã phản trắc thì mọi lý lẽ chỉ còn là biện minh cho sự suy thoái, suy đồi đạo đức. Trong bài viết “Tổ chức tốt đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Cán bộ thiếu năng lực, thiếu gương mẫu, cục bộ, bè phái... đều là những “miếng mồi” để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng tuyên truyền chống phá, để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ...”.
Chính vì vậy, cùng với nỗ lực vận hành bộ máy chính quyền địa phương hai cấp sau sắp xếp, sáp nhập, tổ chức đảng và hệ thống chính trị các cấp cần coi trọng công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động. Trong bối cảnh mới, khi chúng ta tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh với sự suy thoái ẩn mình trong nội bộ, thì các lực lượng thù địch càng gia tăng hoạt động. Chúng không chỉ công kích trực diện mà còn thường xuyên lợi dụng các kẽ hở, bất cập để móc nối với các thành phần bất mãn, phản trắc nhằm xuyên tạc, kích động phá hoại chủ trương của Đảng. Trên không gian mạng, chúng dựng nên các “hình tượng ảo”, “giá trị ảo”... để lòe bịp, mị dân. Thủ đoạn này không mới, nhưng nếu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thiếu bản lĩnh chính trị thì rất dễ bị dao động, sa bẫy. Đây chính là một trong những lý do Đảng ta nhấn mạnh vai trò, yêu cầu mới về xây dựng, củng cố tinh thần đoàn kết, thống nhất trong tình hình hiện nay. Trong bài viết “Sức mạnh của đoàn kết”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Việc tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; sắp xếp lại đơn vị hành chính cũng tác động, ảnh hưởng đến một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức... điều đó đòi hỏi sự công minh, đồng thuận và quyết tâm chính trị rất cao, đặc biệt là sự hy sinh lợi ích cá nhân. Nếu thiếu đoàn kết, thống nhất từ trên xuống dưới, quá trình thực hiện sẽ rất dễ phát sinh vướng mắc, bất cập... Chưa bao giờ yêu cầu "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt" trong bộ máy của hệ thống chính trị lại quan trọng như lúc này...
Đoàn kết, thống nhất là môi trường ngăn ngừa, đẩy lùi tư tưởng, hành vi phản trắc nội sinh. Trong môi trường ấy, chúng ta cần thường xuyên nhắc lại những bài học nhãn tiền để cảnh tỉnh rằng, mọi sự phản trắc, phản bội đều có giá của nó, và lịch sử không bỏ qua trường hợp nào. Đảng không bao giờ thiếu cán bộ đến mức phải dung túng những người “hai mặt”, "lươn chạch", đạo đức giả, mang tâm phản trắc. Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn mới vừa phải thanh lọc về tổ chức bộ máy, vừa phải thanh lọc về niềm tin, bản lĩnh, đạo đức. Làm trong sạch bộ máy không chỉ bằng sắp xếp, tinh gọn, kỷ luật, pháp luật... mà còn là hành trình nuôi dưỡng lý tưởng bằng sự nêu gương, bằng môi trường đoàn kết, thống nhất thực chất, minh bạch và lành mạnh.