Tấm pin mặt trời ở Việt Nam có chất thải nguy hại không?
'Điều đầu tiên cần khẳng định là không phải tất cả tấm pin mặt trời đều được sản xuất từ các kim loại nặng', một nhà đầu tư nêu ý kiến.
Sau bài phỏng vấn với TS. Lê Hải Hưng, Viện Vật lý kỹ thuật, về "Bài học kinh nghiệm trong phát triển điện tái tạo", VietNamNet nhận được nhiều ý kiến muốn trao đổi xung quanh vấn đề điện mặt trời có thực sự thân thiện với môi trường.
Để chia sẻ thêm góc nhìn về vấn đề này, chúng tôi giới thiệu bài viết của ông Nguyễn Mạnh Cường, một nhà đầu tư điện mặt trời.
Ngày 20/3, tôi đọc được thông tin từ bài phỏng vấn của PV. VietNamNet với TS. Lê Hải Hưng (Viện Vật lý kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội) về việc phát triển điện mặt trời ở Việt Nam. Trong đó, TS. Lê Hải Hưng đưa ra quan điểm đáng chú ý. Đó là điện mặt trời không thực sự thân thiện với môi trường.
Theo đó, TS. Hưng cho rằng: Để chế tạo ra pin mặt trời hay Solar Panel, cần sử dụng đến rất nhiều nguyên tố nặng có độc tính cao như Bismut (Bi), Cadimium (Cd),... Khi tiến hành khai thác các nguyên tố này, người ta đã làm biến đổi môi trường thiên nhiên.
Từ kinh nghiệm làm điện mặt trời, tôi cho rằng nhận định này chưa xác đáng. Điện mặt trời tuy đã có từ lâu nhưng Việt Nam mới chỉ bùng nổ 5-6 năm nay. Các chuyên gia, nhà báo khi ý kiến về các vấn đề liên quan thường lấy thông tin từ nguồn nước ngoài.
Điều này đôi khi dẫn đến các nhầm lẫn tai hại, gây ra các hiểu lầm cho công chúng và cả các nhà hoạch định chính sách.
Điều đầu tiên cần khẳng định là không phải tất cả tấm pin mặt trời được sản xuất từ các kim loại nặng là Bi và Cd. Bi và Cd dùng để sản xuất tấm pin mặt trời gọi là Thin Film, còn tấm pin mặt trời sử dụng tại Việt Nam là công nghệ Crystalline Sillicon (dùng Sillic, hoàn toàn không có Bi hay Cd).
Thế giới dùng công nghệ Crystalline Sillicon là công nghệ chủ yếu, Thin Film ít được sử dụng. Việt Nam sử dụng Crystalline Sillicon không chỉ là ý thức môi trường, mà còn vì hiệu quả kinh tế. Công nghệ này cho hiệu suất cao hơn ở khu vực cận xích đạo.
Thin Film cho hiệu suất sao hơn trong điều kiện bức xạ thấp. Ở Việt Nam bức xạ cao nên dùng pin mặt trời sử dụng công nghệ Crystalline Sillicon sẽ hiệu quả hơn.
Hiện nay, tế bào quang điện (solar cell) công nghệ Crystalline đang được sản xuất tại Việt Nam với sản lượng mỗi năm hàng ngàn MWp và không có Bi hay Cd trong danh mục nguyên vật liệu.
Cũng vì Việt Nam dùng 100% công nghệ Crystalline Sillicon, không có kim loại nặng, cho nên không phải chất thải nguy hại như mọi người nhầm tưởng.
Thiết nghĩ, Bộ Tài nguyên và Môi trường nên công bố thành phần của loại pin mặt trời công nghệ Crystalline Sillicon để xã hội yên tâm. Thành phần chỉ có sillicon, các kim loại dẫn điện, nhựa, keo EVA.