Tầm quan trọng của báo cáo đánh giá tác động môi trường
Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là hoạt động phân tích, dự báo tác động của các dự án kinh tế đến môi trường tự nhiên. Từ đó đưa ra những biện pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường khi các dự án đó được triển khai.
Báo cáo ĐTM là một trong những thủ tục quan trọng mà doanh nghiệp phải thực hiện trước khi triển khai dự án để xác định, dự đoán, đánh giá và giảm thiểu tối đa các ảnh hưởng xấu của việc phát triển dự án đến môi trường.
Theo Nghị định số 40/2019/NÐ-CP, ngày 13-5-2019 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, danh mục đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược gồm các đối tượng chiến lược và quy hoạch, như: chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực quy mô quốc gia, cấp vùng có tác động lớn đến môi trường (gồm ngành điện; khai thác dầu khí, lọc hóa dầu; giấy; công nghiệp hóa chất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; cao su; dệt may; ximăng; thép; thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản); quy hoạch tổng thể quốc gia; quy hoạch sử dụng đất quốc gia; quy hoạch vùng; quy hoạch tỉnh… Ngoài ra, Nghị định số 40 còn quy định danh mục dự án phải lập báo cáo ĐTM hoặc dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường.
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường, nếu không thực hiện báo cáo ĐTM sẽ không lường trước được các vấn đề về môi trường, có khi rủi ro về môi trường còn lớn hơn hiệu quả kinh tế của dự án. Do đó, báo cáo ĐTM là công cụ pháp lý và kỹ thuật quan trọng để xem xét, dự báo tác động môi trường của các dự án; là cơ sở để doanh nghiệp biết rõ hơn về hiện trạng chất lượng môi trường. Từ đó có thể đề ra các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm hiệu quả nhằm đạt các tiêu chuẩn môi trường theo quy định. Nếu công tác lập, thẩm định báo cáo ĐTM của các dự án được thực hiện tốt sẽ giúp các doanh nghiệp có biện pháp bảo vệ môi trường hiệu quả. Đồng thời, giúp cơ quan quản lý giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường thuận lợi hơn.
Từ đầu năm đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận 43 hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo ĐTM, trong đó trình UBND tỉnh phê duyệt 28 quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM. Ông Phạm Văn Tùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết, nhìn chung các doanh nghiệp thực hiện nghiêm báo cáo ĐTM do công tác phối hợp giữa các ngành chặt chẽ. Bên cạnh đó, hiện nay luật quy định về bảo vệ môi trường rất nghiêm, nếu phát hiện doanh nghiệp chưa có thủ tục báo cáo ĐTM mà khởi công thi công dự án sẽ xử phạt rất nặng. Còn trong quá trình thi công, chủ đầu tư bắt buộc phải giám sát các chỉ tiêu về môi trường theo báo cáo ĐTM đã được duyệt.
Với chủ trương nhất quán phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường nên thời gian qua, Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM đối với từng dự án đầu tư đã xem xét, đánh giá, thẩm tra, xác định và cho ý kiến cụ thể đối với từng báo cáo ĐTM trước khi dự án được phê duyệt. Trong quá trình thẩm định báo cáo ĐTM, khi nhận thấy những dự án không hiệu quả, nhất là các dự án trong nhóm có nguy cơ gây ô nhiễm nghiêm trọng, tỉnh đã kiên quyết từ chối.
Cùng với sự phát triển của công nghiệp hóa - hiện đại hóa là những ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường tự nhiên. Do đó, báo cáo ĐTM có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội nhằm góp phần giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường từ các dự án đầu tư và sức khỏe con người.