Tầm quan trọng của dư luận xã hội và sự định hướng cần thiết
Đất nước mở cửa, hội nhập, cùng với sự phát triển của kinh tế, văn hóa, xã hội, chúng ta cũng đang phải đối mặt với nhiều hệ lụy mang lại từ công cuộc đổi mới. Các vấn đề về tranh chấp đất đai, ô nhiễm môi trường, các tệ nạn xã hội và nhất là vấn đề tham nhũng đã gây ra nhiều bức xúc trong các tầng lớp nhân dân …
Các thế lực thù địch, phản động, bất mãn, cơ hội chính trị cả ở trong và ngoài nước luôn dựa vào đó xuyên tạc, bóp méo sự thật, sử dụng mạng xã hội loan tin công kích, chống phá Đảng và Nhà nước với mục đích gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây bạo loạn lật đổ chế độ.
Trong thời gian qua, những hiện tượng rất không đẹp được đăng tải trên các mặt báo, các trang mạng xã hội có chiều hướng gia tăng; hành vi phản cảm, thời thượng, lố bịch của giới Showbiz được quảng bá hàng ngày; khá nhiều danh hiệu hão được tiếp tay bởi các cơ quan có trách nhiệm diễn ra rất công nhiên; đưa quá nhiều thông tin tiêu cực về tệ nạn mua điểm, chạy chức, chạy quyền, chạy tiêu chuẩn, chạy tuổi…
Nguy hiểm hơn, trước những vấn đề đời sống dân sinh mà người dân đặc biệt quan tâm, thông qua những ý kiến phát biểu của một số đại biểu Quốc hội bên lề các phiên họp của Quốc hội, của Chính phủ đã bị một số tờ báo mạng lợi dụng chức năng phản biện xã hội của báo chí để "đặt lại vấn đề", thậm chí cố tình "lật ngược chân lý"… đưa tin giật gân với mục tiêu câu khách, không thực hiện đúng chỉ đạo định hướng thông tin.
Bên cạnh đó, chúng ta cần phải nhận thấy một điểm yếu nữa mà báo chí, truyền thông thường xuyên vấp phải, đó là còn tỏ ra lúng túng trong phối hợp xử lý thông tin một số vấn đề, sự kiện được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; có lúc thông tin báo chí đi sau mạng xã hội hoặc sử dụng thông tin từ mạng xã hội một cách tùy tiện, thiếu cân nhắc, thiếu kiểm chứng; hay trước những thông tin xuyên tạc, kích động, bịa đặt về cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam thực chất là "thanh trừng nội bộ", là "cuộc đấu đá phe phái, triệt hạ lẫn nhau".
Sự bị động, lúng túng của thông tin, truyền thông còn có phần trách nhiệm lớn của các cơ quan chức năng, của các đơn vị, địa phương trong việc chia sẻ, cung cấp thông tin kịp thời để định hướng, trấn an dư luận.
Những vụ việc sai phạm của cán bộ, công chức trong dự án Thủ Thiêm, trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018, hay xử lý các sai phạm nhà số 8 phố Lê Trực, các dự án BT, BOT và mới đây là dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông... là những vụ việc không những làm nóng dư luận xã hội, mà còn nóng cả nghị trường Quốc hội, nhưng việc xử lý, giải quyết dây dưa từ năm này qua năm khác mà không có kết quả, khi báo chí và người dân chất vấn thì những người có trách nhiệm giải thích quanh co, tìm cách lảng tránh để sự việc rơi vào im lặng.
Những hành động như vậy đã trở thành "bữa tiệc" cho các "anh hùng bàn phím", các báo mạng, báo lề trái nhân danh giám sát, phản biện xã hội đưa ra những phân tích, đánh giá có sự bao che, nương nhẹ, đặt ra những vấn đề đi ngược lại chính sách của Đảng, Nhà nước và lợi ích của nhân dân, dẫn dắt độc giả đi từ hoang mang đến hồ nghi, dần dà suy giảm niềm tin vào những thông tin chính thống. Mặc dù những điều đó là không chính xác, không đúng bản chất sự việc, nhưng vẫn được đông đảo người dân tìm đọc. Việc tự tạo khoảng trống về thông tin, tuyên truyền này chính là lỗi từ sự thiếu tin tưởng, thiếu phối hợp trong việc chia sẻ, cung cấp thông tin giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương với báo chí, truyền thông.
Mục tiêu xâu xa mà các thế lực thù địch, cơ hội chính trị hướng tới không gì khác là gieo rắc sự hoài nghi trong nội bộ, trong dư luận quần chúng nhân dân, phá hoại sự đồng thuận trong xã hội và chia rẽ cán bộ, đảng viên, chính quyền với nhân dân. Các thủ đoạn này ngày càng bài bản hơn, mưu mô thâm hiểm hơn, có sự phối hợp giữa người trong nước và người ở nước ngoài. Trong khi đó, không ít người dân không thể biết cái gì là lan truyền, bịa đặt, đây là vấn đề rất nguy hiểm.
Do vậy, công tác định hướng dư luận xã hội đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay và là một nhiệm vụ không thể thay thế trong công tác tư tưởng của Đảng, góp phần giữ vững sự trật tự, ổn định trong xã hội để phát triển đất nước. Dư luận xã hội là thước đo về hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền. Thành công của công tác thông tin, tuyên truyền thể hiện ở chỗ tạo ra được dư luận xã hội chín chắn, có các thái độ, phán xét đánh giá đúng đắn về các sự kiện, hiện tượng, vấn đề xã hội.... Nếu công tác thông tin, tuyên truyền nói một đằng, dư luận xã hội nói một nẻo thì đó là sự thất bại của công tác thông tin, tuyên truyền.
Không để các thế lực thù địch lợi dụng phát tán, lèo lái thông tin, tạo ra những dư luận bất lợi đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các cơ quan chức năng, đơn vị, địa phương và báo chí, truyền thông phải phối hợp chặt chẽ, đi đầu trong việc cung cấp thông tin đúng đắn, tác động vào các tầng lớp xã hội để hình thành dư luận xã hội tích cực.
Có thể nói, người lãnh đạo, quản lý, thủ trưởng cơ quan, thủ lĩnh các nhóm xã hội có vai trò to lớn trong việc hình thành và định hướng dư luận xã hội diễn ra tại cơ quan, đơn vị hoặc trong nhóm xã hội, trong tập thể mà họ là người lãnh đạo, quản lý, là thủ lĩnh. Cùng một nội dung phát ngôn nhưng nếu đó là phát ngôn của một nhà khoa học hay một chính khách thì người ta tin hơn là phát ngôn của cán bộ về hưu, của sinh viên hay của một nhân viên bình thường.
Trong một cơ quan, một tập thể, một nhóm xã hội, họ chính là người lãnh đạo, quản lý, nhà hoạt động xã hội có uy tín. Trong các tôn giáo, họ là các chức sắc tôn giáo. Trong các dân tộc thiểu số miền núi, họ là già làng, trưởng bản, còn ở nông thôn họ có thể là các trưởng họ, người cao tuổi, người có uy tín trong dòng tộc...
Dư luận xã hội hình thành qua các kênh truyền thông, giao tiếp xã hội có khả năng phát tán thông tin nhanh, trên diện rộng, tức thời, đồng thời cùng lúc tới số đông công chúng. Qua các phương tiện truyền thông đại chúng góp phần tăng cường dân chủ hóa các mặt của đời sống xã hội, trong đó có dân chủ hóa thông tin, tạo điều kiện để nhân dân được biết, được bàn, được kiểm tra những vấn đề có liên quan đến lợi ích chính đáng của họ; tạo lập dư luận xã hội tích cực về một vấn đề, sự kiện nào đó nhằm thúc đẩy hay hạn chế sự phát triển của sự kiện, hiện tượng đó; xây dựng lòng tin, thế giới quan khoa học và các chuẩn mực giá trị đúng đắn, tiến bộ, nhân văn; điều chỉnh hành vi của các cá nhân trong xã hội, tăng cường tính tích cực chính trị - xã hội của quần chúng.
Với các chức năng và ưu thế vốn có của mình, các phương tiện truyền thông đại chúng, báo chí tham gia định hướng dư luận xã hội sẽ cung cấp thông tin đa dạng, nhiều chiều, sâu sắc giúp quá trình đánh giá của công chúng đối với sự kiện, hiện tượng mang tính khách quan nhiều hơn. Thông qua quá trình luận bàn về sự kiện, hiện tượng, báo chí tham gia vào quá trình hình thành quan điểm, cách đánh giá đối với sự kiện hiện tượng.
Báo chí còn phân tích, làm sáng tỏ mối liên hệ của sự kiện, hiện tượng với lợi ích của cộng đồng, quốc gia hay nhóm xã hội. Nhờ việc làm sáng tỏ mối quan hệ này mà công chúng bày tỏ thái độ ủng hộ hay phản đối, đồng tình hay không đồng tình đối với sự kiện, hiện tượng diễn ra.
Bằng việc thông tin về sự kiện, hiện tượng trên quy mô rộng lớn, báo chí góp phần khơi nguồn, tạo lập dư luận xã hội. Tuy nhiên, khi tham gia tạo lập dư luận xã hội thông qua việc cung cấp thông tin về sự kiện, hiện tượng, báo chí phải lựa chọn thông tin, phải đứng trên lợi ích dân tộc, quốc gia để lựa chọn.
Việc phản ánh tính đa dạng, phong phú, nhiều chiều của dư luận, báo chí góp phần tạo nên ở công chúng cách đánh giá vừa khách quan, vừa dân chủ, tạo nên tính tự giác cho quá trình tiếp nhận thông tin và hình thành dư luận xã hội tích cực, tránh võ đoán, gò ép.
Khi sử dụng báo chí để định hướng dư luận xã hội, phải mời được những nhà báo, những tờ báo có uy tín tham gia, những người lãnh đạo, quản lý, những thủ lĩnh dư luận phát ngôn trên báo chí.
Đảng và Nhà nước đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, chống các biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Các cơ quan chức năng, đơn vị, địa phương cần phối hợp tốt với báo chí, truyền thông không để tạo ra những khoảng trống trong thông tin, tuyên truyền để các thế lực thù địch, bất mãn, cơ hội chính trị lợi dụng chống phá, góp phần giữ ổn định an ninh chính trị vì sự phát triển của cộng đồng dân tộc, sự thịnh vượng của đất nước.