Tầm quan trọng của kỹ năng bơi cứu đuối
Bác sĩ Nguyễn Trọng An nhận định, bơi lội chỉ là một trong số các giải pháp phòng chống đuối nước ở lứa từ 6 - 7 tuổi trở lên.
Bởi, thực tế, quan trọng là trẻ em cần học bơi tự cứu, bơi cứu đuối.
Tai nạn từ sự bất cẩn của cha mẹ
Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ trẻ em đuối nước ở nhiều địa bàn trên cả nước. Mới đây, trưa ngày 11/6, bốn học sinh tiểu học đã rủ nhau ra tắm ở con suối ở dưới chân thác 3 tầng, thuộc Thôn 3, xã Lộc Lâm (Bảo Lâm, Lâm Đồng). Trong lúc chơi đùa, không may hai cháu bị dòng nước chảy xiết cuốn trôi, nhấn chìm, nên đã tử vong.
Trước đó, vào ngày 20/5, một nhóm học sinh lớp 5 rủ nhau đi hái sen và tắm kênh tại khu vực thôn Phú Sơn, xã Hàm Phú, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) không may bị nước cuốn trôi, nên đã tử vong.
Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển môi trường sức khỏe (CHERAD) cho biết, ông cũng giật mình về số lượng trẻ em bị tử vong do đuối nước tăng vọt trong thời gian gần đây.
“Trẻ bị đuối nước nhiều như vậy, lúc này các trường, các địa phương không thể chần chừ với trách nhiệm, nên tìm cách đầu tư nhân lực và cơ sở vật chất để phổ cập bơi lội cho học sinh”, bác sĩ An nhấn mạnh.
Theo chuyên gia này, trẻ bị đuối nước không chỉ quanh gia đình, cạnh nhà trường mà xảy ra ở cả khu du lịch. Đặc biệt, quãng thời gian nghỉ, trẻ thường kéo nhau ra hồ, sông suối tắm và chơi đùa nên nguy cơ bị chết đuối rất cao. Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em cũng cho biết, nguyên nhân chính gây ra đuối nước ở trẻ chính là sự bất cẩn của phụ huynh.
Ông An lý giải, hơn 60% vụ trẻ em bị tai nạn thương tích là xảy ra quanh gia đình và trong gia đình. Theo thống kê, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi thường chỉ tử vong trong gia đình. Trẻ có thể gặp nạn ngay tại các loại xô, chậu, chum vại chứa nước ở trong gia đình và giếng khơi…
Những trẻ lớn hơn thường tử vong tại các khu vực ao, hồ, sông nước. Chính vì vậy, sự giám sát, quan tâm chú ý của các cha mẹ là cực kỳ quan trọng. “Những tai nạn thương tâm xảy ra với trẻ cũng chính là do sự bất cẩn, lơ là thiếu quan tâm tới trẻ của gia đình và các bậc phụ huynh”, ông An nhấn mạnh.
Ngoài ra, môi trường quanh trẻ chưa an toàn. Những đoạn sông sâu, hồ sâu thường không cắm biển báo. Tại những khu vực ven sông, trẻ thường xuyên ra các bãi cát chơi rồi sụt cát dẫn tới tử vong.
Bên cạnh đó, tại các khu du lịch, công viên có nhiều hồ nước không có cảnh báo, không có bảo vệ cũng gây ra nhiều tai nạn đáng tiếc đối với trẻ. Điều đó cho thấy môi trường thiếu an toàn vẫn đang rình rập tới sự an toàn của trẻ.
“Hãy dành tiền cho dạy bơi cứu đuối”
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tình hình tử vong do đuối nước trẻ em ở nước ta đã có chiều hướng giảm. Song, con số này giảm chậm trong những năm qua. Trung bình mỗi năm, có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước, cao gấp 10 lần các nước phát triển. Điều này đòi hỏi toàn xã hội, nhất là các gia đình, nhà trường cần chú trọng quan tâm và triển khai quyết liệt nhiều giải pháp tăng cường kỹ năng bơi lội nhằm hạn chế tối đa tai nạn đuối nước ở trẻ em.
Bác sĩ Nguyễn Trọng An nhận định, bơi lội chỉ là một trong số các giải pháp phòng chống đuối nước ở lứa từ 6 - 7 tuổi trở lên.
“Tôi xin nhắc lại rằng, bơi lội mà trẻ em cần học là bơi tự cứu, bơi cứu đuối chứ không phải học bơi để thi lấy thành tích. Ở đây, đầu tiên cần dạy các kỹ năng sinh tồn khi trẻ bị rơi xuống nước, gọi là bơi lội phòng chống đuối nước, đến khi các em thành thục thì mới tiếp đến bơi ếch, bơi sải và kỹ năng hồi sức tim phổi.
Trong khi chờ đợi cơ chế, chính sách, tôi rất mong các lãnh đạo hãy đừng hô khẩu hiệu mà thực sự quan tâm đến trẻ em, các địa phương hãy giảm bớt phong trào thi đua, trống giong cờ mở - hình thức vô bổ. Thay vào đó, hãy dành tiền cho dạy bơi cứu đuối, vận động sự đóng góp thêm của cộng đồng”, bác sĩ An chia sẻ.
Bác sĩ An nhận định, khi dạy đúng kỹ năng bơi lội phòng chống đuối nước cho trẻ, thì sẽ góp phần giảm thiểu được tình trạng trẻ em bị chết do đuối nước đang rất cao như hiện nay.
Chuyên gia này nhấn mạnh, cốt lõi của vấn đề là trách nhiệm giám sát, kỹ năng phòng ngừa đuối nước của cha mẹ, người lớn trong gia đình. Đồng thời, trang bị đầy đủ kiến thức phòng chống đuối nước và kỹ năng sinh tồn trong môi trường nước cho bản thân trẻ em. Do vậy, điều vô cùng cấp bách là phải đưa môn Dạy kỹ năng sinh tồn trong môi trường nước vào môn học bắt buộc trong nhà trường ngay từ lớp Mẫu giáo.
Đồng thời, kiện toàn ngay đội ngũ/ mạng lưới nhân viên công tác xã hội bảo vệ trẻ em ở cộng đồng. Từ đó, giúp hỗ trợ và chuyển tải kiến thức kỹ năng bảo vệ trẻ em cho cha mẹ cũng như người chăm sóc trẻ. Qua đó, nhằm phát hiện ngăn chặn sớm các nguy cơ, nguy hiểm có thể xảy ra với trẻ em không chỉ riêng là tai nạn đuối nước.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tam-quan-trong-cua-ky-nang-boi-cuu-duoi-post643356.html