Tầm quan trọng của lực lượng đe dọa can thiệp quân sự vào Niger
Lo ngại cuộc đảo chính ở Niger gần đây khiến xung đột lan rộng trong khu vực, ECOWAS cho biết tổ chức này có thể can thiệp quân sự vào Niger bất cứ lúc nào, trừ khi chính phủ dân cử được khôi phục.
ECOWAS cho biết, kế hoạch can thiệp quân sự vào Niger đã sẵn sàng và hành động can thiệp có thể diễn ra bất kỳ khi nào.
Các nỗ lực hòa giải cho đến nay đã thất bại, với việc Niger bỏ lỡ thời hạn do ECOWAS đặt ra nhằm đưa Tổng thống bị phế truất Mohamed Bazoum trở lại nắm quyền trong vòng một tuần và khối này không chấp nhận việc lãnh đạo chính quyền quân sự Niger cam kết giai đoạn chuyển tiếp ở quốc gia Tây Phi này sẽ kéo dài trong 3 năm.
Ông Abdel-Fatau Musah, ủy viên phụ trách các vấn đề chính trị, hòa bình và an ninh của ECOWAS cho biết: “Chúng tôi sẽ không tham gia vào cuộc đối thoại bất tận. Đối thoại phải có kết quả và mục tiêu của nó phải là khôi phục trật tự hiến pháp càng nhanh càng tốt”.
Tình hình khu vực trở nên phức tạp khi 3 thành viên khác của ECOWAS bị đình chỉ tư cách thành viên vì các cuộc đảo chính quân sự trong những năm gần đây. Các quốc gia này, gồm Mali, Burkina Faso, Guinea và đều từng là thuộc địa của Pháp ở Sahel, đã cho biết họ có thể đứng về phía chính phủ quân sự Niger trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
Bối cảnh hiện nay là một thử thách lớn về ý chí chính trị và năng lực tổ chức của ECOWAS, một trong những tổ chức quan trọng nhất ở Châu Phi. Những diễn biến hiện nay xảy ra khi các cường quốc phương Tây như Pháp và Mỹ đã rút lui khỏi khu vực, trong khi Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner của Nga đã liên minh với một số chính phủ quân sự.
ECOWAS là gì và có vai trò như thế nào?
ECOWAS được thành lập theo Hiệp ước Lagos năm 1975. Ban đầu được thiết kế như một giải pháp để phát triển quan hệ kinh tế và tiền tệ, ECOWAS sau đó đã mở rộng phạm vi đáng kể để bao gồm công tác an ninh và phối hợp quân sự.
Năm 1990, ECOWAS thành lập một liên minh gìn giữ hòa bình, Nhóm giám sát cộng đồng kinh tế của các quốc gia Tây Phi, bắt đầu can dự vũ trang vào các vấn đề của các quốc gia thành viên.
Nhìn chung, tư cách thành viên ECOWAS vẫn tương đối ổn định trong những năm qua. Trong số 15 thành viên của tổ chức này, có tới 14 quốc gia là thành viên sáng lấp, ngoại trừ quốc đảo Cape Verde gia nhập năm 1977. Chỉ có một quốc gia đã rời khỏi tổ chức này là Mauritania.
Tuy nhiên, một loạt cuộc đảo chính trong những năm gần đây đã dẫn tới sự chia rẽ sâu sắc trong khối. Mali và Guinea đều chứng kiến các cuộc đảo chính vào năm 2021, Chad và Sudan cũng vậy nhưng cả hai nước này đều không phải là thành viên ECOWAS. Burkina Faso là quốc gia tiếp theo chứng kiến đảo chính quân sự vào năm 2022.
Tổng thống Nigeria Bola Ahmed Tinubu dường như đã thừa nhận vấn đề này vào tháng 7, trước cuộc đảo chính ở Niger, khi nói rằng ông đang vạch ra một ranh giới trên cát đối với các cuộc tiếp quản của quân đội.
“Chúng tôi sẽ không cho phép xảy ra hết cuộc đảo chính này đến cuộc đảo chính khác”, ông Tinubu tuyên bố khi đảm nhận vị trí chủ tịch ECOWAS.
Những cuộc can thiệp trước đây của ECOWAS
Lần gần đây nhất ECOWAS can thiệp quân sự vào một quốc gia thành viên là năm 2017, khi đó tổ chức này cử lực lượng tới Gambia.
7.000 binh sĩ từ Ghana, Nigeria và Senegal đã được gửi Gambia đến để buộc Tổng thống lâu năm Yahya Jammeh chuyển giao quyền lực cho Adama Barrow, nhà lãnh đạo được bầu cử dân chủ. Ông Jammeh thua cuộc trước ông Barrow trong cuộc bầu cử tổng thống Gambia năm 2016. Ông Jammeh ban đầu người phản đối kết quả bầu cử nhưng cuối cùng đã nhượng bộ mà không cần dùng đến bạo lực.
Các quân đội liên kết với khối Tây Phi cũng đã phục vụ như lực lượng gìn giữ hòa bình ở Liberia và Sierra Leone trong những năm 1990.
Tuy nhiên, ECOWAS bị chỉ trích vì sự thiếu nhất quán trong các biện pháp can thiệp. Mặc dù đã can thiệp vào Gambia vào năm 2017 nhưng sau đó khối này không can thiệp quân sự khi Mali, Guinea và Burkina Faso chứng kiến các cuộc đảo chính. Thay vào đó, họ phản ứng bằng cách đình chỉ tư cách thành viên và áp đặt trừng phạt đối với các chính phủ quân sự ở các nước này.
Ông Kamissa Camara, cựu ngoại trưởng Mali, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch: “Những mâu thuẫn này đã làm tổn hại đến tính hợp pháp của ECOWAS, khiến chính quyền quân sự có ít lý do hơn để coi trọng tổ chức này”.
Sức mạnh quân sự của ECOWAS
Hôm 18/8, ông Musah, ủy viên phụ trách các vấn đề chính trị, hòa bình và an ninh cho biết, tất cả các thành viên còn lại của ECOWAS đều nói rằng họ sẽ góp phần can thiệp quân sự vào Niger, ngoại trừ Cape Verde – quốc gia không có quân đội chính thức.
Với sự ủng hộ gần như tuyệt đối, ECOWAS có thể là một lực lượng mạnh mẽ. Nigeria, quốc gia đông dân nhất và có năng lực quân sự mạnh nhất khối với ước tính 223.000 binh sĩ và ngân sách quốc phòng hơn 3 tỷ USD vào năm 2022, cao thứ ba ở châu Phi sau Algeria và Ai Cập.
Chỉ xét về mặt nhân sự và ngân sách, khối ECOWAS sẽ chiếm ưu thế lớn trước quân đội nhỏ hơn nhiều của Niger ngay cả khi họ được chính phủ quân sự của Mali và Burkina Faso hỗ trợ. Cả Mali và Burkina Faso đều tỏ ra sẵn sàng làm điều đó.
Niger, quốc gia không giáp biển lớn nhất ở Tây Phi, cũng có những điểm yếu đáng kể về mặt hậu cần. Có thể thấy rõ nhất là nguồn điện của nước này hiện do Nigeria cung cấp.
Tuy nhiên, một cuộc can thiệp vào Niger có thể sẽ cần một lực lượng lớn hơn nhiều so với 7.000 binh sĩ ECOWAS ở Gambia cách đây 6 năm. Trong khi đó, nhiều quốc gia thành viên ECOWAS, bao gồm cả Nigeria, đang phải vật lộn với các vấn đề an ninh của chính họ, khiến việc gửi binh lính và thiết bị đến Niger trở nên khó khăn.
Đại diện Reuters tại thủ đô Niamey cuối tuần trước đưa tin, chính quyền Niger đã chứng kiến một làn sóng tình nguyện viên sẵn sàng bảo vệ đất nước trước bất kỳ lực lượng nào từ bên ngoài. Theo hãng tin AP, chính quyền Niger đã đe dọa sẽ giết tổng thống bị phế truất Bazoum nếu có sự can thiệp quân sự.
Phản ứng của các bên về kế hoạch can thiệp quân sự
Trong các tuyên bố của mình, Liên minh châu Phi đã tránh thảo luận về vấn đề can thiệp quân sự. Khối 55 quốc gia dường như bị chia rẽ về vấn đề này, đặt ra câu hỏi về tính hợp pháp nếu ECOWAS can thiệp quân sự mà không có sự chấp thuận của Liên minh châu Phi.
Một số quốc gia, trong đó có Algeria, nước láng giềng của Niger, đã bày tỏ lo ngại về việc liệu cuộc xung đột có thể gây ra những hậu quả không lường trước được hay không. Ngoại trưởng Algeria Ahmed Attaf cho biết trong chuyến thăm Washington gần đây: “Họ có thể bắt đầu can thiệp quân sự, nhưng họ sẽ không bao giờ biết nó sẽ kết thúc như thế nào”.
Chính phủ Mỹ tuyên bố ủng hộ ECOWAS nhưng cũng nhấn mạnh Washington ưu tiên giải pháp ngoại giao hơn là can thiệp quân sự. Mỹ có khoảng 1.000 binh sĩ ở Niger thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố. Một cuộc xung đột ở quốc gia này có thể đặt các binh sĩ Mỹ vào rủi ro.
Theo các cựu quan chức Pháp, nước này vẫn còn khoảng 1.500 binh sĩ ở Niger. Paris đã được chính phủ bị lật đổ ở Niger yêu cầu can thiệp nhưng đã từ chối. Chính phủ Pháp hỗ trợ cho hoạt động của ECOWAS, nhưng nước này cũng phải đối mặt với làn sóng phản đối trên khắp Sahel.
Trong khi đó, Nga cảnh báo phản đối hành động quân sự, cho rằng nó sẽ dẫn đến “sự bất ổn rõ rệt” ở khu vực Sahel. Chính quyền Niger được cho là đã tìm kiếm sự trợ giúp từ Wagner, lực lượng quân sự tư nhận của Nga hoạt động ở Mali.