Tam quốc diễn nghĩa: Lý do thực sự khiến Tào Tháo nể trọng Quan Vũ
Quan Vũ (? - 220) tự Vân Trường là vị tướng nổi tiếng thời Tam quốc. Ông là người đã góp công vào việc thành lập nhà Thục Hán, với vị hoàng đế đầu tiên là Lưu Bị.
Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của nhà văn La Quán Trung, Quan Vũ được miêu tả có khuôn mặt đỏ như gấc, mắt phượng mày tằm, râu dài hai thước, tay cầm Thanh long yển nguyệt đao cưỡi trên ngựa Xích Thố, dáng vẻ oai phong lẫm liệt, tính tình hào hiệp, trượng nghĩa, sức chiến đấu mạnh mẽ địch vạn người và là bầy tôi tuyệt đối trung thành.
Cũng bởi tài năng và sự trung nghĩa này, ông được người đời sau tôn làm “Võ thánh”, sánh ngang với “Văn thánh” Khổng Tử.
Ngoài ra lúc sinh thời Quan Vũ và Tào Tháo (người đối đầu với Lưu Bị trong công cuộc thống nhất thiên hạ) cũng có một mối quan hệ hết sức đặc biệt. Có ý kiến cho rằng, Tào Tháo cả đời phụ thiên hạ, nhưng lại chưa một lần phụ Quan Vũ.
Khi Tào Tháo dẫn quân kéo xuống đánh Từ Châu (năm 200), Lưu Bị biết mình thế yếu bèn sai người đi cầu cứu Viên Thiệu nhưng Thiệu chần chừ không ra quân. Tào Tháo gấp rút tiến đánh Từ Châu. Vài ngàn quân của Lưu Bị không chống nổi, thua chạy tan tác.
Trong trận này Tào Tháo đã dùng gia quyến Lưu Bị để ép Quan Vũ đầu hàng. Theo Tam quốc diễn nghĩa, nhưng vì rất quý trọng khí phách và tài năng của Quan Vũ nên Tào Tháo không đối xử với ông như là tù binh mà coi là bậc thượng khách, ban lễ vật và chức tước rất trọng hậu, mong thu nạp được ông. Nhưng dù Tào Tháo hậu đãi bao nhiêu lần cũng vẫn không thuyết phục được ông từ bỏ Lưu Bị, dù Lưu Bị khi đó đang phải phiêu dạt khắp nơi và sự nghiệp rất mờ mịt. Khi biết được tin về Lưu Bị, Quan Vũ đã quyết định vượt ngàn dặm đi tìm đại ca.
Sử gia Bùi Tùng Chi khi chú giải Tam quốc chí đã không khỏi cảm thán khi viết lại đoạn tư liệu lịch sử này: “Tào Công (Tào Tháo) biết Quan Vũ không ở lại mà lòng càng thêm yêu mến cái chí của ông. Quan Vũ bỏ đi mà Tào Tháo không đuổi theo để tán thành cho cái nghĩa của ông. Đây chẳng phải là sự độ lượng của bậc bá vương sao, ai có thể làm được như vậy? Điều này đã miêu tả chân thực cái đạo đức lương thiện của Tào Công”.
Nói một cách khách quan, công lao mà Quan Vũ lập được so với công sức những tướng lĩnh đi theo Tào Tháo nhiều năm không hề đáng nói. Bởi vậy, điều mà Tào Tháo kính phục Quan Vũ không phải là sức mạnh, mà là nghĩa khí của ông. Thế nên, khi từ tạ, Quan Vũ qua 5 cửa ải, chém 6 tướng (chiến tích này được nhiều nhà nghiên cứu nhận định là do La Quán Trung hư cấu) mà Tào Tháo vẫn bỏ qua cho ông, không sai quân truy kích. Đó không giống với tính cách của thông thường của Tào Tháo. Thực tế, Tào Tháo là một minh chủ, rất trọng đãi hiền tài, hoàn toàn không ích kỷ, xấu xa như người ta tưởng.
Tào Tháo tuy là một người đa nghi, giản xảo nhưng ông đặc biệt quý trọng những nghĩa sĩ trung nghĩa, phải là trung nghĩa như Quan Vũ thì mới có được kết cục “ngoại lệ” như vậy. Hãy nhớ lại chuyện của Lã Bố. Cũng là một mãnh tướng, cũng hàng Tào, thậm chí còn hàng với thái độ thành khẩn, ngoan ngoãn hơn nhưng cuối cùng vẫn bị Tào Tháo lấy mạng vì sự bất nghĩa của mình.
Cái nghĩa của Quan Vũ là quá lớn, không vì tiền bạc, công danh mà quên tình nghĩa năm xưa với Lưu Bị. Chính vì sự trung nghĩa này của Quan Vũ mà Tào Tháo cực kỳ nể trọng ông. Nếu năm xưa, Quan Vũ nhận thưởng hậu hĩnh của Tào Tháo và chấp nhận bỏ Lưu Bị để đi theo họ Tào, thì dù có dũng mãnh hơn người, lập được nhiều chiến công cũng chưa chắc đã được Tào Tháo nể trọng.
Quốc Tiệp (t/h)