Tam quốc diễn nghĩa: Nhân vật vừa xuất hiện đã toát lên vẻ anh hùng
Dù mang tư tưởng ủng hộ Lưu Bị phê phán phán Tào Tháo nhưng khi nói về sự xuất hiện của Tào Tháo, La Quán Trung đã mô tả khá tương đồng với sử liệu.
Tam quốc diễn nghĩa nguyên tên là Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa, là một tiểu thuyết lịch sử Trung Quốc được La Quán Trung viết về thời kỳ hỗn loạn Tam quốc (190–280) với 120 chương hồi, theo phương pháp bảy thực ba hư (bảy phần thực ba phần hư cấu).
Một trong những thành công lớn nhất của Tam quốc diễn nghĩa là tính chất quy mô, hoành tráng của cốt truyện và nhân vật. Bộ tiểu thuyết này có thể chia thành rất nhiều "truyện nhỏ" mà đa phần trong số đó có thể hoàn toàn dựng được thành những bộ phim truyện theo đúng nghĩa.
Trong Tam quốc diễn nghĩa La Quán Trung đưa ra quan điểm phê phán Tào Tháo đứng về phía Thục Hán - ủng hộ Lưu Bị, còn Tôn Ngô chỉ là lực lượng trung gian.
Tuy nhiên, nói là phê phán Tào Tháo nhưng ở những chương hồi đầu trong Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung đã mô tả về Tào Tháo khá tương đồng với sử liệu, đặc biệt dưới ngòi bút của ông sự xuất hiện của Tào Tháo còn ấn tượng hơn Lưu Bị.
Trong Tam quốc diễn nghĩa Tào Tháo xuất hiện khác hẳn Lưu Bị. Lúc ấy, hai tướng Hoàng Phủ Tung và Chu Tuấn dùng kế hỏa công phá quân Khăn Vàng.
Quân giặc tháo chạy, Trương Lương, Trương Bảo dẫn tàn quân cướp đường mà chạy thì gặp ngay Tào Tháo mang quân mã ra chặn đánh.
Tào Tháo “mình cao bảy thước, mắt nhỏ râu dài“, vốn dòng danh môn thế phiệt, đương chức kỵ đô úy. Xuất thân của người này không hề tầm thường, là con của Tào Tung quan Đại tư nông trong triều.
Tào Tháo vốn họ Hạ Hầu, sau đổi sang họ Tào, theo họ của Tào Đằng (ông nội nuôi). Tào Đằng vốn là một hoạn quan có thế lực trong triều nên việc Tào Tháo thăng tiến nhanh cũng là dễ hiểu.
Ở hồi này, La Quán Trung đã kể mấy câu chuyện về họ Tào. Kể rằng, khi còn trẻ, Tháo chỉ thích chơi bời, săn bắn, lại có cơ trí, ứng biến. Người chú thấy Tào Tháo ham chơi, lêu lổng liền mách cha Tào Tháo là Tào Tung. Một hôm, Tháo giả trúng gió lăn ra đất, người chú sợ hãi chạy đến báo cho Tào Tung.
Khi Tung tìm đến lại thấy Tào Tháo vẫn nói cười bình thường. Tháo nói mình không có bệnh tật gì, chẳng qua chú ghét mình nên bịa đặt ra như vậy. Từ đó khi người chú đến mách tội, Tào Tung không tin lời nữa.
Kế đó là chuyện, Tào Tháo đến gặp Hứa Thiệu (vốn là danh sĩ, nhà bình luận nổi tiếng đương thời. Ai được Hứa Thiệu bình luận thì tức khắc nổi tiếng) nhờ xem tướng. Hứa Thiệu chỉ nói: “Anh là năng thần của thời trị và gian hùng của thời loạn”.
Tiếp nữa là chuyện, khi làm đô úy ở Lạc Dương, Tào Tháo treo roi ngũ sắc ở cửa có ý răn đe những kẻ làm loạn kỷ cương, ai phạm lỗi cũng không lượng tình, không chút nể nang.
Ngay cả chú của quan Trung thị Kiển Thạc (vốn là một hoạn quan khét tiếng trong triều) vác dao đi đêm cũng bị Tào Tháo nọc ra đánh.
Chỉ trong một đoạn văn ngắn La Quán Trung đã cho người đọc thấy một Tào Tháo không hề tầm thường. Đây là một điểm đặc biệt trong văn phong Tam Quốc diễn nghĩa khi mỗi một nhân vật anh hùng xuất hiện, bất kể diễn biến câu chuyện đang ra sao, La Quán Trung cũng dừng ngay mạch truyện lại để say sưa kể về người đó.
So với Lưu Bị, Tào Tháo rõ ràng có xuất phát điểm tốt hơn. Lưu Bị chỉ là anh bán giày cỏ, kết nghĩa cùng Quan, Trương, mộ được vài trăm tráng binh. Trong khi đó Tào Tháo đã làm đủ chức quan, kinh nghiệm đầy mình, thống lĩnh 5 nghìn kỵ mã đánh dẹp quân Khăn Vàng. Vừa có quyền, có thế, lại có binh mã trong tay, chẳng có gì lạ khi con đường hoạn lộ sau này của Tào Tháo cứ thế thăng tiến.
Tào Tháo (155-220) là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đặt nền móng hình thành Tào Ngụy thời Tam quốc.
Tào Tháo có công lớn trong việc dẹp loạn Khăn Vàng và Đổng Trác, đánh bại lần lượt các chư hầu như Lữ Bố, Viên Thiệu để thống nhất phương bắc nhưng lại thất bại khi tiến xuống phía nam vì gặp phải sự kháng cự của liên minh Tôn - Lưu, chấm dứt khả năng thống nhất đất nước khi ông còn sống.
Video: Tào Tháo phân tích về Viên Thiệu.
Quốc Tiệp (t/h)