Tầm soát ung thư cổ tử cung: Hành động thể hiện sự yêu thương bản thân của phái nữ
Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là căn bệnh có triệu chứng và diễn biến âm thầm nhưng hủy hoại sức khỏe của phụ nữ với nhiều biến chứng nghiêm trọng. Nhằm phá vỡ sự thầm lặng nguy hiểm này, chiến dịch 'Để Cổ tử cung lên tiếng' đã góp phần nâng cao nhận thức và thúc đẩy phụ nữ Việt chủ động xét nghiệm sàng lọc HPV như một lời yêu thương thiết thực dành cho bản thân.
Lắng nghe cổ tử cung kể chuyện và tạo động lực để “Cổ” lên tiếng
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay, UTCTC là căn bệnh ung thư phổ biến thứ tư trên thế giới. Dựa trên báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu về HPV và Ung thư (WHO) năm 2023, Việt Nam ghi nhận khoảng 4.132 ca mắc mới và 2.223 ca tử vong hằng năm (chiếm khoảng 54%). Chỉ 17% phụ nữ trong độ tuổi từ 25 đến 65 từng tiến hành tầm soát UTCTC trong 3 năm vừa qua, trong khi mục tiêu hướng tới của WHO là 70% phụ nữ được khám sàng lọc UTCTC.
Thực tế, UTCTC là một căn bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa từ sớm nếu “Cổ” (tên gọi của cổ tử cung trong chiến dịch) được chăm sóc và “lên tiếng” đúng cách. Thế nhưng, những con số trên cho thấy mức độ quan tâm hiện nay của phái nữ đối với UTCTC vẫn chưa đúng và đủ. Thực trạng này đến từ những rào cản của phụ nữ về tâm lý, chi phí, khả năng tiếp cận dịch vụ sàng lọc, hay kiến thức về bộ phận kín đáo trên cơ thể và vi-rút HPV - nguyên nhân dẫn đến 99% ca UTCTC.
Nhiễm virus HPV dai dẳng là nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung
Với những thấu hiểu về tâm tư của phụ nữ Việt, chiến dịch truyền thông "Để Cổ tử cung lên tiếng" đã được ra đời. Với sự đồng hành của Trung tâm Vì sự phát triển Phụ nữ Bắc Trung Bộ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Phụ sản Việt Nam (VAGO) cùng Roche Việt Nam, chiến dịch này hướng đến việc cung cấp toàn diện thông tin, kiến thức bệnh học cần thiết về UTCTC và các biện pháp tầm soát định kỳ.
Tên chiến dịch là một cách chơi chữ thú vị, vì “Cổ” là từ thường được dùng để gọi người phụ nữ, đồng thời là tên của cổ tử cung được minh họa bởi biểu tượng chữ Y màu hồng đầy tính nữ. Với ý tưởng vừa sáng tạo vừa gần gũi, chiến dịch này đã thu hút mạnh mẽ sự chú ý của nhóm phụ nữ từ 25 – 45 tuổi biết quan tâm đến bản thân. Không những thế, thông qua loạt hoạt động truyền thông đa dạng, lần đầu tiên, những kiến thức chuyên sâu về “Cổ” và xét nghiệm UTCTC được giới thiệu trọn vẹn, rộng rãi, nhằm hỗ trợ cộng đồng phụ nữ Việt Nam hiểu rõ hơn về tầm soát UTCTC.
Khi “Cổ” lên tiếng, cộng đồng phụ nữ Việt đáp lời
Chiến dịch giúp nâng cao nhận thức và khuyến khích phụ nữ sàng lọc định kỳ HPV đã nhận được phản hồi tích cực của hàng ngàn người. Nhiều phụ nữ đã nói lời yêu thương với sức khỏe bản thân thông qua hành động thực tế nhằm phát hiện sớm tình trạng nhiễm virus HPV, từ đó giảm thiểu gánh nặng mắc bệnh UTCTC.
Nhờ chủ động quan tâm sức khỏe mà chị N. (TP.HCM) đã phát hiện mối đe dọa HPV ở giai đoạn đầu
Với phong cách trẻ trung, vui nhộn, thu hút sự chú ý và quan tâm của phụ nữ về tầm soát UTCTC, video “Để Cổ tử cung lên tiếng” đã đạt gần 1,2 triệu lượt xem. Bên cạnh đó, những phụ nữ có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội như Giang Ơi, Helly Tống, Trang Hạ, Thanh Thanh Huyền… cũng đã cộng hưởng nhằm chia sẻ nhanh chóng thông điệp của Cổ, nhờ đó thu về hàng ngàn lượt thích và bình luận tích cực.
Tin rằng sự am hiểu về UTCTC và các phương pháp tầm soát sẽ là giải pháp giúp vượt qua trở ngại về tâm lý, kiến thức và khả năng tiếp cận dịch vụ sàng lọc,… chiến dịch đã phủ sóng những nội dung đa dạng trên đa kênh như website, Facebook, Tiktok, báo chí, màn hình LCD tại hơn 200 tòa nhà. Từ kho kiến thức về chăm sóc CTC, tầm soát vi-rút HPV, ý nghĩa của các phương pháp xét nghiệm Pap smear và xét nghiệm HPV DNA, phụ nữ sẽ có cơ sở để cân nhắc và lựa chọn biện pháp phù hợp cho chính mình.
Kết quả thực tế ghi nhận sự hồi đáp nhiệt tình từ hơn 200.000 chị em quan tâm tìm hiểu về xét nghiệm HPV DNA tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Vĩnh Phúc, hơn 50.000 lượt đọc báo, gần 3.300 người tham gia hoạt động tại các quầy thông tin đặt tại tòa nhà văn phòng, 570 người được tư vấn trực tiếp bởi các chuyên gia y tế, hơn 1.000 suất đăng ký tư vấn trực tuyến đã được thực hiện. Không những thế, nhiều chị em đã nhận và được hướng dẫn sử dụng dụng cụ xét nghiệm HPV DNA để tự lấy mẫu tại nhà.
PGS.TS.BS Vũ Bá Quyết, Phó Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, bên cạnh dự phòng cấp 1 bằng việc tiêm vắc-xin HPV, sàng lọc định kỳ bằng xét nghiệm HPV là cần thiết để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các tổn thương do nhiễm vi-rút HPV.
Chiến dịch “Để Cổ tử cung lên tiếng” mang sứ mệnh giúp chị em phụ nữ hiểu rõ về virus HPV, UTCTC và các biện pháp xét nghiệm sàng lọc định kỳ. Yêu thương bản thân và chăm sóc sức khỏe của người phụ nữ là hành động vì hạnh phúc của chính họ, của gia đình và cả cộng đồng.