Tâm sự của biên tập viên nhận được bản thảo trên 1 triệu chữ!

Lần đầu tiên tôi nhận được một bản thảo tiểu thuyết trên 1 triệu chữ của một bạn rất trẻ. Riêng số chữ lẻ ra của nó đã đủ dung lượng cho một tập sách rồi. Tôi nhẩm tính tất cả sẽ khoảng 3.500 trang sách khổ to, hoặc 4.000 trang khổ bình thường nếu in ra.

Lao động và tham vọng với chữ của người bạn trẻ khiến tôi vừa ngưỡng mộ lại vừa lo âu. Ngưỡng mộ vì thời buổi này vẫn có người đắm đuối với câu chữ nhường ấy. Lo âu vì có cơ may nào cho nó được in ra, và nếu in ra, bộ sách giá đôi ba triệu, với từng ấy con chữ, ai sẽ mua và ai sẽ đọc? Bao nhiêu công lao chữ nghĩa cùng rất nhiều mộng mơ hy vọng mà không tới được tay người đọc, hẳn người viết sẽ rất buồn.

Nhưng không cần đến một triệu chữ, thậm chí số ít chữ hơn nhiều lần, chẳng hạn 50 ngàn chữ cho một cuốn sách mỏng 200 trang, thì câu hỏi thách thức vẫn sẽ là: Ai đọc?

Biên tập viên Diệu Thủy - Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam.

Biên tập viên Diệu Thủy - Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam.

1. Dân số tăng lên, các thiết bị hỗ trợ đọc đa dạng, nhưng lượng người đọc theo khảo sát chỉ tăng ì ạch qua các năm. Năm 2019, người Việt đọc trung bình là 1,4 cuốn/người/năm nếu không tính sách giáo khoa, giáo trình là thứ bắt buộc. Trung bình số tiền người Việt dành để mua sách hằng năm khoảng hơn 2 đô la, trong khi Hàn Quốc thì gần 100 đô, gấp ta 50 lần.

Chúng ta chưa hình thành được một văn hóa đọc ăn sâu lan rộng thì smartphone và các thiết bị công nghệ đã xâm chiếm đời sống. Không phải ai cũng chịu được nỗi cô đơn của sự đọc, khi bên cạnh không có người like hay comment. Trong khi đó trên mạng xã hội không khí rất vui vẻ, ta lập tức nắm bắt được một trend mới toanh để có cảm giác là người thức thời, ta được vào ra bàn tán rôm rả trong các hội nhóm để thỏa mãn quyền được phát ngôn. Ta đăng tải liên tục các dòng trạng thái, các bức ảnh, thể hiện mình có cuộc sống năng động, thú vị, ta thoải mái nói năng, những cái like và comment vuốt ve lòng tự ái của ta. Luôn luôn, cõi mạng cho ta những cuộc vui khó cưỡng. Thống kê năm 2020 của World Population Review cho biết Việt Nam là nước đứng thứ 7 trong số 10 nước dùng facebook nhiều nhất thế giới.

Thử làm một so sánh về hai trường hợp bestseller văn chương ở Hàn Quốc và Việt Nam để thấy sự khác biệt lớn đến mức nào. Cuốn tiểu thuyết xúc động “Hãy chăm sóc mẹ” của Shin Kyung-sook giành giải Man Asian Literary 2011, trong khoảng hai năm rưỡi bán 2 triệu bản ở xứ sở kim chi. Trong khi đó tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” - bán trên 350 ngàn bản trong mười năm (2008-2017). Nhớ rằng dân số Hàn Quốc là 51.5 triệu và chúng ta thì có 96.2 triệu.

Ấy vậy mà lượng bán của Nguyễn Nhật Ánh đã là mơ ước của nhiều người viết trong nước, và ông gần như là nhà văn duy nhất sống được bằng nghề. Nhìn chung các tác phẩm văn chương trong nước bán được hai ngàn cuốn trong một năm đã được coi là thành công.

Văn chương bị cạnh tranh bởi các thiết bị công nghệ đã đành, giờ đây lại cũng còn bị cạnh tranh bởi dòng sách phi hư cấu, vốn đang là mảng phát triển mạnh và năng động của nhiều nhà làm sách. Văn học không còn ở vị trí độc tôn như đã từng. Nếu trước đây sách phi hư cấu đa số là sách nghiên cứu, tiểu luận chuyên sâu, thì bây giờ bung nở các loại tự truyện, du ký, sách dạy làm cha mẹ, sách nấu ăn, sách thời trang, làm đẹp, sách dạy trang trí nhà cửa, sách hôn nhân gia đình... Người đọc hứng thú hơn với những cuốn sách mang lại cho họ những kỹ năng, kiến thức ứng dụng được ngay, hay những cuốn sách kể câu chuyện thú vị của một cá nhân cụ thể thay vì tính chất hư cấu và khái quát của văn học.

Ngoài sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thì đa số những cuốn bestseller nhiều năm gần đây là sách phi hư cấu: “Tôi tài giỏi bạn cũng thế” - Adam Khoo, “Cà phê cùng Tony” - Tony Buổi Sáng, “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu” - Rosie Nguyễn, và mới đây nhất là cuốn “Muôn kiếp nhân sinh” của Nguyên Phong, viết về những trải nghiệm tiền kiếp, ra mắt tháng 6 năm 2020 và sau hai tháng, đã tiêu thụ 180 ngàn bản.

Sự phát triển của dòng sách phi hư cấu nhìn chung là lành mạnh và văn minh vì con người cần nhiều thứ để làm cho cuộc sống của mình trở nên tốt đẹp hơn chứ không chỉ có văn học. Dù vậy, là người hoạt động trong lĩnh vực văn chương, tôi cũng không khỏi cảm thấy có chút buồn.

2. Văn chương đã vốn tiêu thụ khó khăn, đã vậy lại đang có một thế lực nữa mới nổi lên đe dọa tương lai của nghề viết. Nhà văn thường không phải là nghề hấp dẫn trong xã hội, nhìn chung vất vả, ít tiền, nhưng gầy đây AI còn đe dọa “cướp cơm”. Chúng ta hẳn đã nghe và đọc về AI - trí tuệ nhân tạo với khả năng thay thế con người vô tận của nó. Sử gia nổi tiếng Yuval Noah Harari trong cuốn “Homodeus” liệt kê các ngành nghề có thể bị AI thay thế trong tương lai gần, bao gồm lái xe, nhân viên ngân hàng, nhân viên đại lý du lịch, giao dịch viên chứng khoán, luật sư, bác sĩ, dược sĩ,…

Nhưng thánh đường nghệ thuật cũng chẳng còn an toàn. Giáo sư âm nhạc David Cope đã viết ra một chương trình máy tính có thể sáng tác 5.000 bản thánh ca theo phong cách Bach trong một ngày. Ông cho tổ chức biểu diễn vài bản trong một lễ hội âm nhạc và khán giả rưng rưng xúc động. Cope tiếp tục phát triển cả một chương trình tinh vi hơn, có thể tự học sáng tác mọi thể loại âm nhạc, thậm chí làm cả thơ haiku. Năm 2011, Cope xuất bản “Rồi những đêm bốc lửa”: 2.000 bài thơ haiku của người và máy, trong đó tên các tác giả đều bị giấu đi để thách thức người đọc phân biệt.

Trên thế giới còn có cuộc thi máy viết tiểu thuyết mang tên NaNoGenMo khởi xướng từ năm 2013 dành cho lập trình viên toàn cầu, với yêu cầu trong vòng một tháng, chương trình máy tính do họ phát triển phải viết được một tiểu thuyết 50 ngàn chữ (tiếng Anh). Dù bảy năm nay các chương trình máy viết vẫn chưa cho ra được văn bản nào đáng được gọi là tiểu thuyết, nhưng ở Nhật Bản đã có một câu chuyện khá chấn động. Nhật Bản có giải thưởng Hoshi Shinichi Award, một giải thưởng văn chương mới mẻ và cởi mở, chấp nhận cả người viết và máy viết.

Năm 2016, mùa giải lần thứ ba, tiểu thuyết ngắn có tên “The Day a Computer Writes a Novel” (Ngày máy viết tiểu thuyết), do chương trình máy tính của một nhóm kỹ sư viết ra, đã lọt qua được vòng đầu tiên trong bốn vòng chấm giải. Dù mô tả tính cách nhân vật chưa ổn, tác phẩm được nhận xét là có cấu trúc tốt, câu chữ chỉn chu, và lọt qua được vòng một thì hẳn cũng đã được thừa nhận là tiểu thuyết rồi.

Ở xứ ta, nhiều người chắc biết đến trang web Thomay.vn do Công ty Tinh Vân phát triển, với dòng khẩu hiệu hùng hổ - “Nhấn nút phụt thơ”! Ở đó chỉ cần nhấp chuột là ta có thể có những câu thơ, bài thơ theo phong cách “Truyện Kiều”, phong cách Xuân Diệu, Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn... mà nghe thoáng qua cũng hay giật mình.

Vậy giữa cuộc chữ nghĩa thập diện mai phục, người viết trẻ làm gì đây?

3. Điều đáng ngạc nhiên, mặc dù địa hạt văn chương có vẻ thu hẹp lại theo quan sát của tôi, sách văn chương bán kém đi nhưng số lượng người viết lại không hề giảm. Những năm gần đây, hòm thư của chúng tôi nhận khoảng năm trăm bản thảo mỗi năm, chưa kể bản thảo gửi đến riêng cho biên tập viên thông qua các mối quen biết. Người viết đa số là trẻ, và có những người gửi bản thảo đến rất nhiều lần với lượng chữ viết ra đến hàng trăm ngàn chữ.

Tôi không hiểu họ lấy đâu ra nhiều sức lực để viết nhiều đến vậy. Có những lá thư gửi đến Ban Biên tập giọng đầy tha thiết, cho dù bản thảo không đạt, tôi vẫn nhìn thấy tình yêu chân thành của người viết đối với những con chữ. Giấc mộng trở thành nhà văn vẫn là một giấc mộng nhiều người ấp ôm.

Trong số hàng ngàn bản thảo gửi đến chúng tôi trong nhiều năm qua, chỉ một số vô cùng ít ỏi được chọn in - đếm trên đầu ngón tay. May thay người viết vẫn có thể tìm đến các công ty xuất bản đang nở rộ để tìm kiếm sự hợp tác khác. Và nếu không thể in tác phẩm theo kênh chính thống, người viết vẫn có thể tự xuất bản trên mạng. Dù internet và mạng xã hội đang tiêu tốn của chúng ta cực kỳ nhiều thời gian thì vẫn không thể phủ nhận nó tạo ra cơ hội tự xuất bản vô tận. Kênh phi chính thống cũng có sự lợi hại của nó và nhiều người viết đã tận dụng rất tốt điều này.

Bây giờ không gì dễ dàng hơn việc đăng bài viết lên Facebook, Instagram, Blog, Twiter cá nhân, hoặc trên các diễn đàn nơi tập trung những người viết có cùng sở thích. Nhiều người đã đi từ những bài viết nhỏ trên trang cá nhân mà dựng thành sách. Tự xuất bản trên mạng giúp tác phẩm của người viết được quảng bá, khả năng tương tác trực tiếp với độc giả khiến tác giả có cảm hứng và có sức ép để tiếp tục lao động nhiều hơn. Nếu bạn viết đủ lâu và đủ tốt, biên tập viên các nhà xuất bản có thể tìm đến bạn đề nghị ký hợp đồng làm sách nếu thấy phù hợp, hoặc gợi ý khả năng phát triển các ý tưởng tiềm năng của bạn thành sách. Cuối cùng, việc tác giả tự gây dựng được một cộng đồng đọc của mình qua các trang cá nhân sẽ là điểm cộng lớn ở thời đại quá tải thông tin này.

Tôi chỉ nghĩ đơn giản, nếu đã lựa chọn thì cứ viết thôi. Gõ bàn phím và trải những dòng ý tưởng, những mạch cảm xúc lên trang viết. Người viết có thể trở thành nhà văn lớn, nhà văn bestseller hoặc không, tác phẩm có thể được in ra hoặc mãi nằm trong bóng tối, nhưng viết ít nhất đã là trả lời những câu hỏi nội tâm của người viết, hoặc là vượt qua một thách thức với chính mình. Như trong thần thoại Hy Lạp, chàng Sysiphus ngày qua ngày đẩy tảng đá lên dốc núi, cứ đến buổi chiều chạm tới đỉnh thì tảng đá lại lăn xuống để rồi hôm sau cuộc lăn đá nhọc nhằn đó phải làm lại từ đầu. Nhưng sự nhẫn nại cho dù chẳng đi tới đâu ấy chính là một vẻ đẹp căn bản của nhân tính.

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-kho-tin-nhung-co-that/tam-su-cua-bien-tap-vien-nhan-duoc-ban-thao-tren-1-trieu-chu-i595629/