Tâm sự của người đàn ông phạm tội khi tuổi đã xế chiều

Là cán bộ xã có thâm niên và đã có một gia đình đàng hoàng, yên ổn nhưng Cao Thế Từng, SN 1960 ở xã Bình Bộ, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ lại phạm một sai lầm mà cho đến giờ nhắc lại ông ta không khỏi ân hận. Những ngày sống trong trại giam là quãng thời gian để Từng hiểu hơn về thế giới của những người phạm tội, một thế giới mà trước đây ông ta chỉ biết đến qua sách báo, phim ảnh.

Tâm sự với chúng tôi về bài dự thi cảm nhận về sách do Cục Quản lý trại giam (C10) Bộ Công an tổ chức, người đàn ông này thành thật: “Trước đây đọc sách là vì công việc còn bây giờ tôi đã đặt mình vào vị trí của những người lầm lỗi để hiểu hơn về những trăn trở, lo lắng, suy tư và cả những dằn vặt mà hầu hết người khoác áo phạm nhân nào cũng có tâm trạng đó. Đọc những bài viết của họ mà thấm thía”. Hiện phạm nhân Cao Thế Từng đang cải tạo ở đội trực sinh phân trại 2 trại giam Tân Lập.

Phạm tội vì tham

Khuôn mặt vuông và dáng người thấp đậm nhưng điểm nổi bật ở Từng chính là cách ăn nói gãy góc, gọn gàng. Phạm nhân Cao Thế Từng tạo được sự thân thiện và cảm tình với chúng tôi ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nhất là tấm băng đội trưởng đội tự quản đeo trên tay áo của Từng. Không rào trước đón sau, Từng thẳng thắn kể về tội trạng của mình bằng giọng nói hết sức nhẹ nhàng, tuy có đôi chút ngượng ngập. Cũng phải thôi bởi trước khi khoác áo phạm nhân, Cao Thế Từng là cán bộ xã nhưng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để làm điều trái với pháp luật.

Là niềm tự hào của gia đình, thậm chí là dòng họ bởi Từng nắm giữ vị trí người đứng đầu của xã, lại có một gia đình hạnh phúc với ba người con đều đã trưởng thành. Vợ Từng cũng là người phụ nữ tháo vát, tần tảo và biết thu vén nên cuộc sống gia đình dù thời gian đầu cũng gian nan chật vật song rồi cũng trở nên khá giả, hạnh phúc. Nhắc đến vợ, Từng bảo số may mắn vì cưới được người vợ đảm đang, giờ đây ông ta hoạn nạn vẫn thu xếp thời gian lên thăm chồng, cho dù không đều đặn, thường xuyên nhưng với Từng như thế là mãn nguyện rồi.

Theo bản án, ông Khổng Kim Thiện, GĐ Cty vận tải Bạch Hạc có giấy phép khai thác cát sỏi lòng sông Lô, đoạn thuộc địa phận xã Bình Bộ, huyện Phù Ninh. Trong quá trình khai thác cát sỏi, tàu thuyền của Cty vận tải Bạch Hạc thường xuyên bị người dân xã Bình Lộ ném đá, cắt dây neo tàu cản trở việc khai thác. Ông Thiện có đơn đề nghị UBND xã Bình Bộ can thiệp, hỗ trợ để công việc của mình được tiến triển. Lúc bấy giờ Cao Thế Từng là Chủ tịch UBND xã Bình Lộ.

Trước đề nghị của ông Thiện đã gợi ý rằng nếu muốn được yên ổn hoạt động trên địa phận xã Bình Lộ thì phải chi 200 triệu đồng/tháng. Số tiền này, ông Từng giải thích rằng để bồi dưỡng cho lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, tuần tra khu vực sông Lô địa phận của xã mình. Biết khó xoay nổi tình thế nên ông Thiện buộc phải nghe theo và từ 29-9-2012 đến 29-11-2012 đã 5 lần đưa tiền hối lộ cho ông Từng với tổng số tiền là 400 triệu đồng.

Khi sự việc được phát giác, Chủ tịch UBND xã Bình Lộ Cao Thế Từng đã bị TAND tỉnh Phú Thọ tuyên phạt 17 năm tù giam về tội nhận hối lộ. Tháng 8-2013, Từng về trại giam Tân Lập cải tạo.

Phạm nhân Cao Thế Từng (ngoài cùng bên trái) đang cùng các phạm nhân khác tập tiểu phẩm biểu diễn trong trại giam. Ảnh: Hà My

Phạm nhân Cao Thế Từng (ngoài cùng bên trái) đang cùng các phạm nhân khác tập tiểu phẩm biểu diễn trong trại giam. Ảnh: Hà My

Thấm thía và day dứt

Sau gần một năm ở trại tạm giam chờ hầu tòa, Từng về trại giam Tân Lập cải tạo lao động. Thời gian đầu, ông ta làm các công việc như những phạm nhân bình thường nhưng nhờ chăm chỉ, tiến bộ và thạo việc nên được cất nhắc vào ban tự quản của phân trại. Hỏi Từng cảm giác ở trại tạm giam với trại cải tạo có khác nhau nhiều không, ông ta chậm rãi: “Khác nhau nhiều chứ. Một đằng là giam mình trong bốn bức tường, đầu óc lúc nào cũng căng như dây đàn vì không biết mình sẽ bị xét xử thế nào, án bao nhiêu năm, bồi thường bao nhiêu và đi cải tạo ở đâu. Còn trại cải tạo thì tâm lý cũng thoải mái hơn rất nhiều vì án bao nhiêu năm cũng biết rồi, chỉ còn là cải tạo như thế nào thôi.

Ngày hai buổi đi làm, tối về được xem tivi, nghe thời sự. Một tuần có 2 ngày cuối tuần nghỉ ngơi để làm những việc mình yêu thích như đọc sách, đánh cờ, chơi thể thao hay giặt giũ, dọn dẹp chỗ ở. Mỗi buồng giam đều có tủ sách để phạm nhân luân phiên nhau đọc nên chúng tôi được tiếp cận với sách báo. Ai có năng khiếu thì tham gia vào các đội thể thao, văn nghệ. Mục tiêu là cải tạo tốt để được giảm án nên ai cũng cố gắng phấn đấu”.

Hỏi về gia đình, Từng bảo các con đều chăm chỉ và biết làm kinh tế, tuy đứa nào cũng bận con nhỏ nhưng đều biết thu vén, vài tháng lại vào thăm Từng một lần. Từng bảo mỗi lần bố con, vợ chồng gặp nhau, đều hỏi thăm sức khỏe những người ở nhà và nói lời động viên nhau cùng cố gắng. Người đàn ông trung niên này thầm cảm ơn số phận đã cho mình những đứa con ngoan và người vợ chung thủy, hiểu được tâm trạng của Từng nên không đả động gì tới lỗi lầm của ông ta.

Từng bảo đó là một điều làm ông ta thấy được an ủi rất nhiều bởi dù là người có tội ở ngoài xã hội thì với các con, Từng luôn là một người cha, được con cháu kính trọng. “Tôi có một cái may mắn hơn người khác là khi tôi bị bắt, các con đều đã trưởng thành nên hiểu và thông cảm cho những vấp váp của tôi. Biết tôi hay suy nghĩ nên mỗi lần gặp mặt, vợ con không bao giờ đả động gì tới tội lỗi của tôi mà chỉ khuyên tôi giữ gìn sức khỏe. Tôi thấy mình được an ủi nhưng cũng cảm thấy áy náy vì đã để vợ con phải chịu tai tiếng”, Từng tâm sự.

Nói về những cảm nhận của mình khi đọc cuốn “Gửi lời xin lỗi”, Từng bảo để hiểu được một cách sâu sắc những day dứt, ân hận, nuối tiếc của tác giả những bài viết đó thì cách tốt nhất là phải biết đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh của họ mới hiểu được tâm trạng giằng xé trong lòng những phạm nhân này. Trong một bài viết về cảm nhận sách, Từng đã viết như thế này: “Cuộc đời của mỗi con người là quá trình học tập và đọc sách để tu dưỡng và hoàn thiện bản thân. Sách giúp cho mỗi chúng ta có thể quay ngược thời gian để được sống cùng với những giây phút hào hùng của lịch sử dân tộc nhưng cũng để nhìn nhận lại những vấp váp sai lầm của mình để những bước chân vững chắc đi tiếp đến tương lai tốt đẹp”.

Là người có trình độ và ý thức chấp hành tốt nên từ ngày vào trại giam Tân Lập cải tạo, Từng luôn được cán bộ tin tưởng, giao việc quản lý các buồng giam và kiểm tra việc giữ gìn vệ sinh khu vực phân trại và nơi làm việc,…Bất cứ công việc nào, Từng cũng hoàn thành một cách xuất sắc nên hai năm trở lại đây được giao làm đội trưởng đội tự quản. Ông ta đã nhiều lần được xét giảm án nên ngày trở về đoàn tụ với gia đình không còn bao xa nữa.

Hỏi về việc phạm nhân này có được nằm trong diện tha tù có điều kiện không, Trung tá Vương Thế Huynh, đội trưởng đội giáo dục trại giam Tân Lập cho biết: “Phạm nhân Cao Thế Từng làm giúp việc cho cán bộ, người này làm việc chăm chỉ, có ý thức kỷ luật tốt và đã nhiều lần được xét giảm án nhưng không nằm trong diện tha tù trước thời hạn có điều kiện vì dù là tiền án đầu tiên nhưng hành vi phạm tội của ông ta thực hiện nhiều lần nên không được xét”.

Hỏi Từng có dự định gì cho tương lai, phạm nhân này cho biết: “Tôi xác định cách duy nhất để ra tù sớm là phải cải tạo tốt. Phải nỗ lực, cố gắng hết mình”.

Trước khi chia tay chúng tôi để trở về phân trại, tiếp tục công việc đi kiểm tra buồng giam của mình, nam phạm nhân này nhắn nhủ: “Chỉ mong sao mọi người thông cảm và cho tôi một cơ hội để sửa chữa sai lầm”.

Nguyễn Vũ – Hà My

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tam-su-cua-nguoi-dan-ong-pham-toi-khi-tuoi-da-xe-chieu-203280.html