Tâm sự của người Việt 'tự cách ly' sống gần tâm dịch Daegu (Hàn Quốc)

'Sống cùng nhà với vợ con, nhưng tôi phải 'tự cách ly', từ ăn uống, nói chuyện, sinh hoạt hàng ngày...'-anh Nguyễn Đức Vinh sống gần tâm dịch Daegu cho biết

Hàn Quốc hiện đang là tâm chấn dịch bệnh Covid-19 khi tính đến hết ngày hôm qua (2/3) nước này ghi nhận 599 trường hợp nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên thành 4.335 và thêm 7 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên thành 28. Khoảng 57% các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 được xác nhận liên quan đến một nhánh của giáo phái Tân Thiên Địa ở Daegu, thành phố Đông Nam nước này.

“Sống cùng nhà nhưng tôi nói chuyện với con qua bức tường”

Anh Nguyễn Đức Vinh hiện đang làm việc trong một công ty tại Hàn Quốc. Công ty của anh Vinh chỉ cách “tâm dịch” nhà thờ Tân Thiên Địa Daegu 50 km. Còn nhà anh cách đó chỉ có 3 ga tàu điện ngầm, khoảng 10km. Vì thế, cả ở khu vực công ty và ở nhà tình hình dịch Covid-19 khá căng thẳng, nhiều người thấy hoang mang, lo lắng.

Anh Nguyễn Đức Vinh (ảnh trái), sống cách khoảng nhà thờ Tân Thiên Địa Daegu khoảng 10km

Anh Nguyễn Đức Vinh (ảnh trái), sống cách khoảng nhà thờ Tân Thiên Địa Daegu khoảng 10km

Anh Vinh cho biết, ở trong vùng tâm dịch, nên cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của anh cũng như mọi người ở đây bị xáo trộn rất nhiều. “Ở Hàn đi làm chủ yếu bằng phương tiện công cộng nên gần như không ai giám tiếp xúc gần với ai, vì không biết ai là người nhiễm bệnh hay không nhiễm bệnh. Mọi người chỉ khi có việc cần thiết mới đi ra ngoài, hạn chế tối đa tới chỗ đông người”.

Vì dịch diễn biến phức tạp, nên ở công ty anh Vinh, mọi người vất vả hơn rất nhiều. “Đi làm nhưng ai cũng cảm thấy bất an, nhất là những người di chuyển bằng phương tiện công cộng như tôi. Nếu công ty chỉ một người có biểu hiện cảm cúm thì mọi người phải nghỉ làm. Vì thế, việc dồn lại rất nhiều. Chúng tôi đi làm trong tâm thế khá căng thẳng”- anh Vinh cho biết.

Anh Nguyễn Trọng Kiên chủ cửa hàng điện thoại ở thành phố Gunpo, tỉnh Gyeonggi-do

Anh Nguyễn Trọng Kiên chủ cửa hàng điện thoại ở thành phố Gunpo, tỉnh Gyeonggi-do

Khi đi làm về gần đến nhà, anh Vinh phải thông báo để vợ con vào một phòng khác. Muốn nói chuyện với con, anh Vinh cũng phải nói qua bức tường. Đến bữa ăn, anh phải anh riêng một phòng, vợ con ăn riêng một phòng.

“Cả ngày đi làm chỉ mong được bế con, nói chuyện với nó nhưng về nhà thì bố con không được gặp nhau. Có muốn nói chuyện với con cũng chỉ câu được câu chăng qua tường nhà. Sống cùng nhà với vợ con, nhưng tôi phải “tự cách ly”, từ ăn uống, tắm giặt, sinh hoạt hàng ngày… Tôi thường xuyên đi làm bằng phương tiện công cộng nên nguy cơ lây nhiễm rất cao, “tự cách ly” là để giữ an toàn cho vợ con”- anh Vinh cho biết.

“Tự cách ly” với vợ con như vậy nhưng dường như anh Vinh chưa cảm thấy yên tâm, mới đây anh Vinh đã quyết định đưa vợ con về quê ở Nghệ An để cách ly theo quy định của cơ quan y tế. “Đưa vợ con về Việt Nam, tôi cảm thấy yên tâm ở lại Hàn Quốc làm việc. Tình hình dịch ở đây không biết thế nào, trong khi chúng tôi lại ở gần tâm dịch. Khi nào dập được dịch tôi sẽ đưa vợ con sang”.

Còn cửa hàng điện thoại của anh Nguyễn Trọng Kiên, thành phố Gunpo, tỉnh Gyeonggi-do thì cả tháng nay gần như vắng khác. Đây cũng là tình trạng chung của những người kinh doanh ở Hàn Quốc trong thời gian này. Nhiều nhà hàng, quán ăn gần như phải đóng cửa vì vắng khách.

Anh Kiên cho biết, một số người lao động Việt Nam ở Hàn Quốc đã về Việt Nam hoặc lên kế hoạch về trong nước khai báo, cách ly theo quy định. Còn những người ở lại cũng chia sẻ với nhau về những khó khăn trong công việc, cách phòng chống dịch, trang bị các đồ dùng cần thiết như khẩu trang y tế, nước khử trùng…

“Trong tình hình dịch diễn biến khó lường như hiện nay ở Hàn Quốc, chúng tôi khá khó khăn trong kinh doanh, nhưng đây là tình hình chung. Bây giờ việc quan trọng nhất là lo phòng chống dịch”- anh Kiên cho biết.

“Ai cũng về Việt Nam sẽ thêm gánh nặng về chỗở, chi phí cách ly

Từ tuần cuối của tháng 2, khi dịch Covid 19 bắt đầu bùng phát ở Hàn Quốc thì bạn Nguyễn Như Ngọc, đang học Thạc sĩ tại trường Đại học Hannam, Deajeon (theo diện học bổng Chính phủ Hàn Quốc) đã chủ động không ra ngoài nhiều. Mỗi tuần, Ngọc chỉ ghé siêu thị nhỏ gần nhà mua đồ ăn một lần rồi để tủ lạnh.

“Khi mới có dịch, đường phố vẫn nhộn nhịp như thường, khá nhiều người Hàn vẫn không đeo khẩu trang. Có lẽ mọi người chủ quan bởi khi ấy ở thành phố Deajeon cũng mới có 2 ca nhiễm và trong suốt 3 ngày không hề tăng thêm bệnh nhân nào. Tuy nhiên, tới đầu tuần này, số ca nhiễm Covid -19 ở Hàn tăng liên tục và tăng tới vài trăm người mỗi ngày thì mọi người bắt đầu hoang mang, sợ hãi. Đến nay, số ca nhiễm ở Hàn đã vượt quá 4.000 thì mọi người càng cảm thấy lo sợ, ai cũng đeo khẩu trang phòng chống. Hiện tại, tôi gần như chỉ ở trong nhà, nhìn ra đường thì thấy rất vắng vẻ, đìu hiu”- Ngọc cho biết.

Bạn Nguyễn Như Ngọc, đang học Thạc sĩ tại trường Đại học Hannam, Deajeon

Bạn Nguyễn Như Ngọc, đang học Thạc sĩ tại trường Đại học Hannam, Deajeon

Đến hôm nay, Ngọc đã quyết định xin nghỉ thực tập ở Trung tâm Giao lưu Quốc tế Thành phố để “cố thủ” hoàn toàn trong nhà. Bạn bè của Ngọc, trong đó có nhiều người làm thêm ở các quán ăn đã xin nghỉ để hạn chế đi lại. “Dịch vụ giao hàng tận nhà ở đây vẫn hoạt động bình thường, chưa thấy dấu hiệu bị thiếu hụt lương thực nên tạm thời chúng tôi vẫn khá ổn”- Ngọc nói.

Nguyễn Như Ngọc cho biết, nhiều bạn bè của cô sẽ lên trường xin đăng ký bảo lưu một kỳ, thậm chí là 1 năm để về hẳn Việt Nam cho an toàn. “Tôi cũng như nhiều bạn đang phân vân giữa quyết định nên ở lại Hàn hay về Việt Nam. Hiện nay nhiều trường mới chỉ lùi lịch học đến 16/3, nếu bây giờ chúng tôi về thì sẽ cách ly 14 ngày. Giả sử sau 14 ngày bên Hàn ổn định, chúng tôi quay lại Hàn ngay ngày hôm sau thì khi tới Hàn, khả năng cao là vẫn phải tự cách ly thêm 14 ngày nữa mới được đến trường. Như vậy, tổng cộng ít nhất là 28 ngày phải cách ly, rất ảnh hưởng đến học tập. Thế nên, chúng tôi vẫn đang mong chờ trường cho quyết định cho phép du học sinh được nghỉ học một kỳ hoặc lùi lịch học qua đến tháng 4 thì mới quyết định về Việt Nam”- Ngọc nói.

Theo Ngọc, hiện tại cô vẫn muốn ở lại Hàn Quốc, bởi trước hết là sự bất tiện, khó khăn trong việc bảo lưu học kỳ bởi Ngọc còn phải bảo lưu cả học bổng do Chính phủ Hàn Quốc cấp nên phải chờ xin giấy từ Viện Giáo dục Quốc tế Quốc gia Hàn Quốc chứ không phải chỉ xin từ nhà trường.

Hơn nữa, Ngọc thấy bản thân sức khỏe tốt, nếu hoàn toàn không ra ngoài thì có khi còn an toàn hơn việc liều mình đi tàu, đi xe, tới sân bay- nơi có rất nhiều nguy cơ lây nhiễm virus.

“Tôi cũng chưa chắc tình hình Việt Nam trong thời gian tới có ổn như bây giờ hay không. Tôi nghĩ nếu ai cũng về Việt Nam thì lại thêm phần gánh nặng cho đất nước vì chỗ ở và chi phí cho việc cách ly. Tôi rất hy vọng Hàn Quốc sẽ sớm ổn định tình hình và “thay đổi cục diện trong tuần tới” như lời Tổng thống Moon Jae-in đã nói. Và cuối cùng, nếu Hàn có trở thành “Vũ Hán thứ hai”, hàng loạt chuyến bay có bị hủy đi chăng nữa thì tôi vẫn tin Chính phủ Việt Nam "trong cuộc chiến này sẽ không có một ai bị để lại"./.

An An/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tam-su-cua-nguoi-viet-tu-cach-ly-song-gan-tam-dich-daegu-han-quoc-1017138.vov