Tâm sự của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư sau khi nhận giải 'Văn học Đông Nam Á xuất sắc'

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vừa được vinh danh tại Giải thưởng Văn học Điền Trì,Trung Quốc với bộ 3 truyện ngắn trong tập truyện 'Cố định một đám mây' - tác phẩm mà tác giả coi như bước chuyển mình về văn phong, bút pháp.

Giải thưởng Văn học Điền Trì đã qua 20 lần tổ chức, hàng năm tạp chí Văn học Điền Trì bình chọn những tác phẩm xuất sắc từ ấn phẩm năm trước để trao giải.

Năm nay, 3 truyện ngắn Cố định một đám mây, Một mùa sương thức, Những biển trong tập Cố định một đám mây của Nguyễn Ngọc Tư (Phanbook và NXB Đà Nẵng ấn hành, 2018) được trao giải Văn học Đông Nam Á xuất sắc năm 2024.

Cố định một đám mây bao gồm 10 truyện ngắn, được đơn vị phát hành giới thiệu sẽ "đưa độc giả bước vào một không gian mới trong chuyến viễn hành văn chương âm thầm nhưng đầy dấu ấn cá nhân”. Tập truyện được viết với văn phong điêu luyện, đủ dửng dưng và lạnh lùng để tạo ra sự thử thách và quyến rũ, gây choáng ngợp cho người đọc.

Tập truyện ngắn "Cố định một đám mây". Ảnh: Tư liệu

Tập truyện ngắn "Cố định một đám mây". Ảnh: Tư liệu

Chia sẻ với VietNamNet, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cho biết: “Cố định một đám mây là một trong những tác phẩm tôi đánh giá cao bên cạnh Cánh đồng bất tận, Đảo, Biên sử nước hay sau này là Trôi. Không hẳn vì nó hay - sự hay dở nên để bạn đọc đánh giá. Nhưng với tôi, đây là sự chuyển biến trong kỹ thuật viết, đánh dấu một cú thay đổi nào đó, dù nhỏ. Khi viết Cố định một đám mây, tôi bắt đầu đào sâu vào nội tâm, theo đuổi những ý nghĩ, cảm giác thay vì cố kể cho thành một câu chuyện có đầu có cuối”.

Vì lý do cá nhân, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư không thể tham dự Lễ trao giải tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc tối 14/9. Trong diễn từ gửi ban tổ chức, chị viết: “Với một nhà văn, sự hiện diện quan trọng nhất của anh/chị ta chính là ở tác phẩm" và khẳng định niềm tin rằng văn chương, nghệ thuật vốn không hề có biên giới.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Ảnh: NVCC

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Ảnh: NVCC

Chị bày tỏ: “Cảm ơn tạp chí Điền Trì đã giúp sức cho những tác phẩm này chống lại sự xa cách của kẻ khai sinh ra chúng. Cảm ơn chủ biên, ban biên tập, đã nhắc nhớ rằng, dẫu tôi giả vờ như quên những gì mình từng viết thì chúng cũng là những đứa con tinh thần mà tôi đã từng hoài thai, chăm chút”.

Nhà văn thẳng thắn cho biết thường tránh né việc đọc lại tác phẩm sau khi đã in thành sách. Lý do một phần là "đã đọc chúng nhiều đến phát chán trong lúc sửa chữa hoàn thiện bản thảo, phần khác, tôi không cách nào đọc lại mà không thất vọng, không nhìn thấy những lỗi sai, những câu chữ vụng về - thứ luôn hiện rõ dần trước độ lùi của thời gian". Hơn hết, điều quan trọng nhất là chị "không muốn mất thời giờ quyến luyến những thứ đã viết xong, đã ở thì quá khứ, mà dành trọn tâm trí cho những gì đang và sẽ viết sắp tới đây".

Trong một cuộc trò chuyện với VietNamNet khi được hỏi “Chị có kế hoạch đưa tác phẩm của mình ra ngoài biên giới, hướng đến độc giả quốc tế không?”, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cho hay: “Không, tôi nào có kế hoạch gì. Chuyện ấy tùy duyên thôi. Mà cái duyên lớn nhất là phụ thuộc vào dịch giả. Mà không riêng gì tôi, văn học Việt Nam có bước ra ngoài được hay không, đều là nhờ vào các anh chị dịch giả ấy chứ, là tôi nghĩ vậy”.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư từng nhận nhiều giải thưởng văn học quốc tế: Giải thưởng văn học ASEAN năm 2018 với tác phẩm Ngọn đèn không tắtCánh đồng bất tận; Giải thưởng LiBeraturpreis 2018 do Hiệp hội Quảng bá văn học châu Á, châu Phi, Mỹ Latin tại Đức (Litprom) bình chọn với tác phẩm Cánh đồng bất tận.

Năm 2019, Nguyễn Ngọc Tư thuộc Top 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất tại Việt Nam 2018 do tạp chí Forbes bình chọn.

Tháng 7 năm nay, bản dịch tác phẩm Biên sử nước của Nguyễn Ngọc Tư sang tiếng Anh với tựa đề Water: A Chronicle do dịch giả An Lý thực hiện đã giành giải PEN Translates của English PEN (Hiệp hội Văn bút Anh).

Linh Đan

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nha-van-nguyen-ngoc-tu-nhan-giai-thuong-cua-tap-chi-trung-quoc-2322381.html