Tâm sự của những người Việt mắc COVID -19 trở về từ nước ngoài
Đó là suy nghĩ của những người Việt mắc COVID -19 trở về từ nước ngoài, nay khỏi bệnh, được ra viện.
“Hôm nay (7/4), có 11 bệnh nhân được ra viện, đây là những người đã âm tính 2 lần trở lên và không có tổn thương ở phổi. Chúng tôi rất vui, mừng cho bệnh nhân và cũng mừng vì quá trình điều trị của bệnh viện đã có kết quả” - bác sĩ Đỗ Thị Phương Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 nói.
Rất vui vì khỏi bệnh, Tạ Anh Thư (bệnh nhân số 136) nói: “Em điều trị trong 2 tuần và hiện sức khỏe rất ổn. Mọi người rất tận tâm chăm sóc em, từ chụp chiếu, thăm khám tới từng bừa cơm. Em thật lòng cảm ơn bác sĩ Mai và đội ngũ nhân viên y tế tại bệnh viện. Em mong sau đợt bệnh sẽ có thể cùng gia đình giúp đỡ bệnh viện, dù nhỏ bé”.
Thư là du học sinh tại Mỹ, về Việt Nam từ ngày 16/3, 5 ngày sau cô nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Cô gái nói: “Ở Mỹ, điều kiện chữa bệnh của du học sinh rất khác nhau tùy vào gia đình mỗi người có chi trả được không. Em nghĩ chất lượng y tế tại Việt Nam rất ổn”.
Anh Đặng Văn Bé (bệnh nhân số 137) làm việc tại Đức đã 2 năm nay, về nước ngày 15/3, lúc đó Đức đã có hơn 1.200 ca mắc COVID-19. Anh Bé được cách ly tại Sơn Tây, đến khi có triệu chứng ho, sốt, anh được xét nghiệm và đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cơ sở 2 điều trị.
“Đội ngũ y bác sĩ của mình quá tuyệt vời, nhiệt tình và rất có trách nhiệm; luôn động viên người bệnh cố gắng, lạc quan. Gia đình mình cũng lo lắng nhưng mình bảo không có gì cả bởi mình tin tưởng tuyệt đối vào Chính phủ. Ở Việt Nam mình rất yên tâm, không đâu bằng Tổ quốc mình” - anh Bé nói.
Cả tháng không về nhà
Đã một tháng nay, bác sĩ Mai chưa về nhà bởi sợ lây nhiễm bệnh cho hàng xóm, người thân. “Chúng tôi mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang gần như cả ngày lẫn đêm. Tôi may mắn có phòng riêng nên khi ngủ có thể bỏ khẩu trang. Các bạn nhân viên của tôi ngủ chung phòng, dù giường cách xa theo tiêu chuẩn nhưng vẫn phải cẩn thận nên các bạn đeo cả lúc ngủ” - bác sỹ Mai nói.
“Điều trị bệnh nhân COVID - 19 rất khó khăn vì đây là virus mới, cơ chế gây bệnh không rõ ràng, không có phác đồ cụ thể…
Giai đoạn 2 còn khó khăn hơn nữa bởi số bệnh nhân tăng lên nhiều và nhanh, bệnh cảnh lâm sàng cũng nhiều nên phải lọc máu, thở máy. Ở khoa của tôi, có bệnh nhân biến đổi bất thường, lúc âm tính nhưng sau đó lại dương tính hay có bệnh nhân khác gặp tác dụng phụ, sốt cao làm chúng tôi trăn trở rất nhiều”.