Tâm sự của những thai phụ và bà mẹ có con nhỏ được đón về trên 'chuyến bay nghĩa tình'
Những người con xa quê gặp hoàn cảnh khó khăn đang trong thời gian thai kỳ, những cháu nhỏ có người thân đi kèm được Quảng Bình đón về trên 'Chuyến bay nghĩa tình'. Lần hồi hương đặc biệt này chắc sẽ khắc sâu trong tâm trí những thành viên trên chuyến bay.
"Vỡ òa khi được trở về quê"
Hai chuyến bay nghĩa tình đã đưa gần 400 thai phụ, trẻ nhỏ có người thân đi kèm từ các tỉnh phía Nam đang có dịch trở về quê hương. Trong số những người con được tỉnh nhà tạo điều kiện về quê dưỡng thai trong mùa dịch có chị Trần Thị Nhung (SN 1989). Chị Nhung cho biết bản thân và chồng đều là người con của vùng đất Lệ Thủy. Gần 5 năm nay, hai người sinh sống và làm việc tại Dĩ An (Bình Dương).
Khi tình hình dịch tại nơi cứ trú diễn biến phức tạp, cuộc sống của anh chị bị ảnh hưởng tiêu cực. Trong khi đó chị đang mang thai đứa con ở tuần thứ 20 của thai kỳ. Vì dịch nên kinh tế gặp khó khăn, đi lại cũng hạn chế nên việc chăm sóc tốt cho thai nhi gặp khó.
"Ở trong đó dịch dã phức tạp, việc ăn uống cũng nhiều hạn chế vì kinh tế khó khăn. Rồi đi lại cũng bị hạn chế nên cũng không thể thường xuyên đi khám thai hay nhận tư vấn của bác sỹ", chị Nhung cho biết.
Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, điều cả hai vợ chồng chị đều mong muốn là sớm được về quê để dưỡng thai và sinh con. Nhưng trong tình hình dịch phức tạp việc đưa người vợ đang mang thai từ vùng có dịch về quê rất khó khăn. Vậy nên anh chị đành bám trụ lại Bình Dương chờ khi dịch được tạm khống chế để về quê.
Trong thời gian ấy, vợ chồng chị Nhung vui mừng khi nhận được thông tin tỉnh Quảng Bình sẽ tổ chức đón những người con Quảng Bình đang sinh sống và làm việc tại các tỉnh, thành phía Nam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về quê tránh dịch bằng máy bay. Trong đó, thành phần ưu tiên là phụ nữ mang thai và người đang nuôi con nhỏ. Chị đã nhanh chóng tìm hiểu để đăng ký về quê.
"Tình hình dịch khiến cuộc sống khó khăn trăm bề, suy nghĩ đầu tiên là muốn về quê. Bởi xa quê là nhớ, luôn muốn về nơi "chôn nhau, cắt rốn". Nhưng vì bầu bì nên chưa có cách an toàn để về. Vợ chồng tôi rất vui và mong ngóng mình sẽ được về quê dưỡng thai trên chuyến bay do tỉnh Quảng Bình tổ chức", chị Nhung tâm sự.
Những ngày đợi chờ rồi chị Nhung bỗng vỡ òa khi nhận cuộc gọi báo mình nằm trong danh sách thành viên chuyến bay nghĩa tình về Quảng Bình.
"Nhận được tin báo là đêm hôm đó tôi không ngủ được vì vui mừng và háo hức sớm được về quê. Sáng ra là tôi lo chạy đi làm các thủ tục sớm để được về. Gọi về báo cho người thân ai cũng vui, mong ngày cách ly xong về nhà để họ chăm sóc", chị Nhung cho biết.
Cũng là những người con Quảng Bình xa quê có hoàn cảnh khó khăn như chị Nhung, chị Trương Thị Lan (SN 1994) trú thị xã Ba Đồn cùng chồng sinh sống và làm việc tại TP. Thủ Đức thuộc TP. Hồ Chí Minh đã cùng đứa con 2 tháng tuổi lên chuyến bay nghĩa tình về quê hương.
"Tôi cảm thấy rất biết ơn chính quyền và nhân dân quê nhà. Cảm thấy mình may mắn và rất thương nhiều hoàn cảnh khó khăn khác chưa được về quê", chị Lan chia sẻ.
Ấm lòng tình người
Vậy là sau thời gian chờ đợi, vào lúc 12h ngày 22/8, chuyến bay đầu tiên mang số hiệu QH9206 chở gần 200 công dân từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam hạ cánh an toàn tại Cảng hàng không Đồng Hới (Quảng Bình).
Gần 200 công dân còn lại được đón trở về Quảng Bình trên chuyến bay thứ 2 mang số hiệu QH9208 cất cánh lúc 15h10, về đến Đồng Hới lúc 16h45 cùng ngày.
Những đứa nhỏ có lẽ lần đầu được hít hà và cảm nhận làn gió Lào bỏng rát của quê hương vẫn ngoan ngoãn trên đôi tay của ba, mẹ. Họ cùng những bà bầu chầm chậm bước từng bước xuống thang để tới xe trung chuyển vào khu cách ly. Lần hồi hương đặc biệt này có lẽ sẽ mãi khắc sâu vào tâm trí những thành viên của chuyến bay.
"Dịch bệnh như vậy mà về được quê là vui hơn Tết. Hai mẹ con cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ từ cán bộ và các thành viên chuyến bay. Sau này tôi sẽ kể cho con về chuyến bay đặc biệt này", chị Lan nói.
Trên hành trình hồi hương đặc biệt đó, họ hiểu và cảm nhận được tình yêu thương, sự quan tâm của quê nhà đối với con em xa quê. Sự đùm bọc lẫn nhau để cùng vượt qua khó khăn.
Chị Lan kể, chồng không về cùng nên việc di chuyển có nhiều bất tiện. Nhưng với sự giúp đỡ của mọi người, chị cùng con đã an toàn về với quê hương. Chị cảm thấy ai cũng gặp khó, cũng mang trong lòng sự lo lắng nhưng không ai làm ngơ mà luôn hỗ trợ nhau khi có thể.
"Từ trong kia về đến đây hai mẹ con nhận được nhiều sự giúp đỡ. Ai cũng buồn vì dịch dã, lo lắng cho cuộc sống nhưng không vì thế mà họ làm ngơ, không giúp đỡ người cùng hoàn cảnh, em rất yêu tính cách đó của người Việt Nam", chị Lan chia sẻ.
Sau thời gian ngắn tại khu cách ly, chị Nhung, chị Lan cùng nhiều sản phụ, bà mẹ đã cảm nhận được sự quan tâm, chu đáo của cán bộ tại đây.
Những bữa ăn ngon đầy đủ dưỡng chất được đưa tận tay các chị, các mẹ. Những lời hỏi han, quan tâm xem bà bầu ốm nghén có kiêng gì, mẹ nuôi con nhỏ có cần thêm bỉm, thêm sữa... Những sự quan tâm ấy tạo cảm giác gần gũi, an toàn để các chị, các mẹ an tâm cách ly.
"Ở đây, cán bộ rất quan tâm đến mọi người, chăm sóc như là người nhà vậy. Họ luôn hỏi han xem các chị, các mẹ có cần gì, thiếu gì để bổ sung. Điều kiện sinh hoạt có khi lại tốt hơn ở nhà. Chúng tôi cảm nhận như đang được người thân chăm sóc", chị Lan cho biết cảm xúc của mình khó mà diễn tả bằng lời.
Thượng tá Ngô Mậu Quý, Chủ nhiệm Hậu cần, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình cho biết, khu cách ly tập trung tại Trường Cao đẳng Luật Miền Trung thuộc phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới đặc biệt hơn các nơi khác vì phần lớn công dân cách ly tại đây là phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ. Vì vây, công tác bảo đảm an toàn sức khỏe phải được đặt lên hàng đầu, từ khâu chăm sóc y tế, đến dinh dưỡng từng bữa ăn.
"Chúng tôi đã xác định phải làm tốt các công tác chuẩn bị, từ khâu tiếp đón đến việc ăn nghỉ của bà con. Đảm bảo từ 400-500 suất ăn, trong đó xây dựng thực đơn cho bà bầu, trẻ em, đồng thời lực lượng tiếp tế sẵn sàng đưa cơm đến tận nơi cho bà con", Thượng tá Quý cho biết.