Tâm sự nghề bác sĩ tâm thần: Bài 2 - 'Bảo mẫu' của những đứa trẻ trong hình hài người lớn
Bác sĩ tâm thần tâm sự, hầu hết các bệnh nhân nặng đều như những đứa trẻ trong hình hài người lớn. Vì thế, người 'bảo mẫu' cũng cần đặc biệt và cần mẫn.
Bài 2: "Bảo mẫu" của những đứa trẻ trong hình hài người lớn
Làm điều dưỡng là phải hằng ngày tiếp xúc với bệnh nhân. Không chỉ tiêm, truyền, phát thuốc mà đôi khi còn phải hỗ trợ bệnh nhân nặng vệ sinh cá nhân. Phục vụ những bệnh nhân tâm thần, công việc của các điều dưỡng viên khó khăn, vất vả gấp bội vì người bệnh không làm chủ được hành vi.
Hỗ trợ bệnh nhân bị “đèn đỏ” vào ngày 30 Tết
Nữ điều dưỡng Trần Thị Lý, 33 tuổi có 11 năm trong nghề. Chị làm điều dưỡng ở hầu khắp các khoa bệnh viện tâm thần Thanh Hóa. Hiện tại, chị đã học chuyên khoa 1 tâm thần nhưng vẫn gắn bó với công việc của một điều dưỡng trưởng khoa Nữ.
11 năm công tác, chị Lý có nhiều kỷ niệm vui buồn với bệnh nhân nhưng chị nhớ nhất chuyện xảy ra vào chiều 30 Tết năm trước. Hôm đó, đúng ca trực cùng với một điều dưỡng nam thì chị gặp trường hợp một nữ bệnh nhân nặng đến kỳ… đèn đỏ.
“Người ta thường nói khó tính như phụ nữ đến tháng. Mà phụ nữ mắc bệnh tâm thần nặng đến tháng thì tinh thần không thể kiểm soát nổi. Hôm đó, đúng ngày bệnh nhân đến kỳ kinh nguyệt, bê bết hết ra giường chiếu, chăn ga, quần áo, lại không có người nhà chăm sóc. Ca trực chỉ có tôi và một điều dưỡng nam nên một mình tôi phải vật lộn thay quần áo cho bệnh nhân trong nhà tắm hơn 1 giờ đồng hồ”, chị Lý kể lại.
Nữ điều dưỡng cho biết, không những chuyện dở khóc dở cười nói trên, chị từng có lần bị bệnh nhân đánh, đó là kỷ niệm chị nhớ mãi trong những năm làm nghề.
“Lần đó tôi tiêm cho một bệnh nhân nữ. Sau khi tiêm xong chuyển sang tiêm cho bệnh nhân bên cạnh thì bất ngờ bị đánh từ phía sau trúng vào gáy. Do không để ý nên không tránh kịp. Đó là một bệnh nhân mà trước đó chị luôn cho rằng mình không có bệnh nhưng vẫn bị tiêm khiến họ đau. Một tuần sau khi khỏi bệnh, chị ấy gặp xin lỗi tôi và cho biết vẫn nhớ từng đánh tôi do lúc đó tiêm đau nên không kiềm chế được”, chị Lý nhớ lại.
Thừa nhận công việc cực kỳ vất vả nhưng theo chị Lý, chăm sóc bệnh nhân tâm thần cũng có những chuyện vui, xúc động về tình người, về cuộc sống. Mỗi bệnh nhân đều có cuộc đời, số phận khác nhau và họ cần được chia sẻ, động viên thay bằng kỳ thị, xa lánh.
“Có những nữ bệnh nhân vào viện được vài hôm đã ôm lấy điều dưỡng khóc vì nhớ con, đòi về với con, với gia đình. Cùng là phụ nữ, cùng là người mẹ, chúng tôi dễ đồng cảm, chia sẻ với họ, từ đó khuyên răn họ tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để sớm khỏi bệnh về với con, với gia đình. Nhiều người sau đó khỏi bệnh đã trở lại viện thăm chúng tôi”, chị Lý xúc động cho biết.
Tại khoa Nữ, Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa, hàng tuần các nữ điều dưỡng vẫn đều đặn tổ chức cắt tóc, gội đầu, cắt móng tay, thậm chí trang điểm giúp một số cho bệnh nhân. Các dịp lễ như 8/3, 20/10, khoa Nữ còn tổ chức tặng hoa, tổ chức trò chơi cho các nữ bệnh nhân. Nữ điều dưỡng trưởng Trần Thị Lý cho biết, đó là cách để hiểu bệnh nhân hơn, xóa bỏ khoảng cách, sự mặc cảm, tự ti của những người mắc bệnh tâm thần.
Những… đứa trẻ trong hình hài người lớn
Ở Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa, các khoa điều trị được phân chia theo lứa tuổi và giới tính. Theo đó, ngoài khoa Nữ, khoa Nam còn có khoa Lão khoa, khoa tâm lý lâng sàng Nhi. Dù là nam hay nữ, già hay trẻ thì nói như các bác sỹ tâm thần hầu hết các bệnh nhân tâm thần nặng đều như những đứa trẻ. Có bệnh nhân rất nóng tính thường hành động bột phát nhưng cũng có bệnh nhân lầm lỳ cả ngày. Có trường hợp cả ngày chỉ đi tìm nhặt xương cá và lá cây để ăn, không chịu tắm gội, liên tục hờn dỗi, ăn vạ như trẻ con.
Có nhiều phương pháp điều trị về tâm lý nhưng cơ bản vẫn phải vỗ về, dỗ dành, an ủi là chính. Các biện pháp cưỡng chế chỉ là giải pháp cuối cùng, bất đắc dĩ đối với các bệnh nhân bị kích động mạnh, bệnh nhân bị rối loạn do sử dụng ma túy đá, nghiện rượu…
Là bác sĩ Nhi chuyển qua chuyên khoa tâm thần, bác sĩ Lương Mỹ Linh cho biết, trẻ em ốm đau, tức bệnh nhi thuần túy đã khổ, bệnh nhân nhi mắc các chứng rối loạn tâm thần rất đáng thương. Nhiều gia đình đã mặc cảm khi con bị bệnh, giấu bệnh khiến các em càng bị nặng hơn. Khám lâm sàng cho bệnh nhân bình thường chỉ mất 5 - 10 phút nhưng khám cho bệnh nhi tâm thần có khi mất cả giờ đồng hồ. Nếu không có sự đồng cảm, yêu thương, đặc biệt là tính kiên nhẫn không thể làm nổi.
“Điều trị cho bệnh nhi ít có nguy cơ bị hành hung nhưng những tình huống như đang ăn cơm phun vào mặt bác sĩ, điều dưỡng hoặc túm áo, xé áo bác sĩ là chuyện không hiếm gặp. Những tình huống kiểu như thế hầu như bác sỹ, nhân viên y tế nào công tác tại bệnh viện tâm thần đều hiểu và chia sẻ với bệnh nhân”, bác sĩ Linh kể.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Đức Cường - Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa lý giải, phải tách biệt thành 2 khối bệnh nhân nam – nữ ở biệt lập để phòng ngừa chuyện sinh lý của bệnh nhân. Họ bị ức chế, rối loạn tâm sinh lý do ở bệnh viện nhiều ngày nên ham muốn tình dục lớn, lại không kiểm soát được hành vi nên không thể ở cùng khu điều trị. Ngay cả khi bị quá tải, bệnh viện cũng không thể chuyển bệnh nhân nam qua khoa nữ và ngược lại.
Điều dưỡng Trần Thị Lý cho hay, từng có điều dưỡng nam trẻ tuổi bị nữ bệnh nhân… cưỡng hôn. Hoặc nữ điều dưỡng khi vào khu bệnh nhân nam luôn phải có điều dưỡng nam đi cùng phòng tình huống xấu xảy ra.
Một bác sĩ ở khoa Lão khoa chia sẻ bí quyết phòng vệ khi điều trị cho bệnh nhân tâm thần nặng đó là nếu bệnh nhân thuận tay nào thì bác sĩ khám bệnh đứng về cùng phía ấy. Để nếu bệnh nhân có hành hung sẽ không thể đánh trực diện vì trái tay. Theo vị bác sĩ này, đã làm nghề bác sĩ tâm thần thì tâm lý phải vững vàng, xem mọi việc như bình thường để khi trường hợp xấu xảy ra có thể bình tĩnh xử lý.