Tâm sự nghẹn lòng của người mẹ trẻ hơn 2 năm đấu tranh đòi quyền nuôi con
Hạnh phúc gia đình tan vỡ, người mẹ trẻ tâm sự rằng chị đã phải ròng rã mấy năm trời để đấu tranh đòi quyền được chăm sóc con mình theo đúng nghĩa của một người mẹ. Phiên tòa sơ thẩm đã tuyên quyền nuôi con thuộc về chị. Thế nhưng người chồng cũ kháng cáo đòi nuôi con. Phiên tòa phúc thẩm tới đây, người mẹ ấy mong một phán quyết công tâm để chị và con trai được đoàn tụ.
Chị H. mong rằng, tại phiên xét xử tới đây, chị và con trai là cháu T.G.K. sẽ được đoàn tụ.
Cuối giờ chiều một ngày đầu tháng 6/2023, một người phụ nữ với khuôn mặt thanh tú tìm đến tòa soạn Báo Phụ nữ Việt Nam để nhờ được hỗ trợ được quyền nuôi con. Người phụ nữ ấy là chị Nguyễn Thị H. (SN 1989, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội).
Trong suốt cuộc trò chuyện với PV Báo Phụ nữ Việt Nam, mặc dù đã cố gắng giữ bình tĩnh để cuộc trò chuyện diễn ra một cách tự nhiên nhất nhưng đôi mắt chị H. bất giác lại ầng ậng nước mỗi khi nhắc đến quãng thời gian "đấu tranh" để chỉ mong được quyền nuôi con từ gia đình người chồng cũ.
Năm 2017, qua tìm hiểu, chị H. kết hôn với một người đàn ông bằng tuổi là anh T.Q.T. (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội). Sau đó hơn 2 năm, chị Hà sinh hạ bé trai là cháu T.G.K.
Những tưởng cuộc sống như vậy là viên mãn nhưng khi cháu K. được 3 tháng tuổi, vợ chồng chị H. nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Trong thời gian này, anh T. đã nhiều lần đơn phương đòi ly hôn. Nghĩ rằng khi hạnh phúc gia đình tan vỡ, người khổ nhất là con trai nên chị H. vẫn cố gắng níu kéo và tìm cách hàn gắn hạnh phúc gia đình đang bị rạn nứt.
Đến tháng 11/2020, mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khiến vợ chồng chị H. phải đi đến quyết định sống ly thân. Cháu K. được chị H. đưa về sống cùng với bố mẹ đẻ tại một khu đô thị trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Nhưng theo chị H., một sự kiện bất ngờ xảy ra khiến chị H. và cháu K. phải cách xa nhiều năm.
"Ngày 12/1/2021, anh T. cùng bố mẹ đẻ nhân lúc tôi đi làm đã trèo tường, đột nhập vào nhà và bế cháu K. đưa về phường (quận Hai Bà Trưng) và giữ cháu từ đó cho đến nay. Tôi cũng đã làm đơn trình báo sự việc gửi đến công an phường nhưng không được giải quyết", chị H. chia sẻ.
Không nhận được sự trợ giúp từ pháp luật, chị H. cùng bố mẹ đẻ đã nhiều lần tìm đến gặp chồng và bố mẹ chồng để thương lượng theo hướng hòa bình để hai bên có thể cùng chăm sóc, nuôi dưỡng cháu K.
Theo chị H., thời điểm đó, anh T. và người thân đã mang theo cháu K. rời khỏi nhà đến một nơi cư trú khác với mục đích để chị H. không thể tìm được con. Bất lực, chị H. lại viết và gửi hàng chục lá đơn kêu cứu đến chính quyền, cơ quan công an và các tổ chức đoàn thể địa phương để nhờ sự giúp đỡ tìm lại đứa con mà chị đứt ruột sinh ra.
Bẵng đi gần 1 tháng, anh T. gửi đơn đến TAND quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) để giải quyết việc ly hôn với chị H. Biết không thể cứu vãn được cuộc hôn nhân hiện tại, một ngày sau đó, chị H. cũng có đơn gửi lên tòa án với hy vọng có thể nhờ sự công minh của cơ quan xét xử để giành lại quyền nuôi con. Tuy nhiên, theo chị H., phiên tòa đơn thuần để giải quyết việc ly hôn lại bị liên tiếp bị hoãn với nhiều lý do không thuyết phục.
Trong thời gian chờ phiên tòa được mở, nỗi nhớ con khiến chị H. nhiều lần "xuống nước" xin chồng và gia đình chồng để được gặp mặt con nhưng nhận lại chỉ là những cái lắc đầu. Trong tuyệt vọng, những lá đơn kêu cứu vẫn liên tục được chị H. gửi đến cơ quan chức năng nhưng đều không mang lại kết quả.
Ngày 14/10/2022, TAND quận Hai Bà Trưng đã mở phiên tòa giải quyết việc ly hôn giữa chị H. và chồng. Phán quyết cuối cùng của tòa án đưa ra là đồng ý việc thuận tình ly hôn giữa chị H. và anh T. Cháu K. được bàn giao cho chị H. chăm sóc và nuôi dưỡng trong khi đó anh T. có nghĩa vụ phải chu cấp hàng tháng đến khi cháu K., trưởng thành.
Ngày tòa án đưa ra phán quyết những tưởng là ngày chị H. được gặp lại con trai sau bao năm tháng xa cách nhưng phía anh T. vẫn tiếp tục giữ cháu bé K.
Anh T. sau đó đã làm đơn kháng cáo phán quyết của TAND quận Hai Bà Trưng đến TAND TP Hà Nội. Nội dung kháng cáo sau đó được TAND TP Hà Nội tiếp nhận thụ lý hồ sơ phúc thẩm. Ngày 17/3/2023, phiên tòa phúc thẩm được mở nhưng sau đó tạm hoãn. Trong thời gian chờ ngày mở lại phiên xử, chị H. và anh T. đã đồng ý thỏa thuận để chị H. được đón và chăm sóc cháu K.
"Tuy nhiên, ngay trong ngày, khi tôi đến đón cháu theo thỏa thuận trên tòa nhưng anh T. không bàn giao cháu K. và đưa ra thông tin đã đưa con tôi đến nơi khác. Liên tiếp 3 lần sau đó, anh T. vẫn dùng cách cũ để ngăn cản quyền lợi hợp pháp của tôi là được đón con về", chị H. chia sẻ.
Tâm sự với PV Báo Phụ nữ Việt Nam trước ngày diễn ra phiên phúc thẩm, chị H. nói rằng hiện tại cháu K. đã hơn 3 tuổi, việc giành quyền nuôi con giữa đôi bên sẽ phức tạp hơn nhưng chị vẫn tin vào sự công minh của những người nắm giữ cán cân công lý.
"Đã hơn 2 năm, hành vi của anh T. và gia đình anh ấy cùng với việc kéo dài giải quyết hồ sơ vụ án từ tòa sơ thẩm cho đến nay khiến cho quyền được làm mẹ của tôi và quyền được sống chung với mẹ của cháu K. bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đây là những nỗi đau không gì có thể bù đắp được. Tuy nhiên, tôi hiểu rằng anh T. vẫn là bố của con tôi, cháu cũng có quyền được hưởng tình yêu thương từ bố nên tôi mong dù không sống chung nhưng chúng tôi sẽ cùng chung tay để nuôi dạy và cho cháu những điều tốt đẹp nhất", chị H. chia sẻ.