Tâm sự nhà đầu tư khi 'bảng treo, lệnh nghẽn'

Sau nhiều lần xảy ra sự cố 'đơ' hệ thống khiến lệnh mua bán chứng khoán không thực hiện được rồi bảng điện tử hiển thị không đúng, nhiều nhà đầu tư từ tâm lý chấp nhận đã phải lên tiếng.

Các nhà đầu tư đang không được bảo vệ khi tham gia thị trường. Ảnh: Shutterstock.

Các nhà đầu tư đang không được bảo vệ khi tham gia thị trường. Ảnh: Shutterstock.

Nghi vấn xuất hiện là chuyện lòng tin

“Rút phích” là chủ đề được nhiều nhà đầu tư thảo luận trong khoảng 2 tháng qua. Và một lần nữa, câu chuyện lòng tin thị trường suy giảm mạnh khi hiện tượng này lại xẩy ra liên tục trong những phiên gần đây.

Bắt đầu câu chuyện với người viết, nhà đầu tư Phạm La Thăng (Hà Nội) thẳng thắn: “Việc “rút phích” là cách nói ví von, dù lãnh đạo Sở GDCK TP. HCM (HOSE) lên tiếng là lỗi kỹ thuật, nhưng nhà đầu tư vẫn ví von như một sự can thiệp chủ động vì cách giải thích chưa thực sự thuyết phục, và quan trọng hơn là các giải pháp khắc phục tạm thời chưa có, lên nghẽn lênh vẫn thường xuyên".

Đánh giá về tác động của việc này đến các thành viên thị trường, nhà đầu tư này cho rằng, nếu quan sát sẽ thấy từ trước đó đã có các cảnh báo về tâm lý đầu tư nhưng F0 chưa có kinh nghiệm, lại thêm việc bị các nhà đầu tư Fn "hù dọa" nên càng tâm lý. Điều này đã góp phần tạo nên các pha dồn ứ giao dịch khi F0 bị giật mình, khi thị trường biến động mạnh!

“Trong lịch sử thị trường chưa từng có tiền lệ về sự tham gia mạnh mẽ của F0 như hiện nay. Việc tham gia một cách ồ ạt và phần lớn chưa có kinh nghiệm khiến những người mới dễ bị tâm lý đám đông tác động mạnh và cũng dễ "bị xơi tái"", anh Thăng cho biết thêm.

Nhìn lại câu chuyện lỗi hệ thống trong giao dịch như vừa qua, nhà đầu tư Đào Duy cho rằng, với cách vận hành hiện tại, các nhà đầu tư ở Việt Nam không hề được bảo vệ. Thị trường nghe thì có vẻ minh bạch vì sản phẩm hàng hóa (cổ phiếu – PV) được niêm yết, nhưng tất cả hoạt động và câu chuyện giao dịch vẫn tồn tại chuyện “nhà cái, lái tàu” nắm giữ.

Chuyện không phải đồn thổi, bỏi thỉnh thoảng lại có quyết định phạt 550 triệu đồng vì thao túng giá cổ phiếu được Ủy ban chứng khoán ban hành.

“Chính chuyện giao dịch kiểu này khiến người ta được quyền nghi vấn về sự can thiệp không chỉ giá một vài cổ phiếu mà còn cả hệ thống. Điển hình như việc nhà đầu tư muốn thoát hàng thì hệ thống treo, không hiện giá khiến tâm lý bất an”, anh Duy nhấn mạnh.

Đưa ra một góc nhìn về chuyện nghẽn giao dịch, nhà đầu tư Quang Duy cho rằng, việc chỉ nhận lệnh chiều bán, chiều mua không nhận lệnh có thể do bị chặn hoặc bigboy gom mạnh quá khiến đơ lệnh.

Xác định "cô đơn"

Nhiều nhà đầu tư thừa nhận rằng, ở thời điểm hiện tại, nếu muốn đầu tư chứng khoán phải xác định sống chung với lũ, với những "căn bệnh cố hữu" trên thị trường, kiểu như “rút phích” vừa qua.

Nhà đầu tư Phạm La Thăng cho rằng, với một thị trường và cách vận hành như hiện tại thì điều cần thiết là các nhà đầu tư phải học và nghiên cứu để tự bảo vệ mình bởi việc ra quyết định mua bán là của các nhà đầu tư.

Trên thực tế, vẫn có những góc nhìn khác về sự cố “tắc nghẽn” giao dịch.

Theo nhà đầu tư Lê Cường, hiện tượng nghẽn lệnh, rút phích không quá gây ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư. Tuy nhiên, với hệ thống cũ không đủ xử lý lượng thanh khoản như hiện này cũng điều đáng lo ngại. Nhất là khi xẩy ra những sự kiện “Thiên Nga đen” (thị trường rơi mạnh đột ngột - PV) khiến số lượng giao dịch tăng vọt.

Về câu chuyện “nghẽn” hệ thống, anh Cường cho rằng, những lỗi nghẽn lệnh hay không hiện giá sẽ ảnh hưởng đến tâm lý chung của thị trường, đây là do số lượng lệnh và thanh khoản cao khiến hệ thống cũ không xử lý được. Hệ thống HOSE là "xin" của Thái Lan 20 năm trước, giờ đã quá lỗi thời. HOSE cũng đang có kế hoạch mua hệ thống của Hàn Quốc trong năm nay. Vấn đề là hệ thống mới là giải pháp trung hạn vì phải chờ tới cuối năm mới vận hành được, còn ngắn hạn thì đã có nhiều đề xuất như chuyển sàn tạm thời một số cổ phiếu sang HNX, nâng bước giá giao dịch, yêu cầu các công ty chứng khoán không dùng robot giao dịch,... Nhưng tất cả vẫn chưa có phản hồi, ngoại trừ biện pháp nâng lô giao dịch từ 10 lên 100 cổ phiếu đã áp dụng.

Tại nhiều diễn đàn và qua ghi nhận ý kiến từ các thành viên thị trường, nhiều nhà đầu tư cho rằng, đã đến lúc cần có sự ra đời của tổ chức bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, chẳng hạn, việc thành lập Hiệp hội các nhà đầu tư chứng khoán được nhiều người ủng hộ.

Trao đổi với phóng viên, một nhà đầu tư cho biết, hiện ý kiến các nhà đầu tư mới chỉ là lên tiếng dạng đơn lẻ, chưa có những tổ chức hoặc cơ quan đại diện lên tiếng để tình hình sớm thay đổi. Các cơ quan truyền thông dù đã phản ánh kịp thời ý kiến nhà đầu tư nhưng phản hồi còn hạn chế.

Đồng quan điểm, nhà đầu tư Nguyễn Văn Khoa (Hà Nội) cho rằng, khi thông tin chưa minh bạch, mọi giải trình cuối cùng chỉ dừng ở việc Sở giao dịch cho biết do lỗi kỹ thuật hệ thống và không có điều tra, kết luận từ cơ quan chức năng, thì dù có thành lập ra các hiệp hội, tiếng nói cũng không có nhiều trọng lượng.

Thành Nguyễn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tam-su-nha-dau-tu-khi-bang-treo-lenh-nghen-post262873.html