Tâm sự nhói lòng của cựu sinh viên cao đẳng vật vã mưu sinh sau khi tốt nghiệp ra trường
'Cuộc sống sau khi ra trường đầy gian nan, có lần em bị gạ gẫm đổi tình lấy công việc. Không có tiền gửi về nhà, đã 5 tháng nay, em không dám gọi về cho gia đình' - một cựu sinh viên cao đẳng tại Hà Nội tâm sự.
Cuối tháng 11/2019, chúng tôi có nhận được thư của một độc giả, cũng là một cựu sinh viên tại Hà Nội chia sẻ về cuộc sống vất vả sau 3 năm ra trường, từng đứng trước lựa chọn nghiệt ngã đổi tình lấy điểm, chuyện đi làm thêm đầy vất vả nhưng thù lao thấp, còn bị cắt xén... Báo GĐ&XH xin trích đăng bức thư như sau:
"Kính gửi Báo GĐ&XH! Em tên là Hoàng Văn Tựu, sinh ra và lớn lên ở một xã khó khăn thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội. Từ nhỏ em đã khát khao mơ ước được đặt chân lên thành phố. Nơi mà em đặt sự nghiệp niềm tin. Đầu tiên, hành trình 3 năm sau khi tốt nghiệp cao đẳng, em bắt đầu bước sang hành trang kiếm tiền, công việc nhiều nhưng hơi khó chọn vì không đúng chuyên môn. Họ đòi kinh nghiệm và nhiều thử thách với em.
Có lần, em đã phải đối diện với hoàn cảnh trớ trêu: đổi tình lấy công việc, hy sinh và đầy cám dỗ, một con đường bất chính khi họ vẽ ra. Đúng là nơi thành thị ít kinh nghiệm, khó khăn đồng tiền khiến nhiều khi em bị lao đao và phải quyết định từ chối tất cả những đường sai trái.
Ở Hà Nội, mọi thứ ngày càng đắt đỏ theo thời gian khiến cuộc sống em cũng không khá giả là mấy. Em còn tuổi trẻ, còn hi vọng, nếu về quê thì hai bàn tay trắng, thậm chí xóm làng chê cười vì bao năm học hành giờ công cốc.
Em đã suy nghĩ và quyết định đi học nhanh 1 lớp xiếc mua vui cho khán giả bởi sự kịch tính và hấp dẫn của xiếc sẽ dễ kiếm tiền hơn. Đau đớn đứt lưỡi, bỏng miệng là những thứ sợ nhất sau ánh đèn của sân khấu. Tiếng hò reo của đông đảo khán giả làm cho mình quên đi hết sự mệt mỏi.
Thời gian đầu đi diễn em cũng gặp rất nhiều rủi ro, nằm viện còn nhiều hơn trên sân khấu, khán giả thích xem những trò kinh dị, ma quái, độc và lạ. Muốn có thu nhập phải chấp nhận và thể xác ngày càng xuống dốc. Biết nhưng vẫn làm vì cuộc sống, vì miếng cơm. Nghề xiếc vất vả nhất và tập luyện kĩ nhất, chỉ cần một sai sót là tính mạng mình không an toàn.
Hàng chục chiếc dao lam nhá, nghiến, nhai trong họng, những ngọn lửa bùng bùng phải nuốt, những chiếc kiếm xiên qua đầu bạn diễn… Những góc khuất đau đớn hơn sau đêm diễn là có lần bị giảm trừ tiền và ăn chặn tiền biểu diễn.
Nhiều tối em không thể ngủ được khi mà giấc mơ dang dở chưa mỉm cười. Nơi thành thị biết bao nhiêu là gánh nặng cơm áo gạo tiền. Em chấp nhận đi diễn tỉnh, ở những vùng quê nghèo như Vĩnh Phúc, Ninh Bình hay các vùng quê xa xôi khác. Trừ chi phí đi lại cũng chỉ được 200.000 đồng cho 1 đêm diễn. Quần áo bảnh bao, son phấn lộng lẫy, đầu tóc chỉnh tề. Sau đêm diễn là những giọt nước mắt thầm lặng.
Một tháng hiện tại thu nhập công việc phụ của em là 3 triệu (bán hàng online). Em thức khuya, dậy sớm mua chân gà, xúc xích, rau cải thảo, muối kim chi, chân gà ướp gia vị làm chua ngọt, thêm ít hoa quả rồi em đăng lên các hội nhóm sinh viên để bán.
Đi diễn xiếc một tháng được khoảng 6 show vào buổi tối tổng cộng được 3 triệu đồng, trừ chi phí đi lại, tiền mua ếch, lươn hay đồ phụ diễn là hết 1 triệu. Như vậy, một tháng được tổng cộng 5 triệu đồng thu nhập từ làm thêm và đi diễn. Nếu đêm diễn mưa thì không có tiền, rồi tiền thuốc thang nếu bỏng lưỡi và sự cố thì mỗi tháng cũng chỉ được 4 triệu.
Mỗi tháng, em thuê nhà hết 1,5 triệu đồng, tiền ăn hết 1,5 triệu đồng, chưa kể tiền điện thoại, vé xe bus, chi phí khác nữa… Cuộc sống khó khăn, không có tiền gửi về nhà, đã 5 tháng nay em không dám gọi về cho gia đình.
Ước mơ rất mong manh và khó thành hiện thực bao năm nữa mới mua được cái xe máy đi lại, cái điện thoại đẹp hay những bữa cơm nhà hàng, những ngày cuối tuần đi chơi cùng bạn bè... Càng nghĩ em càng tủi thân, con đường tương lai mịt mù, trong khi vẫn luôn ám ảnh về món nợ hàng trăm triệu đồng mà gia đình em vay mượn để lo cho em những năm đi học cao đẳng, chưa biết bao giờ mới trả hết".
Trước bức thư tâm sự nói trên, chúng tôi đã liên lạc và gặp gỡ Hoàng Văn Tựu. Chia sẻ với chúng tôi về lý do viết thư, Hoàng Văn Tựu cho biết, em tốt nghiệp một trường cao đẳng có trụ sở tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Tựu là độc giả thường xuyên của báo. Em hãy đọc những bài viết về các hoàn cảnh đặc biệt mà tòa soạn chia sẻ đến độc giả. Một phần trong những hoàn cảnh mà báo đăng tải cũng giống như hoàn cảnh của Tựu nên em thấy đồng cảm và cũng là nguồn động viên để em cố gắng hơn.
"Từ khi tốt nghiệp trường cao đẳng đến nay, em đã trải qua nhiều công việc như phụ xe, nhân viên siêu thị, an ninh… Những công việc lương thấp, chỉ đủ chi phí ăn uống, nhà trọ là hết. Em cũng không còn nhớ nổi bao nhiêu lần vào mùa hè, phải trốn vào trung tâm thương mại ngủ để tiết kiệm điện. Thậm chí, em phải đi xin cơm từ thiện sống qua ngày. Suốt 5 tháng không dám gọi điện về cho gia đình, đó là những sự thật chân thành của em sau 3 năm tốt nghiệp" - Hoàng Văn Tựu cho hay.