Tám tháng tại bệnh viện hồi sức Covid-19 lớn nhất Việt Nam

Bệnh viện Hồi sức Covid-19 ở TP Thủ Đức là đơn vị ICU có quy mô lớn nhất tại Việt Nam, hoạt động kéo dài hơn 8 tháng.

Trưa 19/3, bác sĩ Việt Anh mặc bộ scrubs màu xanh quen thuộc như thường ngày, thoải mái đi cùng 2 cụ lớn tuổi từ khoa hồi sức (ICU) đến cổng bệnh viện.

Họ là 2 bệnh nhân cuối cùng ở Bệnh viện Hồi sức Covid-19 xuất viện, bác sĩ Việt Anh cũng sắp kết thúc đoạn hành trình 8 tháng tận sức tại nơi này.

"Covid-19 quá khủng khiếp"

Nhận 2 tờ giấy ra viện từ tay bác sĩ Ngô Việt Anh (công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy), bà Lữ Ngọc Liên (62 tuổi, ngụ quận 8) rưng rưng. Chỉ 10 ngày trước đó, người phụ nữ cùng chồng là ông Trần Trọng Khiêm (82 tuổi) có xét nghiệm dương tính.

Chỉ trong thời gian ngắn, sức khỏe ông Khiêm yếu dần, khó thở, nồng độ oxy máu (SpO2) giảm chỉ còn 88-89%. Hai vợ chồng bà Liên được đưa ngay đến Bệnh viện Hồi sức Covid-19.

Ông Khiêm mắc chứng rối loạn lipid máu, đau thắt ngực, suy thận mạn, tăng huyết áp, những bệnh nền ám ảnh của các y bác sĩ điều trị Covid-19. Bà Liên có bệnh nền tăng huyết áp, sức khỏe ổn hơn, vào viện chủ yếu chăm sóc chồng.

 Bà Liên xúc động trong ngày xuất viện. Ảnh: Bích Huệ.

Bà Liên xúc động trong ngày xuất viện. Ảnh: Bích Huệ.

May mắn nhờ đáp ứng điều trị tốt, sức khỏe của vợ chồng lớn tuổi đều ổn định và xét nghiệm âm tính, đủ tiêu chuẩn xuất viện.

"Khi tỉnh dậy ở phòng hồi sức, giường bệnh xung quanh tôi vắng tanh, nhưng vẫn có 4 điều dưỡng và bác sĩ chăm sóc tận tình. Họ không ghê sợ mà còn lau dọn, vệ sinh cho chúng tôi", bà Liên tâm sự.

Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở TP.HCM, vợ chồng bà Liên tự nhủ phải giữ an toàn, không để mắc bệnh. Tuy nhiên, khi đợt bùng phát mạnh ở TP.HCM tạm qua, 2 vợ chồng lại xét nghiệm dương tính giữa lúc cuộc sống trở lại bình thường.

"Covid-19 quá khủng khiếp, chúng tôi chỉ ở nhà, trốn dịch như trốn giặc nhưng không ngờ vẫn mắc bệnh. May mắn nhờ 3 mũi vaccine nên sức khỏe chúng tôi không bị ảnh hưởng nhiều", bà Liên nói thêm.

Vợ chồng bà Liên và ông Khiêm là 2 trong nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng may mắn hồi phục, trở về đoàn tụ với gia đình sau thời gian điều trị tại trung tâm ICU lớn nhất tại Việt Nam.

Hoàn thành sứ mệnh

Sau khi trao giấy ra viện, bác sĩ Ngô Việt Anh mang túi xách, balo quần áo, tiễn bà Liên ra xe cấp cứu và đứng nhìn mãi đến khi chiếc xe khuất bóng.

Vợ chồng bà Liên, ông Khiêm trở về nhà cũng là thời điểm anh cùng những đồng nghiệp sắp hoàn thành nhiệm vụ tại bệnh viện "bất đắc dĩ" này.

Ngày 14/7, Bệnh viện Chợ Rẫy nhận nhiệm vụ thiết lập trung tâm hồi sức tích cực (ICU) để thần tốc tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 mức độ nặng và nguy kịch.

12 giờ sau, những F0 nguy kịch đầu tiên được chuyển đến. Con số này đếm không xuể chỉ vài ngày sau đó, bệnh viện phải liên tiếp nâng cấp quy mô.

 Bác sĩ Ngô Việt Anh, khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Bích Huệ.

Bác sĩ Ngô Việt Anh, khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Bích Huệ.

"Đa số bệnh nhân đến đây đều rất nặng, chủ yếu có bệnh nền như ung thư giai đoạn cuối, tiểu đường, thận mạn, xơ gan... Những ca khỏi bệnh và xuất viện là niềm động lực to lớn giúp chúng tôi bước tiếp. Cũng có nhiều bệnh nhân trẻ, không qua khỏi, là điều tiếc nuối cho nhân viên y tế", bác sĩ Việt Anh chia sẻ.

Trong tâm trí bác sĩ Võ Tấn Lực (công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy), 8 tháng tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 là thời gian nhiều cảm xúc.

"Ngoài niềm vui của ngày đoàn tụ, chúng tôi cũng chứng kiến quá nhiều nỗi đau. Những lời hứa với người bệnh và gia đình của họ", bác sĩ nói.

Bác sĩ Lực chia sẻ bệnh viện hoàn thành sứ mệnh cũng đồng nghĩa tình hình dịch đã đi vào ổn định. Niềm vui này còn lớn gấp nhiều lần so với việc trở về nhà.

Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM được thành lập với nhiệm vụ chia lửa điều trị F0 nặng, nguy kịch cho các cơ sở y tế tuyến cuối.

Tổng nhân lực là 1.790 người, trong đó có 365 bác sĩ và 873 điều dưỡng, 88 kỹ thuật viên và các nhân viên khác.

 Bác sĩ Võ Tấn Lực (trái) tiễn bệnh nhân Covid-19 cuối cùng ra viện tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Ảnh: Bích Huệ.

Bác sĩ Võ Tấn Lực (trái) tiễn bệnh nhân Covid-19 cuối cùng ra viện tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Ảnh: Bích Huệ.

Bên cạnh lực lượng cán bộ, nhân viên y tế nòng cốt từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Nhân dân 115 và Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 cũng nhận được hàng trăm lượt chi viện từ 36 đơn vị từ các tỉnh, thành cả nước.

Số lượng máy ECMO là 6, 180 máy thở, 26 máy lọc máu và 351 máy HFNC... Số lượng giường bệnh cao nhất sau nhiều lần nâng cấp quy mô là 800 (trên 1.000 giường dự kiến).

Theo thống kê số lượng bệnh nhân điều trị và tử vong tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM, đỉnh điểm rơi vào khoảng trung tuần tháng 8 đến gần cuối tháng 9. Đến nay, đơn vị này điều trị cho khoảng 5.000 trường hợp F0 nặng và nguy kịch.

Ngày 18/3, Sở Y tế TP.HCM thông báo Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM tạm ngừng tiếp nhận bệnh nhân. Như vậy, sau hơn 8 tháng hoạt động, đơn vị này xem như hoàn thành sứ mệnh, chuẩn bị bàn giao cơ sở vật chất lại cho Bệnh viện Ung bưới TP.HCM cơ sở 2.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tam-thang-tai-benh-vien-hoi-suc-covid-19-lon-nhat-viet-nam-post1303689.html