Tấm thẻ bài và bàn tay bốn ngón
Truyện ngắn của Đào Sỹ Quang
Ông Thàn cùng tuổi ông Loong nhưng lại là “em” vì bố ông Thàn là em ruột mẹ ông Loong. Cả hai cùng đi bộ đội, cùng vào Nam chiến đấu, cùng sư đoàn, cùng tham gia chiến dịch Xuân Lộc. Ông Thàn bị thương phải chuyển ra tuyến sau. Ông Loong tiếp tục chiến đấu cho tới khi giải phóng, ông không về quê mà định cư, lấy vợ ở Biên Hòa.
Hè này về thăm quê, ông Loong cho vợ đi cùng, không như những lần trước ông chỉ đi một mình.
Gặp nhau lần nào cũng thế, ông Loong và ông Thàn vui lắm, đủ thứ chuyện...
Vợ chồng ông Thàn có ba người con. Gái út tên Bướm. Bướm đang buồn vì rớt đại học. Thấy cháu gái nhanh nhẹn dễ thương, bác Loong cất lời:
- Con vô Biên Hòa học nghề may đi!
Bà Giang vợ ông Loong ủng hộ liền:
- Đúng rùi, vô đi bác dạy may được lắm!
Vợ chồng ông Thàn sau một hồi suy nghĩ liền đồng ý cho con gái vô Nam. “Vào đó, nếu không thích ở thì kể như một chuyến đi chơi cho biết miền Nam” - ông Thàn nói với con gái.
Vợ ông Loong có anh trai đầu đi lính Cộng hòa, chết trận hồi 68, bà kể: “Hồi mới giải phóng, ngày nào anh Loong cũng tới nhà coi tui may đồ rùi khen tui dễ thương. Rùi ảnh hỏi tui có yêu ảnh không? Ba má tui lúc đầu không thích giải phóng, nhưng rùi cũng đồng ý cho tui lấy ảnh. Nhưng ba má ra điều kiện, ảnh phải ở rể, ảnh gật đầu liền. Người gì mà khôn quá trời...”.
Nhà bà Giang có nghề may gia truyền nổi tiếng. Sau khi cha mẹ vợ qua đời, ông Loong bàn với vợ mở lớp dạy cắt may.
...
Thế là Bướm quyết định vào Biên Hòa với gia đình bác Loong, niềm vui cấy trên khuôn mặt.
***
Bướm học may do bác Giang dạy. Chẳng mấy chốc đường may của Bướm đã được bác Giang khen đẹp. Bướm thích lắm.
Huệ người Hiệp Hòa cùng học may với Bướm, coi Bướm như một người chị. Huệ mời Bướm về nhà mình chơi. Ba má Huệ vui lắm, hỏi han Bướm đủ điều. Tuấn anh trai Huệ đi làm công ty về. Bướm nhanh nhẹn:
- Em chào anh!
- Đến chơi hả? - Tuấn cười tươi trả lời Bướm.
...
Huệ “xin có ý kiến”:
- Mai nghỉ rùi, anh Hai phải đưa em và chị Bướm đi cà phê, nghe rõ chưa?
- Ok!
...
Quán bên sông Đồng Nai sáng chủ nhật. “Em thích gì cứ kêu” - Tuấn nhìn Bướm nói. Huệ giục anh Hai “nói chuyện gì đi chứ?”. Lần đầu tiên trong đời Bướm biết đi cà phê, được “chạy bàn” phục vụ. Và, hạnh phúc nhất được “anh Hai” tiếp đón, chuyện trò tâm lý, ánh mắt như hút hồn...
Bướm và Huệ ngày càng trở nên thân thiết hơn. Riêng Tuấn, mỗi lần em gái về là không quên hỏi thăm Bướm...
- Anh Hai thương chị Bướm rùi phải hông? Tuấn cười. Nụ cười ẩn ý sâu xa.
Má:
- Nếu con Bướm chưa có người thương, tau tính thằng Hai thương nó được!
...
Do sự nhiệt tình của Huệ mà thỉnh thoảng Bướm về chơi Hiệp Hòa. Tình cảm giữa Bướm và Tuấn đã có những “dấu hiệu” mà má mong muốn... Và, Bướm đã “chấp nhận yêu anh”.
Tuấn cùng Huệ đưa Bướm đi thăm đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, chùa Ông, chùa Đại Giác, Bửu Long... Tuấn cũng mấy lần tới nhà bác Loong chơi và nhanh chóng chiếm được cảm tình của các thành viên trong gia đình.
Tuấn đưa má tới thăm nhà bác Loong, cả hai đều hiểu mỗi bên mong đợi điều gì. Một ngày “hai bên” bàn tổ chức đám cưới cho con, cháu, khi Huệ đã trở thành một cô thợ may...
***
Vợ chồng ông Thàn chuẩn bị vào Biên Hòa dự đám cưới con gái.
- Ông nhớ mang theo cái cạo gió nhá, khí hậu thay đổi dễ bị cảm lắm đấy - Vợ ông Thàn dặn chồng.
Vào dự đám cưới Bướm chỉ có bố mẹ và anh trai cả, đơn giản vì lý do tài chính...
Đám cưới diễn ra đúng như kịch bản. Vợ chồng ông Thàn tận mắt chứng kiến vợ chồng ông Loong sắm cho con gái mình vòng vàng, nhẫn cưới mà nước mắt ứa trào.
Sau đám cưới con gái, vợ chồng ông Thàn được sui gia mời qua thăm nhà, hai bên giờ mới có dịp để hiểu nhau hơn.
Ông Tư Nghĩa cha của chú rể tự bộc bạch về lý lịch trích ngang của mình:
- Tui dzô lính, sau 6 tháng quân trường Quang Trung tui về Chi khu Long Khánh. Trong chiến dịch Xuân Lộc tui dính miểng cối 82 vào gót chân trái, nằm gục ở một vạt đất thấp. Mấy giải phóng táp dzô, một người nói: “Cho thằng nầy một băng đi thủ trưởng!” Mấy họng súng AK liền dí dzô đầu tui, hai mắt tui nhắm ghiền, miệng nhẩm đếm một... hai... ba... nhưng... “Không được bắn!” - Tiếng của người chỉ huy làm tui bừng tỉnh dzậy. Người chỉ huy biểu một người lính băng bó vết thương cho tui. Rồi anh ta tháo tấm thẻ bài đeo ở cổ tui ra xem, hỏi: “Mày tên Nguyễn Văn Nghĩa, đúng không?” Tui gật đầu, dzạ, thưa đúng! Rùi ổng đưa tấm thẻ bài tới trước mặt tui hỏi tiếp: “Các chữ số này nghĩa là sao?” Tôi biểu đó là số quân, năm sanh, nhóm máu... Người chỉ huy đưa cho tui một bánh lương khô và một bình tông nước, giục ăn đi! Tui chắc mình sẽ chết vì liên tưởng tới những vụ xử tử hình, tử tù bao giờ cũng được ăn trước khi ra trường bắn! Tui cố nuốt để nếu có chết cũng là chết no! Bỗng người chỉ huy lệnh cho hai giải phóng: “Đưa nhanh thằng này ra trạm quân y dã chiến!” Một người nói, “Cho nó một băng!” Người chỉ huy la lớn: “Anh là chỉ huy của tôi hả?!” Người lính kia vội vàng xin lỗi. Anh ta và một người nữa cáng tui đi. Anh lính hồi nãy bị la nói giọng Bắc: “Tại mày mà tao bị quát đấy, mà nhà mày ở đâu?” Tui biểu nhà ở Biên Hòa. Tui thấy thương hai giải phóng ghê. Họ vừa cáng tui đi, vừa ở tư thế sẵn sàng chiến đấu... Sau khi vết thương ổn, họ đưa tui dzề một trại thu dung. Rùi sau giải phóng tui đi học tập cải tạo...
Mọi người nín thở nghe. Ông Thàn, tâm trạng liên tục thay đổi, trong người như có rắn bò rồi ông đứng dậy nhìn vào ông Nghĩa như cố tìm ra một chi tiết gì đó? Ông cho tay vào túi quần rút ra một... tấm thẻ bài có sợi dây hạt i-nốc luồn qua:
- Có phải là tấm thẻ bài của anh đây không?
Mọi người há mồm, trợn mắt vì quá bất ngờ. Hai hàm răng ông Nghĩa đánh vào nhau lập bập, đôi mắt mở to cầm tấm thẻ bài từ tay ông Thàn mà như không nổi. Ông Nghĩa liền kêu to: “Đúng rùi, đúng tấm thẻ bài của tui rùi...”.
Vợ ông Nghĩa cũng lạng quạng chẳng hiểu ra cái gì, lúc sau òa khóc.
Ông Nghĩa ôm chặt ông Thàn, như ôm một người thân thoát nạn trở về: “Đây người chỉ huy đánh trận Xuân Lộc đã cứu sống tui!”.
Không ai trong lúc này cầm được nước mắt... Ông Nghĩa chộp lấy bàn tay phải của ông Thàn, đưa lên xem: “Đúng đây rùi, bàn tay bốn ngón, bữa đó tui còn nhớ mà. Bàn tay đã cứu sống tui!”.
Ông Thàn như chết lặng, ông cũng đâu ngờ lại có sự thật hi hữu như thế này. Tiếng súng trận Xuân Lộc năm xưa tái hiện trong đầu ông...
Rồi sự xúc động cũng phải tạm gác lại để mọi người lắng nghe ông Thàn kể: Hồi đánh Phan Rang, tôi bị mỏ vịt cưa mất ngón tay út bên phải. Vết thương khỏi tôi tiếp tục theo sư đoàn tiến vào đánh trận Xuân Lộc thì bắt được anh Nghĩa, lúc đó anh bị thương vào gót chân trái. Mà ngày đó anh gầy chứ đâu béo như bây giờ. Tôi lấy tấm thẻ bài của anh để làm vật kỷ niệm chiến trường, nghĩ đơn giản vậy thôi. Mấy lính của tôi cứ đòi bắn anh Nghĩa nhưng tôi, khi đó là Trung đội trưởng đã cấm! Khi hai chiến sĩ đưa anh Nghĩa đi được một lúc thì bất ngờ pháo kích bên các anh cấp tập bắn. Tôi bị thương vào bụng, không còn khả năng chiến đấu. Tôi được chuyển ra Bắc. Trên đường ra Bắc thì được tin Sài Gòn giải phóng. Tấm thẻ bài của anh vừa là vật kỷ niệm, vừa là một y cụ chữa bệnh, nào ngờ nó trở thành chất keo gắn bó hai kẻ thù sau cuộc chiến! Giờ tôi xin tặng lại tấm thẻ bài này cho anh Nghĩa!
Ông Nghĩa nhìn ông Thàn nói câu chứa chan niềm xúc động:
- Đúng là hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Hai chúng mình có duyên với nhau, các con mình cũng lại có duyên với nhau!
Ông Thàn cầm chặt tay ông Nghĩa:
- Cho tôi xin lỗi ngày trước đã có xưng hô không được đẹp với anh!
- Anh không có lỗi, chiến tranh mà! - Nói mà nước mắt ông Nghĩa nhạt nhòa.
Vợ ông Thàn hai mắt đỏ hoe, nói giọng run run mà chân thật:
- Hóa ra cái cạo gió là của anh Nghĩa. Hồi tôi bị cảm, nếu không có cái của anh Nghĩa thì chết rồi. Ở bản tôi, nhà nào cũng ít nhất một lần biết cái của anh Nghĩa, đến độ dùng nó mòn cả đi...
Câu nói của vợ ông Thàn làm mọi người bật cười cùng những hạt nước mắt long lanh...
Một ông già, trước kia cũng từng khoác áo lính thủy quân lục chiến thân với nhà trai, kéo cô dâu, chú rể lại gần, như công bố một sự kiện quan trọng:
- Giờ đây ai biểu đâu là Việt cộng, đâu là Cộng hòa? Không có nha, giờ chỉ có ta với ta! Chúc mừng, chúc mừng!...