Tâm thiện thì tự khắc bình an
Kim đồng hồ điểm qua giờ khắc giao thừa, sau khi lễ bái ban thờ gia tiên và đón vị quan hành khiển của năm mới, người người, nhà nhà lại náo nức đi chùa cầu an. Chữ 'an' trong an lành, may mắn, an khang, thịnh vượng, an yên... mọi điều bình an sẽ đến. Quả đúng vậy, tâm an thì vạn sự an.
Tâm muốn an thì cần làm điều lành, tránh điều dữ. Từ lâu, như một nét đẹp văn hóa truyền thống chốn tâm linh, không chỉ vào những ngày đầu xuân năm mới mà suốt cả tháng Giêng, người dân đến các ngôi chùa để hi vọng, mong cầu một năm an lành, may mắn.
Thế nào là “Dâng sao giải hạn”?
Người ta vẫn quan niệm: “Nam La Hầu, nữ Kế Đô”, đàn ông gặp sao La Hầu, đàn bà trúng sao Kế Đô là kể như năm đó vận xui rủi, không bệnh tật cũng mất tiền mất của, mọi chuyện chẳng thể vẹn toàn. Hay, sao Thái Bạch thì sạch banh nhà cửa, năm nào gặp sao Thái Dương, Thái Âm là chòm sao may mắn.
Theo tử vi, có 9 chòm sao luân phiên quay vòng: La Hầu, Kế Đô, Thái Dương, Thái Âm, Mộc Đức, Vân Hớn, Thổ Tú, Thái Bạch, Thủy Diệu. Từ rất nhiều năm qua, nhiều ngôi chùa vẫn thường ghi tên các phật tử dâng sao giải hạn đầu năm. Nhưng, do quá lạm dụng và việc dâng sao giải hạn bị biến tướng, gây tác động xấu đến xã hội nên hoạt động này đã được điều chỉnh.
Trước tết Nguyên đán Canh Tý, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra công văn gửi các chùa trong khắp tỉnh, thành cả nước yêu cầu thực hiện nghiêm việc lễ bái đầu năm, tuyệt đối không dùng các thuật ngữ gây hiểu lầm có tính tâm linh như là “dâng sao giải hạn”.
Công văn khẳng định: “Lễ nguyện cầu bình an, mong muốn sức khỏe, hạnh phúc, an lạc trong dịp đầu xuân năm mới là truyền thống văn hóa tâm linh của người Việt Nam và đã trở thành nhu cầu tất yếu của xã hội. Việc các chùa tổ chức nghi lễ cầu quốc thái dân an, mong muốn đem lại bình an cho mọi người là việc làm có ý nghĩa nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và đem lại sự lạc quan trong cuộc sống.
Tuy nhiên, để gìn giữ sự trong sáng của chính pháp, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu các chùa, cơ sở tự viện và tăng, ni khi tổ chức thực hành các nghi lễ cầu quốc thái dân an phải đảm bảo trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không đốt vàng mã, tránh những nội dung nghi lễ không đúng chính pháp của Phật giáo dễ bị xã hội hiểu lầm là lệch chuẩn tâm linh.
Không dùng các thuật ngữ yếm thế như “giải hạn”, “dâng sao giải hạn”, “cắt giải oan gia trái chủ”... mà phải nêu bật ý nghĩa, sự vận hành luật nhân quả của Phật giáo, tạo phước đức bằng việc tránh ác, làm thiện, làm nhiều việc tốt, sống đời sống chính mạng, chính nghiệp mới có được sự an lạc, hạnh phúc, thịnh vượng và gặp nhiều thiện duyên trong cuộc sống...”. Đồng thời, công văn cũng yêu cầu ban kiểm soát các cấp giám sát nghiêm việc thực hiện tại các cơ sở tự viện.
Bác Lan (ở tổ 6, khu phố Xuân La, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lo ngay ngáy, năm nay bác gái 49 tuổi, bác trai 53 tuổi. Cũng bởi vì cái câu “49 chưa qua, 53 đã tới”, hai ông bà như ngồi trên đống lửa, cuống cuồng đi lễ đình nọ chùa kia, tìm đủ mọi cách ghi tên làm lễ dâng sao những mong muốn giải cái hạn này...
Anh Quang đang kinh doanh cửa hàng điện lạnh trên phố Cầu Giấy mấy năm qua đều ăn nên làm ra, cầu cúng lễ bái cẩn thận nhưng năm nay gặp sao Thái Bạch, anh lo lắng vì “Thái Bạch hết sạch cửa nhà”.
Tôi nói “cậu không nên lo lắng quá” thì anh thở dài thườn thượt bảo cửa hàng của anh ở ngay cạnh một cơ quan, nói chuyện mới biết, nhiều anh chị ở trong đấy cứ gặp sao Thái Bạch là kiểu gì đầu năm cũng đi rút tiết kiệm mua một cái gì đấy lớn lớn tiền để giải hạn. Người ít tiền thì mua xe máy. Người nhiều tiền thì mua ô tô.
Có vợ chồng nhà chạy bộ ra cơ quan vài bước chân nhưng thấy năm đó mình gặp sao Thái Bạch nên ngay đầu năm cũng phải tậu quả ô tô ngót nghét tỉ bạc để mong tiền đi thay người. Mà ô tô để ở bến bãi chết tiền gửi, một năm mang ra đi vài lần cho đỡ hư máy. Vừa mất tiền mua xe, vừa mất tiền “nuôi” xe. Chẳng hiểu “giải hạn” sao Thái Bạch như thế là giữ hay mất nữa... Quả thật, những câu chuyện như thế không hề hiếm.
Lại nữa, là câu chuyện ám ảnh của sự may rủi. Cái thói đời càng không biết lại càng hồ nghi. Năm nay, suốt cả mấy ngày nghỉ tết, miền Bắc trời rét đậm, con trai và con dâu về quê ngoại Lào Cai để chơi tết, còn bà Chi thì loanh quanh ở nhà chả đi đâu. Cùng khu chung cư nhưng bà cũng ngại gọi cửa hàng xóm.
Bà bảo, đầu năm, mình đến nhà người ta, năm đó người ta làm ăn phát đạt thì không sao chứ nhỡ họ không làm ăn được gì lại đổ tại mình. Thôi đành loay hoay ở nhà với cây bút quyển sổ, tính toán, ghi chép xem con tuổi gì, cháu tuổi gì để còn... tính làm lễ trên chùa.
Bà bảo, mọi năm còn đến chùa nọ, chùa kia dâng sao giải hạn, năm nay chùa không làm lễ dâng sao giải hạn mà làm lễ cầu an. Cầu an thì năm nào cũng làm rồi. Phúc đức mỗi người nặng nhẹ khác nhau. Thôi thì cầu an cho tâm bình thản, mọi việc từ đó mà suôn sẻ cũng tốt...
Không để truyền thống văn hóa bị biến tướng
Tiến sĩ Phật học, Thượng tọa Thích Đồng Thành, trụ trì chùa Thiên An, tỉnh Bình Định, Trưởng Ban Hoàng Pháp tỉnh Bình Định chia sẻ: Đức Phật dạy chúng ta phải sống với thái độ tích cực, lạc quan khi gặp những chuyện bất như ý trong cuộc sống dù rằng chúng ta chỉ còn một tia hy vọng cuối cùng trong cuộc đời này.
Nếu chúng ta hiểu được Phật pháp và cư xử đúng thì mình sẽ có một cái chìa khóa để giải nghiệp, một chìa khóa để mở ra cánh cửa hạnh phúc an vui.
Thượng tọa kể: Ở Nhật Bản có một bà cụ 92 tuổi làm mấy bài thơ, cô cháu gái đi học về, bà đọc bài thơ cho cháu nghe. Cô gái liền nói: “Ngoại ơi, con thấy ngoại làm thơ hay quá, hay ngoại đi học đi”. Vì bên Nhật muốn trở thành nhà thơ phải đi học và được Hội đồng Thi sĩ Nhật Bản công nhận và cấp chứng chỉ mới được gọi là nhà thơ. Cụ bà 92 tuổi, đi học đến 95 tuổi thì tốt nghiệp khóa học và được cấp bằng công nhận.
Năm 2001, Nhật Bản xảy ra động đất và con số thương vong lên đến vài nghìn người. Tai ương ập đến khiến người dân của đất nước Nhật Bản rơi vào tình trạng đau khổ và tuyệt vọng. Bà cụ khi đó đã 98 tuổi làm bài thơ gửi đến những nạn nhân của sóng thần, động đất, với tựa là: “Xin đừng nản lòng thoái chí”.
Đoạn cuối của bài thơ như sau: “Gửi người đôi chữ làm duyên/ Xin đừng thối chí, nản lòng làm chi/ Tôi nay 98 xuân xanh/ Nhưng phần tình ái còn nhanh còn nhiều/ Trên môi giữ lấy nụ cười/ Cho đời sung sướng cho người lên hương”.
Bà mất năm 101 tuổi. Bài thơ đã tạo nên niềm vui, nghị lực sống, truyền lửa tích cực và lạc quan vào trong tâm của các nạn nhân và con người của đất nước đó. Chính chúng ta là người mang ngọn lửa yêu thương và tích cực cho mọi người.
Theo thượng tọa Thích Đồng Thành thì Đức Đạt Lai Lạt Ma có một câu nói rất hay: “Đến với cuộc đời này tất cả chúng ta chỉ là những lữ khách. Điều quan trọng là chúng ta tạo được niềm an vui, hạnh phúc và hãy chia sẻ niềm an vui hạnh phúc đó cho tất cả mọi người. Đó chính là ý nghĩa của đời người”.
Thầy Thích Quảng Thiện, Phó Ban Trị sự Phật giáo huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội cho biết: Chuyện cúng sao giải hạn chỉ có trong tín ngưỡng dân gian chứ hoàn toàn không có trong nguồn gốc văn hóa Phật giáo. Trong thế giới hữu hình và vô hình, con người thấy mình bé nhỏ trước thiên nhiên và không ai có thể tránh khỏi quy luật muôn đời: sinh, lão, bệnh, tử.
Ngoài ra còn phải đối mặt với những tai nạn ngoài mong muốn như bệnh tật, thiên tai, nên càng lo sợ mong cầu thần linh, trời phật với năng lực siêu nhiên che chở. Để đáp ứng những nguyện vọng mong muốn của các Phật tử và cũng là ý thức của mỗi vị sư trước thềm năm mới thường nhà chùa tụng kinh cầu an. Cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bách gia trăm họ nhà nhà đều được ấm no, hạnh phúc.
Theo Đại đức Thích Quảng Thiện: “Giáo lý của đạo Phật mọi điều chi phối đều do luật nhân quả. Người gieo gió khắc gặp bão, gieo nhân nào gặp quả nấy. Nên mọi người hãy tu phúc tích thiện, để hưởng trái lành. Không bao giờ có chuyện người làm điều ác, điều dữ cầu cúng dâng sao mà tai qua nạn khỏi được. Những điều gì mình không muốn thì cũng không nên làm với người khác. Những người giữ tâm ý trong sạch thì tâm thái lúc nào cũng bình an”.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/tam-thien-thi-tu-khac-binh-an-581149/