Tâm thư của 'Bà giáo già U60' tìm thấy 1 con virus 'to tướng' hơn cả Covid-19 đang hoành hành
Tất cả mọi người nói chung có hai lựa chọn: làm công cụ để virus lây lan nhanh hơn hoặc là lá chắn chống virus.
Dịch Covid-19 đến khiến cuộc sống thường nhật bị đảo lộn. Các ngành nghề buộc phải thích nghi và tìm hướng đi mới. Còn đối với giáo dục, cơn đại dịch cũng trở thành cuộc chiến thực sự dành cho giáo viên, học sinh, sinh viên và cả phụ huynh. Lần đầu, hình thức dạy học online được phổ biến rộng rãi và mạnh mẽ. Từ nông thôn đến thành thị, giờ đây ai cũng dần quen với việc ngồi trước màn hình ti vi, máy tính để ôn bài. Còn các thầy cô cũng dẫn nhanh nhạy hơn khi tiếp xúc với công nghệ.
Một giáo viên ở độ tuổi 60 của trường THCS- THPT Đức Trí-TP.HCM đã viết một tâm thư dài bày tỏ những trăn trở của cô trước những khó khăn mà đại dịch Covid-19 gây ra, nhất là đối với hệ thống giáo dục. Cô cho rằng, ở thời điểm này, có loại bệnh còn đáng sợ hơn cả Virus đang hoành hành đó chính là "bệnh lười", và chiến đấu với căn bệnh này cũng quan trọng không kém. Bức thư đã gây xúc động không chỉ đối với học sinh mà còn với cả các thầy cô khác.
Nguyên văn bài viết của cô giáo giấu tên:
1 giờ sáng, cơ thể tuổi 60 nhắc nhở đi ngủ, nhưng phần ghi âm bài giảng tiếng chưa thật mượt, tôi tiếp tục “lọc thêm nghe cho nó chill”. Giờ này những ai đang say ngủ, những ai còn thức? Văn phòng thường trực, bệnh viện dã chiến, khu cách ly, sân bay, ga tàu – nơi tuyến đầu chống dịch chắc chắn có những người không thể ngủ và không muốn ngủ. Không muốn ngủ, cũng như đứa con trai của tôi, chắc chắn đang uống cà phê, ngồi đợi ở phòng bên cạnh. Đêm nay, tôi không thức một mình, con trai sẵn sàng cùng tôi trong cuộc chiến “thích nghi với dạy học online”. Đêm nay, có nhiều đồng nghiệp thân yêu của tôi cũng chiến đấu.
Không chỉ là chống đại dịch, virus corona đem đến nhiều cuộc chiến và bài học quý giá. Cuộc chiến vật lộn với mưu sinh của hầu hết mọi cá nhân khi đại dịch đảo lộn, ngưng trệ kinh tế. Cuộc chiến giữa cái rất con người - ích kỷ cá nhân với cái cao cả - trách nhiệm cộng đồng. Tôi muốn nói về học sinh của tôi, những đứa trẻ được ủ ấp an toàn trong vòng tay gia đình, về cơ bản, đại dịch này chưa sờ đến gáy của chúng, ngoài việc chúng không được đến trường, không được tung tăng bên ngoài. Vậy chúng đang phải chiến đấu với điều gì? VỚI BỆNH LƯỜI. Lười có thể coi là dạng virus cơ hội, ẩn tàng kín đáo và bền bỉ trong mỗi người. Càng rảnh rỗi thì “virus lười” càng lây lan. Nếu bây giờ tôi gọi bọn trẻ tới trước mặt và hỏi: “Đến bao giờ con mới chống lại “con virus lười” to tướng trong con?” Bao nhiêu đứa trẻ sẽ dõng dạc cho tôi câu trả lời nhỉ? Không ai mong muốn và chắc chắn nhân loại đủ tiến bộ để không cho một đại dịch như thế này xảy ra nữa.
Vậy bao giờ các con có dịp để đặt trong thế phải quyết liệt chống lười? Đợi đến khi các con đi làm việc, deadline cận kề ngày đêm, hoặc là cuối tháng có lương hoặc là nhận được “thư cám ơn” và lời tạm biệt, “never see you again” của sếp. Ồ, chúng ta không ai mong muốn các con rơi vào hoàn cảnh đó. Hãy thay đổi từ bây giờ các con ạ. Sáng mai thức dậy, cô mong các con ngoan ngoãn ngồi vào ghế học bài online một cách nghiêm túc, với sách vở bút mực kề bên, với quyết tâm không để “virus lười” bùng phát, lây lan, gặm nhấm tuổi thanh xuân của các con.
Sếp của cô – Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường con đang học cũng đang vật lộn với cuộc chiến: giữ tiền hay giữ người. Thật tử tế khi không một giáo viên, nhân viên nào bị thôi việc; tuy ít hơn thường ngày nhưng tất cả vẫn có lương. Thật tốt đẹp khi sếp giữ người thay vì giữ tiền và cùng tất cả mọi người học hỏi, tập huấn, chiến đấu với công nghệ thông tin để mang lại những giờ học trực tuyến hiệu quả nhất. Chợt thấy thương những đồng nghiệp già, không phải ai cũng có con cái ở bên để hỗ trợ kỹ thuật, lên internet giống như vào mê cung Longleat Haedge với người già vậy. Còn biết bao em giáo viên trẻ làm shipper, bán hàng online để ổn định cuộc sống mùa dịch. Nhưng khi đã ngồi vào bàn làm việc, thầy cô quên hết tất thảy khó nhọc, chỉ một niềm tha thiết đưa bài giảng hay nhất, hấp dẫn, dễ hiểu nhất đến học trò.
Một con “virus lười” bùng phát trong mỗi học trò chính là một viên đạn bắn vào nỗ lực cứu lấy sự học trong đại dịch mà thầy cô và cả bố mẹ các con đang là những chiến sĩ hăng hái bảo vệ. Con hỏi vì sao bố mẹ cũng bị tổn thương khi tham gia cuộc chiến này à? Chẳng ông bố bà mẹ nào yên tâm đi làm khi con cái họ nằm lười ở nhà không chịu học. Một vài lần nhắc nhở không nghe, họ có thể mệt mỏi không nói nhưng sự buồn bực mà các con mang lại chính là yếu tố thúc đẩy stress đổ ập lên đôi vai trĩu nặng của bố mẹ. Ôi, bố mẹ các con cũng cần niềm vui để chiến đấu với bao điều mệt mỏi lo toan khác trong mùa dịch này cơ mà! Thay vì bắn những viên đạn kinh khủng, hãy cho nhau nụ cười và cùng nhau tiến bộ hơn.
Cuộc chiến chống Covid-19 là lúc để chúng ta nhận rõ vị trí của mình trong xã hội. Tất cả mọi người nói chung có hai lựa chọn: làm công cụ để virus lây lan nhanh hơn hoặc là lá chắn chống virus. Chúng ta sẽ làm lá chắn để những người nơi tuyến đầu chống dịch được an tâm, thuận lợi hơn mà nghiên cứu, chế tạo thuốc men, điều trị, ổn định xã hội. Với các em học sinh, hãy biến “nguy” thành “cơ”, nhân dịp này – dịp thấy được “con virus lười to tướng” trong mình, ta quyết tâm chiến đấu với nó. Ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân làm nên sức mạnh cho cộng đồng.
Học đi nhé - nhiệm vụ chính yếu!
Năng chuyện trò, chia sẻ với người thân – điều không thể thiếu!
Thể thao, giải trí lành mạnh, ở yên khi Tổ quốc cần!
Cô là bà giáo già 60 tuổi, cô đã biết thích nghi với những từ ngữ tuổi teen, biết bắt trend, biết 4.0 là gì. Học trò có thể nói rằng “cô trẻ quá”, nhưng với cô, đó là vì cô đang chiến đấu – như một chiến binh, để cuộc sống này tốt đẹp hơn. Trong cuộc chiến này, cô mong các em cũng là những chiến binh như thế! Hẹn gặp nhau ở giờ học online ngày mai, các chiến binh của cô nhé!