Tâm thư gửi con trượt lớp 10: 'Đừng sợ, mẹ cũng từng thi trượt'
Một phụ huynh viết tâm thư thay lời động viên gửi con trai vừa trượt lớp 10 công lập ở Hà Nội năm học 2021 - 2022.
Sau khi biết điểm thi, điểm chuẩn vào lớp 10 THPT công lập năm học 2021 - 2022, không khí gia đình chị Nguyễn Trần Thu Hà (Long Biên, Hà Nội) chùng xuống, không còn nhiều tiếng nói cười như trước. Nguyên nhân, cậu con trai lớn của chị thiếu 8 điểm, trượt nguyện vọng 1 vào trường THPT Nguyễn Gia Thiều (điểm trúng tuyển vào trường là 48,85). Với số điểm thấp như vậy, con chị cũng khó có cơ hội đỗ nguyện vọng 2 vào trường công lập khác.
Trước đó, con được thầy cô đánh giá lực học tốt, học đều các môn. Trước kỳ thi, con tự tin khả năng của bản thân. Nhưng sau khi biết điểm, con sốc và luôn tự trách không làm tốt bài, thua kém điểm thi các bạn, không được như ba mẹ kỳ vọng...
Xót xa khi nhìn con ủ rũ mấy ngày nay, chị Hà đã động viên con bằng bức thư:
"Gửi chàng trai kiên cường!
Con đã làm tốt rồi, đừng tự trách mình!
Ngày Hà Nội công bố điểm chuẩn vào lớp 10, nhiều bạn học sinh reo hò vui sướng vì hoàn thành được cột mốc quan trọng, nhưng bên cạnh đó cũng không ít bạn buồn vì kết quả chưa như mong đợi. Và con là một trong số những bạn học sinh đang buồn rầu ấy.
Năm học 2021 - 2022, Hà Nội có hơn 93.000 thí sinh tham gia cuộc chạy đua tranh suất vào lớp 10 THPT công lập. Theo chỉ tiêu, khoảng 60.600 thí sinh sẽ trúng tuyển, còn lại 32.650 thí sinh sẽ không. Điều đó cho thấy, không chỉ riêng mình con đang buồn, mà rất nhiều bạn khác cùng có chung tâm trạng. Điểm thấp không có nghĩa là con học kém, mà cuộc đua này quá khốc liệt và nhiều người giỏi.
Có thể con khó nói ra thành lời, khó tâm sự về những hụt hẫng ấy. Nhưng con yên tâm, ba mẹ hiểu nỗi lòng đó.
Một kỳ thi không đủ để nói lên sự thắng hay bại của một đời người. Sau tất cả, quan trọng nhất là chúng ta biết đứng lên sau thất bại và không ngừng cố gắng học tập, phấn đấu cho tương lai. Đôi khi, thất bại cũng là một dạng của thành công. Dám đối diện với sự thật, dám đứng lên sau vấp ngã, đừng để chúng níu chân chúng ta con ạ.
Bố mẹ, thầy cô, bạn bè vẫn ở đó, sẽ không ai quay lưng với con. Nếu con cảm thấy mệt mỏi với điểm số và lựa chọn trường học hãy chạy đến ôm mẹ thật chặt. Sau tất cả những chông chênh vừa qua đi con có quyền được yếu đuối một lần.
Con không cần xin lỗi hay tự dằn vặt bản thân vì đã làm bố mẹ thất vọng mà hãy hứa thật bản lĩnh, cố gắng hết mình trong chặng đường mới. Ba mẹ sẽ đồng hành cùng con vượt qua thời kỳ khủng hoảng này, hãy vui vẻ và nghĩ đến những trải nghiệm mới mẻ ở một ngôi trường khác đang chờ con. Biết đâu, sẽ có những thú vị bất ngờ chờ đón con để khám phá, biết đâu đó lại là ngôi trường thực sự phù hợp với khả năng của con hơn.
Mẹ cũng từng thi trượt!
Hai mươi lăm năm trước, mẹ cũng chọn trường, cũng đi thi và mang theo bao kỳ vọng của ông bà ngoại. Thế rồi mọi thứ như tan vỡ, lòng kiêu hãnh của bản thân bị sụp đổ trong phút chốc. Khi ấy mẹ tự đóng cửa cự tuyệt với thế giới.
Một tháng sau, nhìn hội bạn thân cấp 2 cùng vui đùa vào học cấp ba với nhau còn mình mẹ học trường khác. Khi ấy mẹ rất tủi thân và tự nghĩ mình thật kém cỏi so với chúng bạn. Một thời gian dài về sau tim mẹ vẫn nhói khi mỗi lần đi ngang qua ngôi trường từng mơ được vào học.
Dần dần thời gian qua đi, tiếp xúc với những người bạn mới, thầy cô giáo mới, mục tiêu mới làm mẹ quên đi nỗi buồn đầu đời ấy mà chú tâm hơn vào việc học. Mẹ nhận ra, nỗi buồn, tự dằn vặt, tiếc nuối là những cảm xúc bình thường của mỗi người khi thất bại. Nhưng quan trọng là cách chúng ta đứng lên sau cú vấp ngã.
Mẹ thay đổi, ý thức được việc phải “phục thù”, phải cố gắng. Đúng, sự thật mẹ từng trượt vào lớp 10 như con. Tuy nhiên bằng sự kiên trì và nỗ lực, kỳ thi đại học sau đó 3 năm, mẹ đã đỗ vào Đại học Y Hà Nội, làm ông bà vui mừng, bạn bè ngưỡng mộ.
Nhìn lại chặng đường ấy để thấy, trượt lớp 10 không phải là mất tất cả, còn kỳ thi vào đại học, tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ... đang chờ con ở phía trước.
Thay vì tiếc nuối, ấm ức, mắng bản thân, con hãy đi học tiếng Anh, hội họa, đàn hát, vui chơi với đám bạn… Thay vì khóc ướt đầm cả gối, đấm tường chan chát sưng vù cả tay, hãy xuống dưới bếp, làm một món ăn thật ngon cho gia đình.
Thay vì lao đầu như những con thiêu thân vào máy tính, hãy học một cuốn sách, như cuốn về cuộc sống chẳng hạn. Điều đó sẽ làm con quên đi thất bại và mục tiêu tươi sáng hơn.
Nếu con vẫn cảm thấy xấu hổ và kém cỏi so với bạn bè thì hãy cố gắng "phục thù" bằng cách lấy điểm số kỳ thi vào đại học năm 2025 của mình để chứng minh rằng con có thực lực.
Con hãy nhớ, hành động yếu đuối và tự dằn vặt chỉ dành cho những người thất bại. Người kiên cường là phải biết đứng dạy sau cú ngã
Mẹ yêu con - chàng trai kiên cường của mẹ!"
Nguồn VTC: https://vtc.vn/tam-thu-gui-con-truot-lop-10-dung-so-me-cung-tung-thi-truot-ar621865.html