Tâm thư xin trả tuổi thơ cho trẻ: Phụ huynh phải bản lĩnh từ chối con học thêm

Nhiều chuyên gia cho rằng, trẻ bị 'đánh cắp tuổi thơ' do học thêm quá nhiều có một phần nguyên nhân từ chính phụ huynh. Theo đó, họ chưa chịu thay đổi quan điểm, chưa có bản lĩnh nói không với việc này.

Mới đây, một người dân ở Hà Tĩnh viết tâm thư “đòi tuổi thơ cho trẻ” gửi tới lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh này. Trong thư, ông bày tỏ nỗi niềm, sự lo lắng khi các cháu mình đi học thêm quá nhiều, khiến trẻ không có thời gian vui chơi, phát triển toàn diện các kỹ năng.

Quan điểm của ông nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Tại Thông tư số 17/2012 của Bộ GD-ĐT quy định về dạy thêm, học thêm đã nói rõ giáo viên không được dạy thêm học sinh tại lớp mình phụ trách, không dạy thêm với học sinh đã học 2 buổi/ngày.

Thế nhưng, tại những thành phố lớn, không khó để bắt gặp hình ảnh những học sinh tiểu học học cả ngày trên trường nhưng vừa tan học ăn vội chiếc bánh mì, uống hộp sữa để đến lớp học thêm.

Dù không phải năm học chuyển cấp nhưng lịch học thêm của con gái (lớp 4) chị Trần Thu Hoài (Hà Nội) vẫn kín mít. Chị Hoài cho biết, ngày nào cũng thế, 17h tan ca, chị lại mướt mải đưa con đến trung tâm học thêm môn Toán để kịp buổi học lúc 17h30.

Một tuần con chị có 2 buổi học thêm Toán, 1 buổi Tiếng Việt. Khi được hỏi tại sao con học cả ngày ở trường, tối vẫn đi học thêm, chị Hoài giải thích: “Cả lớp con tôi đều thế, không thực sự cần thiết nhưng lớp đông không học sợ cô không quan tâm, quên mặt”.

Có thể thấy lịch học kín đặc như thế là "chuyện thường ngày" của nhiều học sinh, nhất là ở thành phố lớn. Tương tự, sau 16h30 tan học ở trường, con anh Nguyễn Trung Kiên (Hà Nội) lại được bố mẹ đưa đến trung tâm gần trường học thêm chiều tối.

Mỗi tuần, con có 4 ca học tiếng Anh, Toán và tiếng Việt, chủ yếu là các cô giáo ở trường phụ trách. Con học muộn nên bữa cơm tối của họ 20h30 mới kết thúc. Sau khi ăn, con anh Kiên lại vội vàng vào bàn làm bài tập về nhà, chuẩn bị bài cho ngày mai lên lớp cũng như bài ở trung tâm học thêm...

Học sinh tiểu học. Ảnh minh họa.

Học sinh tiểu học. Ảnh minh họa.

Thạc sĩ Lê Thị Loan - nguyên Phó khoa giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) khẳng định: “Việc dạy thêm, học thêm bị lên án bởi lâu nay thực tế việc học chính ở trường vốn đã nặng nề. Nhiều học sinh học 2 buổi/ngày nhưng lịch học thêm buổi tối vẫn chồng chéo khiến học sinh, phụ huynh cảm thấy ngạt thở. Dạy thêm bị biến tướng, giáo viên vì sinh kế muốn học sinh đến lớp học thêm của mình.

Thế nhưng, nếu nhìn lại, phụ huynh cũng phải có trách nhiệm, chính các vị là người tiếp tay cho việc “đánh cắp tuổi thơ” của con mình”.

Phân tích kỹ hơn về điều này, Thạc sĩ Lê Thị Loan cho biết, nhiều phụ huynh thừa biết học thêm với con chưa thực sự cần thiết, duy trì việc học thêm chỉ là giữ mối quan hệ với giáo viên, chính phụ huynh chưa có kỹ năng từ chối, vẫn đồng ý đưa con đến lớp học thêm.

“Tôi từng hỏi hàng xóm nhà mình tại sao con mới lớp 2 đã học cả ngày ở trường tối lại đi học thêm, nhận được câu trả lời vì sợ giáo viên không quan tâm con trên lớp.

Tôi buồn vì câu trả lời ấy, bởi nếu vì sợ từ phía học sinh cũng dễ hiểu vì con còn nhỏ chưa nhận biết được hết đúng sai, nhưng chính phụ huynh lại sợ giáo viên nên cho con đi học thêm chỉ để làm hài lòng giáo viên thì thật thất vọng.

Phụ huynh phải hiểu nhất điều gì cần đối với con mình, không thể vì nể nang, vì sợ mà bắt ép con đến lớp học thêm. Tôi muốn nói rằng phụ huynh phải có chính kiến. Nếu thấy học thêm biến tướng, không giúp gì cho con mà bị làm khó, có thể trực tiếp nói chuyện với giáo viên, thậm chí ban giám hiệu nhà trường", thạc sĩ Loan nói.

Hiệu trưởng một trường tại Hải Phòng xin được giấu tên cũng cho biết, hiện nay khối THPT và cả THCS đang cùng một lúc thực hiện 2 chương trình. Theo nhiều giáo viên, chương trình không quá tải, đặc biệt là chương trình GDPT mới 2018.

Đối với khối THPT, qua gần 1 năm thực hiện chương trình, các nhà trường hầu hết đều nhận thấy không quá áp lực đối với giáo viên và học sinh. Quá tải ở đây là "phải dạy thêm" để phục vụ các kỳ thi, chạy theo thành tích của các trường và chính phụ huynh cũng muốn con mình có nhiều thành tích cao nên vô tình đẩy việc dạy thêm nở rộ.

"Tôi lấy ví dụ, quận, huyện cuối năm nào cũng thống kê kết quả thi đỗ của các trường, điểm trung bình các môn để so sánh, ngay cả phụ huynh cũng so sánh kết quả con mình với “con nhà người ta” mà không biết năng lực và nhu cầu của con đến đâu. Như vậy học trò và nhà trường trường đều phải học thêm, dạy thêm để tăng điểm số, để cố gắng cao hơn mặc dù chương trình không quá tải.

Tôi đề xuất, trước mắt cần cấm tuyệt đối các trường, các trung tâm dạy thêm vào các buổi tối (từ 17h30). Hiện nay không ít các trung tâm đang cùng với giáo viên phối hợp dạy thêm, kinh phí thu của học sinh không theo quy định nào, lớp học có khi 70-80 học sinh vô cùng chật chội.

Tôi kêu gọi bố mẹ hãy để các con được nghỉ buổi tối sau cả ngày học ở trường. Buổi tối để tự học, nghỉ ngơi thẩm thấu kiến thức.

Riêng 3 tháng mùa hè, trừ các lớp phải ôn tập cuối cấp để thi, còn lại “hãy trả lại mùa hè" cho học sinh và điều này phải bắt nguồn từ chính phụ huynh, thay đổi suy nghĩ về học thêm", vị hiệu trưởng này nói.

Hoàng Thanh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tam-thu-xin-tra-tuoi-tho-cho-tre-phu-huynh-phai-ban-linh-tu-choi-con-hoc-them-2134450.html