Tâm tình cán bộ ngoại giao trẻ xa xứ

Những chàng trai, cô gái trẻ, mới 'chân ướt chân ráo' vào nghề nghĩ gì khi đón Tết xa quê?

Nguyễn Hoàng Yến (ngoài cùng bên phải) và đại diện Tổng lãnh sụ quán Việt Nam tại Sihanoukville tiếp đón đoàn Quân cảng Ream tới chúc Tết Nhâm Dần. (Ảnh: NVCC)

Nguyễn Hoàng Yến (ngoài cùng bên phải) và đại diện Tổng lãnh sụ quán Việt Nam tại Sihanoukville tiếp đón đoàn Quân cảng Ream tới chúc Tết Nhâm Dần. (Ảnh: NVCC)

Chuyện Tết xứ người

Mới chỉ “chân ướt chân ráo” vào ngành Ngoại giao chưa đầy hai năm, song chàng trai trẻ Nguyễn Hải Long đã lên đường nhận nhiệm vụ mới và sẽ đón mùa Xuân đầu tiên tại Iran.

Long chia sẻ: “Tết Nguyên đán 2023 là năm đầu tiên tôi đón Tết một mình xa quê. Lúc này tôi mới thấu hiểu được nỗi nhớ gia đình, người thân, bạn bè và quê hương của những người con xa xứ.

Dẫu vậy, tôi cũng có phần may mắn khi được công tác tại tập thể Cơ quan đại diện đoàn kết, quan tâm, luôn đùm bọc lẫn nhau.

Những ngày giáp Tết, thủ trưởng Cơ quan đại diện và các anh chị đồng nghiệp thường xuyên thăm hỏi, động viên và chia sẻ với tôi những món ăn quê hương. Tôi cảm thấy vô cùng ấm áp.

Mọi người dự định sẽ quây quần, cùng nấu bánh chưng và đón giao thừa với sự tham gia của một số kiều bào tại Iran”.

Chia sẻ về truyền thống đón Năm mới ở đất nước Trung Đông, Long cho biết tại Iran, người dân vẫn giữ truyền thống đón Năm mới theo lịch Ba Tư (Vào ngày 21 hoặc 22/3 hàng năm theo lịch Dương) và ngày lễ này có tên gọi Nowruz (Now là mới, ruz là ngày).

Tương tự như Việt Nam, vào những ngày này, người Iran thường dọn dẹp nhà cửa, thăm hỏi họ hàng, người thân và tụ họp ăn uống. Trong thời gian nghỉ Tết dài khoảng hai tuần, họ thường đi du lịch tại các danh lam thắng cảnh ở phía Bắc (Gilan, Mazandaran, Tabriz).

Với Nguyễn Hoàng Yến, trong gần một năm công tác tại Sihanoukville, đây là cái Tết thứ hai của nữ cán bộ trẻ này trên đất Campuchia.

Cô chia sẻ: “Chỉ còn hai tuần nữa thôi là mình sẽ tròn một năm công tác tại Sihanoukville, Campuchia. Năm ngoái, mình sang nhận nhiệm vụ tại sở tại trước Tết, do đó mình cũng đã ít nhiều được cảm nhận không khí trước Tết ở mảnh đất Sihanoukville này”.

Yến nói, chẳng nơi đâu không khí Tết bằng ở quê nhà. Dù Campuchia gần với Việt Nam, song người Campuchia lại sử dụng hệ thống lịch Khmer. Do đó, họ không tổ chức nhiều hoạt động để chào đón Tết Dương lịch và lại càng không đón Tết Âm lịch như Việt Nam hay Trung Quốc. Phải đến dịp Tết của người Campuchia vào tháng Ba/tháng Tư là “Tết Té nước” hay Chol Chnam Thmay, Yến mới cảm nhận rõ hơn bầu không khí rộn ràng, tươi vui thường thấy mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Theo Nguyễn Hoàng Yến, Campuchia có cộng đồng người Việt lớn nhưng tại Sihanoukville, cộng đồng người Việt lại không đông như Phnom Penh hay Siem Reap. Vì thế, bà con người Việt đều mong chờ vào “Tết Cộng đồng”. Đây là một buổi tiệc tất niên mà Tổng Lãnh sự quán tổ chức để cho kiều bào, bà con gốc Việt được tham dự, hồi tưởng lại kỷ niệm về Tết xa xưa, thời còn sinh sống và làm việc ở Việt Nam, cũng như để cho thế hệ con cháu của họ, những người sinh ra và lớn lên tại nước sở tại, được biết đến và được hưởng một cái Tết gần giống như Tết được tổ chức ở tại Việt Nam. Đồng thời, Tổng Lãnh sự cũng tổ chức một buổi tất niên là “Tết đối ngoại”. Đây cũng là dịp để giới thiệu cho chính quyền, quan chức nước sở tại về phong tục tập quán, nét văn hóa rất đẹp của người Việt. Năm nào, lãnh đạo cơ quan, chính quyền địa phương cũng đều háo hức chờ đến ngày này.

Yến cho biết thêm: “Năm ngoái, khi vừa sang, mình đã tiếp rất nhiều đoàn khách của địa phương và đoàn khách nào cũng mong chờ đến dịp Tết cộng đồng để được đến dự cùng Tổng Lãnh sự quán. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, do tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp và quy định phòng chống dịch, việc tổ chức Tết cộng đồng gặp nhiều hạn chế. Vì vậy, năm nay Tổng Lãnh sự quán hy vọng, với tình hình bệnh Covid-19 được kiểm soát chặt chẽ tại Campuchia và việc mở cửa, giao lưu giữa hai nước đang diễn ra thuận lợi, nhiều hoạt động ý nghĩa, Tổng Lãnh sự quán mong đón nhận nhiều cơ quan, ban ngành sở tại cùng đến tham dự tiệc Tất niên của cơ quan vào thời gian tới”.

Cán bộ trẻ Nguyễn Hải Long. (Ảnh: NVCC)

Cán bộ trẻ Nguyễn Hải Long. (Ảnh: NVCC)

Những trải nghiệm mới

Nhớ lại những ngày đầu đặt chân tới mảnh đất Trung Đông, Long cho rằng bản thân cảm thấy thật sự may mắn khi được thủ trưởng Cơ quan đại diện tin tưởng, phân công phụ trách công tác lễ tân và làm phiên dịch cho một số hoạt động, trong đó có chuyến thăm Iran của Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội. Dù đã từng đón đoàn trong nước song với một cán bộ trẻ, đây vẫn là một trải nghiệm mới mẻ.

Với quan niệm rằng “đã là cán bộ ngoại giao thì phải có tinh thần xông pha và chuyên môn phải toàn diện”, Long đã cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Những cuộc tiếp xúc với đoàn Quốc hội và người bạn Iran, sự thân thiện, nhiệt tình hỗ trợ và động viên của họ đã khiến cán bộ ngoại giao trẻ thêm vững tâm, từng bước trưởng thành hơn.

Với Yến, một năm qua là quãng thời gian của sự trải nghiệm. Điều cô cảm nhận rõ nét nhất là sự trưởng thành, độc lập hơn của chính bản thân mình. Cô chia sẻ: “Ở trong nước, dù bạn có làm ở bất kỳ đơn vị nào, xung quanh bạn luôn có nhiều đồng nghiệp để hỗ trợ - sự phối hợp với nhau là thường xuyên liên tục. Tuy nhiên, đi công tác nhiệm kỳ là một câu chuyện khác, đặc biệt là các cơ quan đại diện không có đông người. Cơ quan đại diện của mình chỉ có tám người, mỗi người phụ trách một công việc riêng và chịu trách nhiệm trước lãnh đạo đơn vị, trưởng cơ quan đại diện. Vì thế, tinh thần trách nhiệm của mình cũng phải tăng lên rất nhiều. Mình phải bảo đảm rằng trong mọi công tác mình làm phải hết sức chỉn chu, tuân thủ quy định pháp luật, đảm bảo kịp tiến độ, kịp thời gian và đạt được hiệu quả”.

“Khi đi công tác nhiệm kỳ, một cán bộ thường phải kiêm nhiệm nhiều vị trí và có lúc sẽ thấy bỡ ngỡ với công việc mới. Tuy nhiên, cán bộ trẻ nên phát huy thế mạnh của mình, đó là tinh thần học hỏi, chủ động và linh hoạt thích ứng trong công việc; tranh thủ thời gian trải nghiệm thêm về văn hóa con người sở tại hoặc trau dồi kiến thức, ngoại ngữ để phục vụ cho công việc”.

Không ngừng nỗ lực

Về lời nhắn nhủ với các cán bộ trẻ chưa từng đi công tác nhiệm kỳ, Long cho rằng việc công tác tại các Cơ quan đại diện sẽ giúp cán bộ trẻ có thêm nhiều kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm để trưởng thành.

Long chia sẻ: “Khi đi công tác nhiệm kỳ, một cán bộ thường phải kiêm nhiệm nhiều vị trí và có lúc ta sẽ thấy bỡ ngỡ với công việc mới. Tuy nhiên, các cán bộ trẻ nên phát huy thế mạnh của mình, đó là tinh thần học hỏi, chủ động và linh hoạt thích ứng trong công việc, tranh thủ thời gian trải nghiệm thêm về văn hóa con người sở tại hoặc trau dồi kiến thức, ngoại ngữ phục vụ cho công việc”.

Về phần mình, Yến cho rằng các cán bộ trẻ, trước khi đi nhiệm kỳ, cần trau dồi bản lĩnh, phẩm chất đạo đức để vững vàng trước nhiệm vụ ở Cơ quan đại diện. Với cô, lòng yêu nước cũng là yếu tố vô cùng quan trọng: “Nếu như bạn thực sự yêu Việt Nam, mọi hành động, lời nói của bạn sẽ toát ra điều đó. Nhờ có bạn, người ta sẽ có những cái nhìn mới về Việt Nam. Chính bạn sẽ là một đại sứ, một người truyền cảm hứng để họ hướng tới Việt Nam nhiều hơn. Đó là điều mình luôn tâm niệm ở trong lòng”.

Đồng thời, các cán bộ trẻ cần không ngừng nỗ lực trau dồi kiến thức, kỹ năng ngay tại đơn vị của mình. Đơn vị nào cũng có những điều cần phải học hỏi và có thể vận dụng trong công tác tại Cơ quan đại diện ở nước ngoài. Ngoài ra, các cán bộ trẻ hãy cố gắng học hỏi, tăng cường khả năng sử dụng ngoại ngữ bởi lẽ, khi giao tiếp với công dân, chính quyền sở tại hay công dân của các nước thứ ba, bạn cần luôn luôn đảm bảo rằng các thông tin mà bạn cung cấp là đúng, dễ hiểu.

(ghi)

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tam-tinh-can-bo-ngoai-giao-tre-xa-xu-213170.html